Đây là hoạt động nằm trong chương trình kết nối nông sản địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại của Tập đoàn Central Group Việt Nam.
Thảo luận từ quầy kệ…
Đón đoàn tham quan (gồm 23 hộ sản xuất của huyện Bình Chánh) ở cửa siêu thị BigC An Lạc, ông Trần Văn Chương, phụ trách chương trình kết nối nông sản địa phương tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại và bà Trần Thị Thùy Linh, phụ trách bộ phận thu mua thực phẩm tươi sống, BigC miền Nam, đưa ngay mọi người vào quầy rau củ quả để quan sát cách đóng gói bao bì, nhãn mác.
Từng mặt hàng từ rau dền, rau muống, mồng tơi, bầu bí, đến các loại thủy - hải sản như tôm, cá… đã được nhân viên BigC thuyết trình rất kỹ để bên bán (tức các nông hộ sản xuất) có thể hình dung đầy đủ một quy trình sau thu hoạch cho đến khi đưa sản phẩm lên quầy kệ sẽ qua bao nhiêu công đoạn.
Tại đây, một cuộc thảo luận nhanh giữa người mua và người bán đã diễn ra rất sôi nổi. Cầm trên tay gói nấm bào ngư trắng, ông Trần Văn Tấn, chủ trang trại nấm Nghĩa Nhân (huyện Nhà Bè) thẳng thắn nói với đại diện của BigC, loại nấm này không còn nhiều chất lượng vì nấm đã ngả màu do bị giập nát và để quá lâu. Ông Tấn đề nghị phía BigC nên chọn loại nấm bào ngư xám để bán vì thành phần dinh dưỡng của loại nấm này cao hơn nhiều so với loại nấm bào ngư trắng. “Nấm không giống các mặt hàng khác vì phụ thuộc rất lớn vào thời điểm thu hoạch trong ngày. Để bảo quản lâu, có thể tới 10 ngày và giữ được giá trị dinh dưỡng cao, thì cách tốt nhất là thu hoạch vào lúc sáng sớm. Do vậy, phía siêu thị nên yêu cầu nhà cung cấp thu hoạch theo đúng độ tuổi, thời điểm trong ngày để mang lại giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng”, ông Tấn nói.
Trong phần thảo luận, phía BigC cho biết có dành một không gian nhỏ cho các hộ sản xuất trưng bày hàng hóa. Các mặt hàng mang theo trưng bày lần này là tôm khô, tôm một nắng đạt chuẩn VietGAP của HTX Hiệp Thành; các loại rau dền, rau muống, cải, rau rừng, mồng tơi trồng theo chuẩn organic của Nông trại Nhất Thống; nấm bào ngư xám, nấm linh chi, yến của trại nấm Nghĩa Nhân; nấm đông trùng hạ thảo…
Xem và phân tích sản phẩm của các nông hộ, ông Trần Văn Chương nhận xét, hàng nông sản đến từ huyện Nhà Bè đều tươi ngon, sạch, bắt mắt. Tuy nhiên, phần bao bì, nhãn mác trên hàng hóa chưa đáp ứng tốt, vì vậy nên chú ý đến bao bì, mẫu mã sản phẩm khi đưa ra thị trường. Kinh nghiệm từ BigC cho thấy, những sản phẩm tốt và có mẫu mã bắt mắt, đẹp sẽ được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn. Theo đó, cần thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích thích người tiêu dùng (NTD) vì tâm lý NTD hiện nay thường chọn mua hàng khuyến mãi. Khuyến mãi nhiều không phải giảm lợi nhuận mà sẽ giúp cho sản lượng tăng lên. Khi doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm, đồng nghĩa độ phủ thị trường của sản phẩm lớn hơn và xây dựng thương hiệu tốt hơn.
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX Hiệp Thành, khẳng định sản phẩm của HTX đã đáp ứng được 80% - 90% yêu cầu từ phía siêu thị. Tuy nhiên, phần bao bì, mẫu mã còn sơ sài do HTX chưa đầu tư thỏa đáng cho khâu này. Hiện HTX Hiệp Thành đang tiến hành xây dựng khu sơ chế để hoàn thiện sản phẩm.
Miễn chiết khấu, bao tiêu sản phẩm
Vậy hàng nông sản thực phẩm muốn vào siêu thị BigC cần những giấy tờ gì? Đại diện BigC đã phát cho các nông hộ bộ tài liệu “Tập huấn và hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn cung ứng hàng hóa vào hệ thống bán lẻ hiện đại”, kết hợp với “tập huấn miệng” khá kỹ. Đối với hồ sơ pháp lý có 2 loại dành cho nhà cung cấp là doanh nghiệp và nông dân. Vì nếu dựa theo các yêu cầu giấy tờ như doanh nghiệp thì các hộ nông dân không có khả năng tiếp cận được hệ thống phân phối bán lẻ. Vì vậy, đối với hộ nông dân chỉ cần có giấy chứng nhận hộ nông dân, giấy chứng minh nhân dân, giấy xác nhận tài khoản ngân hàng. “Tập đoàn Central Group có chính sách không lấy khoản chiết khấu của nông dân. Thông thường khi bán hàng vào siêu thị, nhà cung cấp sẽ trích một khoản chiết khấu cho siêu thị từ 5% - 10%. Nhưng với hộ nông dân và nhà sản xuất nhỏ lẻ, BigC sẽ không áp dụng chính sách này. Thời hạn thanh toán chỉ trong vòng 7 ngày so với bình thường”, đại diện BigC nói.
Ông Trần Văn Tấn cho biết, hiện nông trại của ông có quy mô 150.000 phôi nấm. Vì là hộ cá thể nên lâu nay hàng hóa làm ra chỉ cung ứng cho các nhà hàng, cửa hàng và bạn hàng ở chợ đầu mối. Theo ông Tấn: “Trước khi đến đây, tôi rất ngại vì không biết sẽ đàm phán ra sao, qua những khâu nào..., nhưng qua cuộc tiếp xúc với đại diện BigC, mọi chuyện đã khác. Chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp hàng cho siêu thị nếu được hợp tác và nếu không có sự kết nối giữa Sở Công thương TPHCM và siêu thị BigC thì chúng tôi mãi mãi chỉ dừng ở sản xuất nhỏ lẻ”.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, cho biết thông qua các hội nghị kết nối cung cầu tổ chức định kỳ hàng năm, hầu hết doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tốt đều đã bán được hàng vào siêu thị. Nhưng với các hộ nông dân, hộ cá thể còn gặp khó khăn khi tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, mặc dù sản phẩm tốt. Do vậy, cách tốt nhất là cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, trực tiếp hướng dẫn các quy trình tiếp cận hệ thống phân phối, thông tin thật cụ thể về nhu cầu thị trường để nông dân biết, thay vì họ phải tự mày mò tìm thị trường, sản xuất theo cách của mình và chỉ có như vậy, việc kết nối mới mang lại hiệu quả thiết thực. Khi bà con nông dân sản xuất và có hệ thống phân phối đứng sau, sẵn sàng hỗ trợ để đưa vào kinh doanh, sẽ tạo điều thuận lợi để họ tập trung vào sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng. Điều quan trọng, trong những lần tiếp xúc, các bên cần cử ra người đại diện có trách nhiệm và đang phụ trách trực tiếp công việc liên quan thì mới mang lại hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, kết quả kết nối sẽ là kinh nghiệm để Sở Công thương cùng các sở ngành nhân rộng ra các huyện khác nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các hộ sản xuất tại TPHCM cũng như các tỉnh, thành lân cận. Trong quá trình thực hiện còn vướng những khó khăn nào, các bên cần báo ngay đến các sở ngành liên quan để có hướng tháo gỡ.
Kết thúc buổi làm việc, phía BigC đã chọn 2 đơn vị có thể cung cấp ngay sản phẩm cho siêu thị, đó là Nông trại Nhất Thống và Nông trại nấm Nhân Nghĩa. Với các đơn vị còn lại, BigC sẽ phối hợp để đến tận nhà vườn khảo sát, hỗ trợ và định hình lại quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói để đáp ứng các tiêu chí đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại.