Hợp tác phục vụ du lịch

Ngày 29-3 vừa qua, Sở Công thương, Sở Du lịch và Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã ký kết liên tịch phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai chương trình kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch. 

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết đây là điểm mới trong việc triển khai thực hiện các Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) năm 2019 - Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn TPHCM. 

Đại diện  Sở Công thương, Sở Du lịch và Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM tại buổi  ký kết liên tịch


Theo các sở ngành chức năng, việc ký kết liên tịch được căn cứ theo thông báo số 857 ngày 31-12- 2018 của Văn phòng Thành ủy TPHCM về kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi, trong đó “giao Sở Công thương, Sở Du lịch xác định chuyên đề hỗ trợ trong việc liên kết tiêu thụ nông sản trong hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu”.

Mục đích của việc ký kết liên tịch cũng nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, phát triển thị phần cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có tiềm năng của các địa phương, vùng miền và TPHCM. 

3 đơn vị sẽ phối hợp để triển khai nhanh việc xây dựng các danh mục sản phẩm theo mùa, theo vùng miền. Danh mục này, do sở công thương các tỉnh thành đề xuất và phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; được nuôi trồng, chế biến, sản xuất theo các quy trình hiện đại, khép kín, phù hợp. Song song đó, các bên cũng tiến hành khảo sát tiêu chí, nhu cầu lựa chọn thực phẩm của hệ thống các nhà hàng, khách sạn để xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm tham gia chương trình, đáp ứng các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm, khuyến khích sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chuỗi thực phẩm hữu cơ. Rà soát và lập danh sách sản phẩm, đơn vị cung ứng phù hợp, tổng hợp các hồ sơ liên quan; từ đó đánh giá, lựa chọn mặt hàng thông qua hồ sơ của doanh nghiệp (DN), thống nhất danh mục sản phẩm. 

Khi đã thiết lập đầy đủ nguồn hàng và xây dựng tiêu chí, TPHCM sẽ tiến hành tổ các hội nghị kết nối vào hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du lịch trên địa bàn TPHCM. Tiến hành xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nông sản an toàn và đặc sản vùng miền tại các điểm du lịch. Tổ chức quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền đến du khách thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa để tạo sự nhận biết cho các đối tác và người tiêu dùng về những sản phẩm an toàn.  

Nội dung kế hoạch liên tịch cũng phân vai rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Cụ thể, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp Sở Du lịch, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM định hướng danh mục sản phẩm thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền theo nhu cầu thị trường, nhu cầu khách du lịch; thẩm định, đánh giá mặt hàng thông qua hồ sơ, thống nhất danh mục sản phẩm của chương trình; phối hợp với sở công thương các tỉnh thành rà soát và lập danh sách sản phẩm, đơn vị cung ứng phù hợp, tổng hợp các hồ sơ liên quan. 

Ban Quản lý An toàn Thực phẩm có nhiệm vụ phối hợp Sở Công thương, Sở Du lịch xây dựng danh mục sản phẩm theo mùa, theo vùng miền; rà soát, đánh giá sản phẩm thực phẩm tham gia chương trình phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Thống kê danh sách các bếp ăn tập thể có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn trên địa bàn TPHCM; lập danh sách các nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn TP; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động, kết nối tiêu thụ thực phẩm chất lượng và sản phẩm tham gia chương trình; phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TPHCM.
 
Trong khi đó, Sở Du lịch có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Công thương tổ chức quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền đến du khách tại TPHCM thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa. Rà soát, lập danh sách cơ sở lưu trú trên địa bàn TP, mời gọi tham gia các hoạt động kết nối, tiêu thụ thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý Ban An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng để thực hiện hiệu quả kế hoạch, 3 bên thống nhất sẽ chọn các khách sạn từ 3 sao trở lên, nhà hàng hạng sang tại 5 quận nội thành để thực hiện thí điểm. Song song đó, chương trình sẽ chọn các bếp ăn trong hệ thống trường học để triển khai. Bà Phạm Khánh Phong Lan lý giải, sở dĩ TPHCM chọn các đối tượng này để thực hiện trước là do khách hàng sử dụng đều phải trả tiền giá cao (với các nhà hàng, khách sạn) và phụ huynh phải trả tiền ăn trước cho nhà trường nên đây là những đối tượng bắt buộc phải thực hiện. Ngay sau khi chương trình đi vào ổn định, TP tiếp tục triển khai rộng rãi đến các đối tượng khác. “Để chống thực phẩm bẩn, phải có các biện pháp nhân rộng mô hình cung cấp thực phẩm sạch. Chúng ta cũng không thể chờ ý thức tự giác của người kinh doanh và đã đến lúc phải siết chặt hơn nữa đầu vào của thực phẩm nhằm từng bước đẩy lùi thực phẩm kém chất lượng. Đây cũng là cách để hỗ trợ, tạo sự công bằng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm phát triển”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.  

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho hay TPHCM hiện có hơn 3.000 cơ sở cư trú du lịch, do vậy nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch trong thực đơn phục vụ du khách là rất lớn. Trong thời gian đầu, các DN có thể gặp khó khăn về giá bán. Để khai thác hiệu quả, đưa hàng bình ổn chất lượng vào hệ thống khách sạn thì các DN cần phải tìm hiểu kỹ về giá thành, có lộ trình điều chỉnh giá cho phù hợp. Ở nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến, bên cạnh tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ, DN cần chú trọng đầu tư về bao bì, mẫu mã để có thể cạnh tranh tốt hơn với các sản phẩm cùng loại. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhìn nhận: “Kế hoạch đưa hàng bình ổn vào nhà hàng, khách sạn bước đầu sẽ không đơn giản vì hầu hết các điểm này đều đã có nguồn cung ổn định. Nhưng nếu chúng ta quyết tâm triển khai cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở ngành và DN thì hoàn toàn có thể làm được vì uy tín của TPHCM nói chung với khách du lịch đến TPHCM nói riêng”.

Trong tháng 4-2019, các đơn vị phối hợp phát hành, thu thập phiếu thăm dò khảo sát tiêu chí, nhu cầu lựa chọn thực phẩm của hệ thống các nhà hàng, khách sạn. Tổ chức hội thảo “Đánh giá tiêu chí, nhu cầu lựa chọn thực phẩm của hệ thống nhà hàng, khách sạn” vào ngày 31-5-2019.
 Hoàn chỉnh danh mục sản phẩm theo mùa, theo vùng miền vào ngày 15-6-2019. Rà soát và lập danh sách sản phẩm, đơn vị cung ứng phù hợp, tổng hợp các hồ sơ liên quan từ ngày 15-6 đến 31-8-2019. Tổ chức hội nghị kết nối  từ ngày 12 đến 14-9-2019.
Xây dựng hệ thống phân phối và tổ chức quảng bá trong 2 năm 2019 và 2020.

Tin cùng chuyên mục