Ngày 28-3-2016, Báo SGGP có bài viết Ngành chế biến hạt điều trước bài toán hợp tác, cùng ngày Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng có buổi tọa đàm về đề tài này với sự tham gia từ nhiều phía (doanh nghiệp chế biến), nhà sản xuất và kinh doanh thiết bị, Trường Đại học Bách khoa TPHCM - đơn vị vừa ký hợp đồng chuyển giao thiết bị công nghệ sang Bờ Biển Ngà.
Tại sao không là “made in Việt Nam”?
Nguyện vọng của các nhà máy chế biến điều là không muốn cho xuất khẩu máy móc, thiết bị ra khỏi Việt Nam. Đặc biệt, càng không muốn xuất và chuyển giao công nghệ cho các nước châu Phi. Vì đây là khu vực cung cấp nguồn nguyên liệu chính và rất lớn cho Việt Nam. Chính họ sẽ là đối tượng cạnh tranh sau này của ngành điều Việt Nam. Nhưng ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch Vinacas, Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, thừa nhận Luật Doanh nghiệp không cấm các doanh nghiệp (DN) sản xuất thiết bị chế biến điều được xuất khẩu.
Thiết bị chế biến điều Việt Nam khá đơn giản nhưng hiệu quả và phù hợp với người lao động trong nước
Là nhà sản xuất thiết bị, ông Đặng Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Mekong Tech, đặt vấn đề: Ai cũng nể Việt Nam là nước chế biến và xuất khẩu nhân điều số một thế giới liên tục từ năm 2006 đến nay bằng chính thiết bị và công nghệ gần như do Việt Nam sản xuất. Vậy tại sao chúng ta lại không xuất khẩu thiết bị để thế giới biết đến. Bên cạnh nhân điều, Việt Nam còn là đất nước sản xuất và xuất khẩu các thiết bị chế biến điều sánh bước cùng với các nước và những hãng sản xuất lâu đời thế giới như Oltremare (Ý). Mỗi nước như Ấn Độ, Brazil… cũng có công nghệ và các nhà cung cấp thiết bị riêng, nhưng ngay cả những nước này cũng mua và nhập thiết bị Việt Nam phù hợp và có nhiều ưu thế. Tại khu vực châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà - đất nước có sản lượng điều thô nguyên liệu lớn nhất - đã có nhiều nước cũng đã xuất khẩu thiết bị và hiện diện ở đây như Ấn Độ, Ý (Oltremare), kể cả Israel… và thực tế Bờ Biển Ngà cũng đã chế biến dù ít - mới 5% sản lượng.
Vì vậy, nếu chậm chân, ngành cơ khí chế biến hạt điều Việt Nam sẽ mất cơ hội ở khu vực này trong khi nhu cầu trong nước ngày càng bão hòa. Ngoài cung cấp thiết bị trong nước, 5 năm nay, Mekong Tech còn xuất 20 thiết bị, trong đó Bờ Biển Ngà là 5 thiết bị. Từ giai đoạn đầu chế biến điều của Việt Nam, Oltremare đã có mặt, nhưng đến nay hầu như không thể cạnh tranh với các thiết bị sản xuất ngay trong nước. Giờ đây Oltremare quay sang mua thiết bị (phần cắt vỏ điều) của Việt Nam sản xuất nhờ ưu thế về tỷ lệ hạt bị bể thấp hơn. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần đăng ký bản quyền cũng như thương hiệu chung về thiết bị chế biến điều Việt Nam.
Được gì và mất gì?
Phía phản biện, nhà sản xuất cơ khí, cho rằng nên xem xuất khẩu thiết bị chế biến hạt điều là thế mạnh khác của ngành điều để cùng sánh bước vị trí hàng đầu về xuất khẩu nhân điều, để Việt Nam còn là nước có “vai vế” về cơ khí chế biến. Thay vì thụ động “phòng thủ”, chúng ta có thể “tấn công” bằng cách chủ động xuất khẩu thiết bị và chuyển giao theo lộ trình, tranh thủ cơ hội ưu đãi của Chính phủ Bờ Biển Ngà khi kêu gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Việt Nam đến xây dựng nhà máy chế biến. Nói như ông Đặng Văn Tuyên, nhà máy tại Bờ Biển Ngà sẽ làm những khâu ban đầu, sau đó đưa về Việt Nam làm tiếp các khâu còn lại. Ông Pham Văn Công đặt vấn đề, khi xuất khẩu và chuyển giao thì phải tính đến ngành điều Việt Nam được gì và mất gì? Đại học Bách khoa TPHCM nên cân nhắc và tìm hiểu, châu Phi cần gì ở chúng ta? Tại sao khi đàm phán với Vinacas, Hội đồng Bông và hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA) đồng ý ưu tiên 500.000 tấn điều thô cho Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa có sự trả lời chính thức (!?).
Theo ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SXTM Phúc An (Bình Phước), phải đặt lợi ích của cả ngành điều Việt lên trên hết. Nếu chỉ nói về giá trị, mỗi thiết bị giá không đáng là bao. Vì vậy, giữa nhà chế biến và cơ khí cần có sự hợp tác. Tiến sĩ Hoàng Tuấn, chuyên gia nông nghiệp, được giao nhiệm vụ viết đề án hợp tác giữa ngành điều Việt Nam và Bờ Biển Ngà, cho rằng nên nâng chương trình hợp tác hai bên thành cấp chính phủ để có phương thức đàm phán hợp tác sao cho các bên cùng thắng. Việc xuất khẩu thiết bị chế biến không thể không chuyển giao, nhưng phương thức chuyển giao phải có điều kiện, với mục tiêu bảo vệ ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì lợi thế. Các nước xem thiết bị Việt Nam là giải pháp để nâng tầm giá trị hạt điều, dù chưa hẳn đã tốt nhất và thực tế còn phải tiếp tục cải tiến để hoàn chỉnh hơn, nhưng trước hết vẫn có những ưu thế nhất định và phù hợp với khả năng kinh tế. Vì vậy, thiết bị là sản phẩm hàng hóa, nhưng cũng cần xem công nghệ là “vũ khí” cạnh tranh để duy trì lợi thế chế biến trong nước.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết hợp tác là xu thế, không thể cấm xuất khẩu thiết bị, nhưng không thể chuyển giao công nghệ dễ dãi, vô điều kiện vì mục đích cá nhân hay lợi ích riêng rẽ của từng nhóm, mà phải có sự điều phối chung của Chính phủ và có lộ trình cụ thể. Yêu cầu của Vinacas khi làm việc với CCA là rõ ràng, Việt Nam sẵn sàng hợp tác, đầu tư và chuyển giao. Bờ Biển Ngà có thiết bị và công nghệ, Việt Nam có sự đảm bảo quota nhập khẩu 500.000 tấn điều thô/năm. Hiệp hội Điều Bình Phước cũng cho biết, khi CCA làm việc với tỉnh nhờ hỗ trợ quy trình canh tác để nâng cao năng suất, tỉnh Bình Phước sẵn sàng nhưng cũng phải ưu tiên nguyên liệu cho tỉnh hàng năm. Đó mới là sự hợp tác hai bên cùng thắng. Vấn đề là thành ý của Bờ Biển Ngà đến đâu. Nhưng trước hết, các bên Việt Nam cần có sự thống nhất. Nói thì dễ, để cùng phối hợp thực hiện mới là vấn đề.
CÔNG PHIÊN