Hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành phía Nam: Hiệu quả, ấn tượng

Ký kết 425 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm
Hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành phía Nam: Hiệu quả, ấn tượng

Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ là chương trình hợp tác chuyên ngành đầu tiên của TPHCM trong lĩnh vực thương mại nhằm thiết lập mối quan hệ, xác định thế mạnh, tiềm năng và hỗ trợ nhau giữa các địa phương. Chỉ sau 2 năm thực hiện, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Khách tham quan, tìm hiểu các loại trái cây đặc sản của các HTX nông nghiệp trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ tổ chức vào tháng 11-2013. Ảnh: Uyển Như

Khách tham quan, tìm hiểu các loại trái cây đặc sản của các HTX nông nghiệp trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ tổ chức vào tháng 11-2013. Ảnh: Uyển Như

Ký kết 425 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm

Giữ vai trò đầu tàu kinh tế, TPHCM là trung tâm sản xuất, phân phối, trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa sôi động với quy mô thị trường chiếm hơn 25% của cả nước. Vì vậy, việc giữ ổn định thị trường, đảm bảo cung cầu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với nhận thức đó, đầu năm 2012, TPHCM đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác thương mại với 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ nhằm thực hiện tốt hơn các mục tiêu nêu trên.

Một trong các nội dung quan trọng của chương trình, được thực hiện rất hiệu quả trong năm 2013, là công tác kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành được thực hiện liên tục, theo nguyên tắc hai chiều, thông qua việc giới thiệu trực tiếp, tổ chức khảo sát nguồn hàng, tổ chức hội nghị kết nối… Thật khó có thể quên, trong cơn mưa, bão kéo dài đổ ập vào TPHCM khiến cho nhiều khu vực của TP bị ngập lụt, nhưng Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành được tổ chức ngày 7-11-2013 vẫn thu hút sự tham gia của đông đảo các DN trong và ngoài TP, với 128 DN Tây Nam bộ, 55 DN Đông Nam bộ, 8 DN phía Bắc và 156 DN TPHCM. Trong khuôn viên hội trường Đông Hồ ngày hôm đó đã không còn chỗ đứng. Hội nghị được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản, thực phẩm là các đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối tại TPHCM. Tại hội nghị đã có 229 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết.

Kết thúc năm 2013, có 277 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối, lũy kế từ năm 2012 đã có tổng cộng 425 hợp đồng được ký kết. Nội dung ký kết chủ yếu là tiêu thụ hàng nông sản, đặc sản của các địa phương tại thành phố và cung ứng con giống, thực phẩm chế biến của DN TPHCM tại các tỉnh, thành. Tính riêng DN bình ổn thị trường, năm 2013 các đơn vị đã tiêu thụ hàng hóa trị giá 9.496 tỷ đồng của các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ và cung ứng hàng hóa trị giá 5.734 tỷ đồng đến các địa phương. Tiêu biểu, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM Saigon Co.op ký kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất hàng nhãn riêng với 104 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, doanh số đạt 925,43 tỷ đồng; Công ty Vissan liên kết với các trang trại chăn nuôi tại các địa phương tiêu thụ 30.807 tấn heo hơi, 1.241 tấn bò hơi, tổng giá trị đạt 1.040 tỷ đồng; cung ứng 10.773 tấn thực phẩm chế biến với doanh số 969,9 tỷ đồng/năm; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cung cấp 53.928 con heo hậu bị, heo con giống đến các trang trại chăn nuôi tại 23 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó cung ứng 42.170 con tại 15 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam bộ, chủ yếu là hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Công tác kết nối cung cầu được triển khai hiệu quả, hệ thống phân phối của TP tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, bổ sung nhiều danh mục hàng hóa đặc sản như: miến dong Bắc Kạn, bánh pía Tân Huê Viên, bột Bích Chi… Nhiều trang trại sản xuất rau sạch tại An Giang, Bình Phước, Long An… được đưa trực tiếp vào hệ thống phân phối. Các DN phân phối lớn của các tỉnh, thành như Doanh nghiệp tư nhân Tứ Sơn (An Giang), hộ kinh doanh Bá Phát (Đồng Tháp)… tìm kiếm được nguồn hàng dồi dào, ổn định cung ứng thị trường tại địa phương.

Liên kết bình ổn thị trường

Đến nay, người tiêu dùng vẫn chưa quên việc giá trứng gia cầm đã tăng chóng mặt, hơn 50% chỉ trong 1 tuần vào thời điểm đầu năm 2013. Trong tình huống đó, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Thông tin về tổng đàn gà, nguồn cung ứng, hoạt động chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ… nhanh chóng được chia sẻ giữa các địa phương. Các đoàn công tác chung giữa các địa phương được thành lập gấp rút và làm việc hiệu quả với các đơn vị chăn nuôi liên quan. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, tình hình thị trường trứng gia cầm đã nhanh chóng ổn định, trở về bình thường chỉ trong thời gian ngắn sau đó.

Cùng với việc phối hợp để chia sẻ thông tin, tiêu thụ sản phẩm, các DN TPHCM còn tăng cường đầu tư, phát triển kinh doanh tại các tỉnh, thành, đồng thời tích cực tham gia các chương trình bình ổn thị trường tại nhiều địa phương. Có thể kể đến Saigon Co.op đã tham gia thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường tại 10 tỉnh, thành với tổng số vốn 80 tỷ đồng. Trong năm 2013 đã thực hiện tổng cộng 1.425 chuyến bán hàng lưu động mang hàng Việt, tết Việt đến với mọi nhà vùng sâu vùng xa tại các tỉnh, thành; hệ thống siêu thị Vinatex tham gia thực hiện bình ổn thị trường tại 6 tỉnh, thành với tổng vốn 78,5 tỷ đồng; hệ thống Maximark thực hiện bình ổn thị trường tại Bình Dương, Khánh Hòa…

Theo đó, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM cũng đã phát triển tốt mạng lưới tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh, thành như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Cầu Tre, Minh Tiến, Trương Vui, Hương Mi, Fahasa… Điều đáng lưu ý, hầu hết các DN này đều đã thực hiện chính sách “một giá” do các sở, ngành của TPHCM phê duyệt, do đó cũng góp phần ổn định thị trường tại các địa phương.

Không chỉ đầu tư, liên kết bình ổn thị trường, TPHCM cũng trở thành nơi tiếp nhận lượng hàng hóa rất lớn từ các tỉnh, thành, qua đó tạo động lực cho DN tại các địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng 3 chợ đầu mối của TPHCM hiện tiếp nhận bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương, trong đó chủ yếu là các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, tương ứng khoảng từ 60% - 70% nhu cầu tiêu thụ của TP đối với các mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản, góp phần ổn định thị trường TP.

Có thể nói, sau 2 năm triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành đã mang lại hiệu quả ở nhiều phương diện. Trong năm 2014, TPHCM và các tỉnh, thành sẽ tiếp tục ngồi lại để cùng bàn bạc về những khó khăn, vướng mắc để từ đó thực hiện chương trình ngày càng tốt hơn. Với chương trình này, TPHCM đã và đang thực hiện tốt vai trò của một đầu tàu kinh tế, là trung tâm phân phối và tiêu thụ hàng hóa nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh, thành phát triển. Ngược lại, các tỉnh, thành trở thành nơi cung ứng hàng hóa dồi dào, chất lượng, góp phần cùng TPHCM thực hiện tốt công tác ổn định giá cả, bình ổn thị trường.

NGUYỄN MINH HÙNG

Tin cùng chuyên mục