Hợp tác phát triển bền vững

Gần 3 năm triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, kết quả mang lại rất ấn tượng.

Gần 3 năm triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, kết quả mang lại rất ấn tượng.

Trước hết, nền tảng, mục tiêu cũng như các nội dung của chương trình hợp tác đã được xác định, các bên đã ngày càng nhìn rõ thế mạnh của mình để triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, TPHCM là thị trường có mức tiêu thụ, cũng là nơi trung chuyển hàng hoá lớn nhất nước đã hiểu rõ sẽ được gì từ chương trình hợp tác.

Theo quan sát của chúng tôi, xuyên suốt trong quá trình thực hiện, lãnh đạo TPHCM luôn trăn trở sẽ làm gì để hỗ trợ tốt nhất cho DN của các tỉnh, cho sự phát triển bền vững của các địa phương trong vùng. Chính vì lẽ đó, Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã được hình thành và triển khai định kỳ 1 lần/năm. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Chương trình Hợp tác thương mại nhằm tạo cơ hội cho các DN và nhà phân phối tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu; tạo điều kiện để người nông dân, các tổ hợp tác, HTX nông lâm ngư nghiệp tiếp cận, kết nối với các nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước. Chương trình đồng thời kết nối giữa các DN TPHCM và các địa phương tăng cường liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, tạo tiền đề xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường tại TP. Thông qua Hội nghị kết nối giao thương hàng hóa góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động.

Cùng với việc triển khai Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa, TPHCM còn thực hiện hàng loạt các chương trình để hỗ trợ DN các tỉnh, thành tiếp cận với hệ thống phân phối, vận động các ngân hàng hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho tiểu thương tại một số tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho ban quản lý và tiểu thương... Mặt khác, các DN của TP cũng không ngừng đầu tư để phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ trong từng lĩnh vực, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho các DN, các HTX… TPHCM đã trở thành thị trường tiêu thụ khoảng 70% lượng hàng hóa, các sản phẩm chủ lực của nhiều tỉnh, thành. Cụ thể, TPHCM hiện đang tiêu thụ khoảng 70% lượng thịt gia súc, gia cầm của tỉnh Đồng Nai; 70% số lượng rau củ quả của tỉnh Lâm Đồng cũng được đưa về TP để tiêu thụ. Tính đến nay, tổng số vốn đầu tư của các DN TPHCM vào các tỉnh, thành đã đạt gần 10.000 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn đầu tư cho liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch vào khoảng 2.500 tỷ đồng. Sự góp sức của các DN TPHCM đã tạo nền tảng cho nhiều DN ở các tỉnh, thành phát triển mạnh mẽ, trở thành những thương hiệu uy tín tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế triển khai chương trình hợp tác vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Đó là còn khá nhiều hợp đồng nguyên tắc đã ký kết nhưng không triển khai được. Nguyên nhân chính là vì các DN chậm thay đổi về mẫu mã, kích thước, bao bì sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… theo yêu cầu của nhà phân phối nên không thể đưa vào mạng lưới phân phối trên địa bàn TP. Mặt khác, một số nhà cung ứng không đảm bảo yêu cầu về thời gian, tiến độ giao hàng kịp thời cho hệ thống phân phối vì không có kho hàng, điểm tập kết và mạng lưới điều phối hàng hóa tại TP. Công tác liên kết giữa các DN trong việc tạo nguồn hàng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, rời rạc. Đặc biệt là việc phối hợp trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thương mại. Bên cạnh các tỉnh đã ủng hộ mạnh mẽ cho các DN TP thiết lập và phát triển mạng lưới phân phối, thì còn không ít địa phương chưa chủ động hỗ trợ các DN của TP đầu tư, phát triển hệ thống siêu thị. Chính điều này đã làm cho lãnh đạo cũng như DN TPHCM không ít lần chạnh lòng, còn các chuyên gia thị trường phải xót xa khi nhiều mặt bằng có vị trí đẹp nhất tỉnh đã rơi vào tay các DN vốn ngoại!

Một DN sản xuất mì ăn liền hàng đầu của VN chua chát nói: “Gần đây một số hệ thống siêu thị có vốn nước ngoài đã bắt đầu tỏ rõ thái độ “chiếu trên” với các nhà cung cấp. Họ ép chiết khấu hàng hóa khi đưa vào siêu thị đến mức nhà sản xuất gần như đi làm không công cho họ. Nếu nhà cung cấp không chấp nhận mức giá họ đưa ra, sẽ bị đuổi về ngay lập tức, hoàn toàn không có chuyện đàm phán giá như hồi họ mới vào Việt Nam”. Đành rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, sức mua thấp thì các nhà bán lẻ phải bước vào cuộc chiến “hàng giá rẻ” để lôi kéo khách. Nhưng nếu tình hình này kéo dài, các DN sản xuất sẽ “chết dần, chết mòn”, khi đó họ sẽ đưa hàng từ nước ngoài vào bán và sẽ “biến” DN thành nơi gia công hàng nhãn riêng cho siêu thị. Hậu quả sẽ khôn lường! Ai nắm mạng lưới phân phối, người đó sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Đó là quy luật của nền kinh tế thị trường.

Quay trở lại với Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, để chương trình mang lại hiệu quả cao nhất, trước hết các bên cần đẩy mạnh việc thông tin về cung cầu hàng hóa. Việc thực hiện chương trình phải mang tính cầu thị, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tăng cường liên kết đầu tư, phát triển mạng lưới phân phối. Những hoạt động này cũng cần được đặt trong sự tương tác, hướng đến sự phát triển kế thừa và bền vững của các DN. Hợp tác nhằm tạo sức mạnh kinh tế vùng nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo cung cầu hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều quan trọng hơn cả, hợp tác sẽ tạo cơ chế tốt nhất để chúng ta xây dựng được một đội ngũ DN đủ mạnh, có thể ứng phó tốt với các tình huống biến động từ thị trường, góp phần ổn định an sinh, xã hội.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục