Những cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm rau, hoa Đà Lạt và giúp mặt hàng nông sản này có đầu ra ổn định.
Hưởng lợi nhờ liên kết
Vừa thu hoạch 4.000 cành hoa cẩm chướng, ông Trương Công Thanh (phường 8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) phấn khởi chở tới điểm thu mua hoa liên kết giữa nông dân và Công ty Dalat Hasfarm. Ông Thanh cho biết: “Nhà tôi trồng 5.000m2 hoa cẩm chướng và hoa cúc. Trước kia thu hoạch xong phải lo tìm kiếm chỗ bán, nhưng 5 năm rồi, từ khi tham gia tổ liên kết sản xuất, gia đình tôi chỉ lo chăm sóc hoa đảm bảo chất lượng, không phải lo đầu ra nữa; giá cả được thống nhất hàng năm, ổn định hơn”. Gia đình ông Thanh là một trong số rất nhiều hộ nông dân “sống khỏe” nhờ liên kết với đối tác trong việc sản xuất, tiêu thụ hoa tại Đà Lạt. Năm 2004, liên minh sản xuất hoa cắt cành Dalat Hasfarm với 20 hộ nông dân được thành lập, sau đó nhận được sự hỗ trợ của dự án “Cạnh tranh nông nghiệp” (do Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ), đến nay đã có 171 hộ nông dân tham gia với hơn 50ha trồng các loại hoa: hồng, cúc, cẩm chướng...
Nhờ liên kết, các hộ dân có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị nông sản
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết, người dân khi liên kết chỉ cần đáp ứng được những tiêu chuẩn cơ bản, đó là phải có hệ thống nhà kính, tưới nước tự động, bộ kiểm soát phân bón. Công ty sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật, bảo quản và thu mua. Tất cả các khâu đều được kỹ sư của Dalat Hasfarm trực tiếp hướng dẫn theo quy chuẩn. Ngoài ra, từ đầu năm 2015, doanh nghiệp còn thành lập “Quỹ hộ trợ phát triển AgriVina” với mức 2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ đối tác vay 50% tổng số vốn cần đầu tư (không tính lãi suất). Hiện đã có 18 lượt hộ nông dân vay vốn, có hộ vay quay vòng đến lần thứ hai và từng vay cao nhất 150 triệu đồng/lần.
Tại xã Phú Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), mô hình liên kết giữa trang trại Phong Thúy với các hộ dân trồng rau an toàn cũng đem đến làn gió mới trong sản xuất rau an toàn tại địa phương. Tại đây, mỗi hộ đều được cấp một mã số riêng để sau này dễ dàng truy nguồn gốc sản phẩm. Ông Nguyễn Anh Dũng (thôn Lạc Lâm, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) cho biết, với 5ha sản xuất rau, mỗi ngày gia đình cung cấp hơn 1 tấn rau sạch. Nhờ ký hợp đồng dài hạn với trang trại Phong Thúy nên rau sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Cùng làm ăn lớn
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, cho rằng, khi liên kết, lợi nhuận sẽ mang lại cho cả đôi bên. Doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường do có được nguồn cung dồi dào và không phải đầu tư quá nhiều vốn vào đất sản xuất, thiết bị kỹ thuật, lao động... Còn nông dân nếu sản xuất đúng quy trình sẽ được đảm bảo đầu ra sản phẩm. Hiện Dalat Hasfarm có tổ chức khu vực riêng để thu mua hoa của những hộ liên kết tại địa phương. Từ đây, sản phẩm hoa của thành viên liên kết được phân loại, sơ chế để đạt được chất lượng có thể xuất khẩu. “Trung bình khoảng 70% - 80% hoa của nông dân đạt chuẩn xuất khẩu, chiếm 5% tổng sản lượng xuất ra thị trường của Dalat Hasfarm. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở rộng liên kết, đưa tỷ lệ này lên 10%”, ông Bảo chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, với những đơn hàng yêu cầu số lượng quá lớn và liên tục thì một đơn vị sẽ không thể đáp ứng được. HTX Anh Đào cũng đã “bắt tay” với 80 nông hộ, qua đó mở rộng diện tích sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP lên 270ha, cung cấp cho hệ thống các siêu thị trong nước 33.600 tấn rau/năm và xuất khẩu mỗi năm gần 10.000 tấn rau sạch sang Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... Tương tự, Công ty Hoa Mặt Trời (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), trước đây bị đối tác nước ngoài từ chối làm ăn vì lượng hoa sản xuất còn khiêm tốn. Vì vậy, công ty đã tổ chức liên kết với hơn 40 hộ nông dân (diện tích 27ha), mời chuyên gia từ Đài Loan, Nhật Bản sang chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô, sản xuất hoa, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý hoa sau thu hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện hàng tuần, công ty đã có thể đều đặn xuất nhiều container hoa lan vũ nữ sang thị trường Nhật Bản và Úc, giá trị thu nhập bình quân 5 tỷ đồng/ha/năm.
| |
ĐOÀN KIÊN