
Sau bản phân tích đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam của Tập đoàn Tài chính Citigroup và Ngân hàng Hồng Công Thượng Hải (HSBC) hồi cuối tháng 8 -2007 (ĐTTC đã có bài trên số 45 ra ngày 3-9-2007), mới đây, các chuyên gia của HSBC tại Hồng Công vừa công bố báo cáo tiếp theo về tình hình phát triển kinh tế và thị trường tài chính, CK của Việt Nam. Báo cáo này tỏ ra lạc quan về TTCK Việt Nam và quyết định đưa Việt Nam trở lại danh sách đề nghị đầu tư.
Tâm lý và lực cản đã được phá vỡ

Theo HSBC, TTCK Việt Nam đã rơi xuống “đáy” 884 điểm trong tháng 8 vừa qua. Thế nhưng trong một vài tuần trở lại đây, VN-Index đã tăng 14% và tính từ đầu năm đến nay chỉ số này đã tăng 34%.
Các chuyên gia HSBC cho rằng sự phục hồi này là bởi 3 yếu tố: thứ nhất là sự phục hồi của TTCK toàn cầu; thứ hai là yếu tố tâm lý cho thấy mốc 900 điểm của VN-Index là mức giá trị thị trường của các loại CP đang hấp dẫn; thứ ba là kỳ vọng của các NĐT nước ngoài trước những đợt cổ phần hóa lớn diễn ra vào mùa cuối năm. Một yếu tố cũng được xem là kích thích thị trường là VN-Index được hỗ trợ nhiều nhất bởi các loại CP trong ngành tài chính mà tiêu biểu là CP Sacombank với mức giá đã tăng 30% trong tháng qua, CP của ACB cũng tăng 26%.
Ngoài ra, xu hướng này được kích thích bởi những khoản đầu tư chiến lược của các NĐT nước ngoài vào lĩnh vực tài chính của Việt Nam. Chẳng hạn, AXA mua 16% cổ phần của Bảo Minh, HSBC mua 10% cổ phần của Bảo Việt… Thông tin hành lang cho rằng giới hạn cổ phần mà các NĐT nước ngoài có thể nắm giữ trong các ngân hàng trong nước có thể tăng cao hơn mức 30% như hiện nay cũng là một yếu tố kích cầu.
Phân tích của HSBC cho thấy sự phục hồi của thị trường trong thời gian qua, chính nhờ lượng mua vào của các NĐT trong nước chứ không phải các NĐT nước ngoài. Kể từ tháng 9 đến nay, lượng mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tăng ít. Lượng mua ròng của các NĐT nước ngoài trong tháng 9 cũng chỉ xấp xỉ mức 72 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức 150 triệu USD/tháng vào thời điểm đầu năm nay; giá trị giao dịch toàn thị trường cũng vẫn ở mức thấp, mặc dù đã tăng nhẹ trong tháng 9.
Tại HOSE, giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày trong tháng 9 chỉ 38 triệu USD, so với đỉnh 64 triệu USD/ngày trong tháng 3. Tại HASTC, lượng giao dịch bình quân mỗi ngày trong tháng 9 cũng chỉ 9 triệu USD, so với mức 21 triệu USD/ngày trong tháng 3. Cả tại HOSE và HASTC, chỉ có 6 loại CP đạt giá trị giao dịch trên 1 triệu USD/ngày - ngưỡng thanh khoản tối thiểu đối với nhiều NĐT. Trong khi giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 năm nay, có 10 loại CP đạt mức giá trị giao dịch 1 triệu USD/ngày.
Củng cố niềm tin cho nhà đầu tư
Trong bản báo cáo này, các chuyên gia của HSBC cho rằng TTCK Việt Nam cần được đưa trở lại danh sách đề nghị đầu tư, với mức phân bổ vốn 2% trong tổng số vốn rót vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo HSBC, nhân tố có nhiều khả năng nhất trở thành chất xúc tác cho TTCK Việt Nam duy trì đà đi lên này là sự thành công của những đợt IPO lớn trong những tháng sắp tới, trong đó đáng chú ý là Vietcombank. HSBC xác định, việc IPO có thể sẽ định giá Vietcombank ở mức 3-4 tỷ USD và đưa CP của ngân hàng này trở thành CP lớn nhất được niêm yết trên TTCK Việt Nam. “Nếu thành công, điều này sẽ xóa đi ấn tượng về những đợt IPO không mấy thành công trong mùa hè vừa qua, sẽ dẫn tới 5 - 6 đợt phát hành lớn trong vòng 12 tháng tới” - báo cáo của HSBC nhận định.
Hàm Yên