Hợp tác để tránh khủng hoảng

Thống đốc Ngân hàng Trung ương và Bộ trưởng Tài chính của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại cuộc họp ở Sydney, Australia ngày 22 và 23-2 đã mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế tốt hơn về chính sách tiền tệ để giúp ngăn ngừa bất ổn tài chính trong tương lai.

Phát biểu tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính Australia Joe Hockey cho biết muốn tránh tái diễn khủng hoảng tài chính, cần có một chính sách chung của G20.

Thực ra vấn đề này đã được bàn thảo nhiều lần nhưng cho đến nay các nước G20 vẫn chưa có hành động cụ thể. Trong khi đó, nguy cơ ngày càng lớn và không ai có thể tin chắc là khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới sẽ không còn tái diễn. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm gói kích thích kinh tế khổng lồ, các nền kinh tế khác bị tác động rất rõ.

Từ đầu năm tới nay, những nhà đầu tư bắt đầu rút hàng chục tỷ USD ra khỏi các nền kinh tế mới nổi để đưa trở lại Mỹ, tạo ra sự hỗn loạn từ Ngân hàng Trung ương Argentina đến Nam Phi khi các nước này tăng mạnh lãi suất như biện pháp để giữ vốn. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, theo trích dẫn của báo Globe and Mail, đã phải thốt lên rằng: “Sự phối hợp về chính sách tiền tệ quốc tế đã đổ vỡ”.

Ngày 20-2, phát biểu trước khi đến Australia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã bênh vực chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn khi cảnh báo các nền kinh tế mới nổi không nên đổ lỗi cho chính sách tiền tệ của phương Tây về những vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Ông cho rằng Mỹ và Anh “hoàn toàn có quyền hoạch định và triển khai chính sách tiền tệ dựa trên lợi ích của mình”.

Các nền kinh tế hàng đầu thế giới cho rằng chính các nền kinh tế mới nổi mới cần cải cách về cấu trúc kinh tế để tránh nguy cơ khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khi các nền kinh tế mới nổi đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Cụ thể là các nền kinh tế mới nổi muốn FED giảm bớt tác động của việc giảm gói kích thích kinh tế thì FED dường như không quan tâm. Tiếng nói chung chỉ dừng lại ở mức độ chia sẻ thông tin.

Lần này, với tư cách là nước chủ nhà, ý tưởng của Bộ trưởng Tài chính Australia tạo ra một cơ chế cảnh báo sớm về những gì có thể tạo ra biến động thị trường tài chính cũng như G20 phải có chính sách tiền tệ chung được nhiều đồng nhiệm trong G20 tán thành, nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định khó có thể thành sự thật.

Vấn đề là các ngân hàng trung ương luôn phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết trước khi nghĩ đến chiến lược quốc tế. Những mâu thuẫn về lợi ích quốc gia đã làm biết bao nhiêu hội nghị quốc tế, nhất là về tài chính, đổ vỡ.

Theo các nhà kinh tế, trong tương lai gần, ít khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ như từng xảy ra ở châu Á năm 1997 khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn. Nguyên nhân là các nền kinh tế mới nổi giờ đây có nền tảng vững chắc hơn. Tuy nhiên việc tăng mạnh lãi suất của các nền kinh tế này đã làm tăng nguy cơ lạm phát, tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận…

Nếu các nền kinh tế lớn không nghĩ đến chiến lược quốc tế thì nguy cơ đó đe dọa tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi kéo theo sự giảm phát của kinh tế toàn cầu và các nước giàu cũng không thể thoát khỏi khủng hoảng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục