Hộp thư văn hóa nghệ thuật

– Tôi nghe nói thời phong kiến, xã hội chia làm nhiều giai cấp khác nhau mà người nông dân là thấp nhất? (Trương Khánh Linh, Phan Đình Phùng Q. Phú Nhuận)

– Hồi trước 1945, xã hội chia làm 3 thành phần: 1/ Hạng nhất là các quan chức triều đình, các ông Cử, ông Nghè, các Mệ và các Hương chức đang tại chức hoặc đã thôi chức. 2/ Hạng nhì gồm các ông Tú tài, con các quan, các người có đi học chữ Hán (dù không đỗ đạt), các lão Nhiêu. 3/ Hạng ba là dân đinh từ 18 đến 55 tuổi, người không có học hành, người làm nghề nông, buôn bán hoặc các nghề thủ công khác, người làm thuê, làm mướn…

Mục đích của việc chia hạng dân đinh để quy định quyền lợi và nghĩa vụ của từng thứ hạng. Dân hạng nhất được cấp ruộng nhất đẳng điền, được ăn trên ngồi trốc lúc tế lễ ở làng, miễn mọi sưu dịch. Dân hạng nhì được cấp nhị đẳng điền và phải sưu dịch theo lệ làng. Dân tam hạng thì hưởng ruộng xấu nhất, phải phục dịch khi có tế lễ, ngồi sau và chỉ được ăn sau khi đã phục dịch hai hạng trước ăn xong.

Vì thế, ngày xưa, những người giàu có trong làng muốn vươn lên giai cấp thứ nhất thì phải bỏ tiền ra để mua các phẩm hàm quan, hay hương chức trong làng hoặc cho con đi học và nếu con học dốt quá mướn người đi thi hộ, dù không đỗ cũng được trọng vọng là người có học và được xếp thứ hạng hai trong làng.

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục