HTV và hành trình 30 năm

HTV và hành trình 30 năm

Đúng 19 giờ ngày 1-5-1975, tức chỉ hơn 1 ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Truyền hình cách mạng Sài Gòn được khai sinh, sau này là Đài Truyền hình TPHCM (HTV). Dù chương trình phát hình ngày đầu tiên chỉ có 60 phút nhưng cũng được cấu tạo hết sức phong phú, bao gồm các mảng tin thời sự, các thông báo của Ban Quân quản Sài Gòn, các tiết mục văn nghệ... Đó thực sự là thời khắc lịch sử của những người trong ngành truyền hình Việt Nam.

  • Phối hợp 3 nguồn nhân lực
HTV và hành trình 30 năm ảnh 1

Các phóng viên HTV truyền hình trực tiếp kỳ họp HĐND TPHCM.

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam, đoàn công tác đặc biệt những người làm công tác truyền hình có mặt tại Đài Truyền hình Sài Gòn vào chiều 30-4-1975 để làm công tác tiếp quản. Toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của đài gần như còn nguyên vẹn, nhưng nhân sự thì chưa đủ.

Lúc bấy giờ đoàn cán bộ tiếp quản chỉ có vài chục cán bộ chủ chốt. Nhưng chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, với sự phối hợp nhuần nhuyễn đến không ngờ, lực lượng về từ Trung ương và Trung ương Cục đã cùng với lực lượng tại chỗ tổ chức vận hành dây chuyền kỹ thuật, kịp thời phát hình ngay trong đêm đầu tiên sau giải phóng.

Vào thời điểm lịch sử ấy, được sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương và Ban Quân quản thành phố, những người lãnh đạo Đài truyền hình cách mạng đã vận dụng đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước một cách linh hoạt để đưa ra những quyết định táo bạo trong việc sử dụng con người, tạo lập được một đội ngũ cán bộ từ nhiều nguồn. Chính yếu tố này đã tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển qua từng thời kỳ sau này của HTV.

  • Năng động, sáng tạo

Từ năm 1975 đến năm 1981, là đài khu vực phía Nam trực thuộc Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM (THTP) đã giúp đỡ cho các đài phía Nam khôi phục lại cơ sở vật chất hoặc xây dựng thêm. Năm l981, Đài THTP được chuyển giao về UBND TPHCM. Trong giai đoạn này, Đài THTP phải hoạt động trong sự thiếu hụt kinh phí triền miên. Cán bộ công nhân viên có khi đến 1.200 người trong biên chế; tình hình vừa thừa, vừa thiếu lao động hết sức bức xúc, chính sách tiền lương bất cập, chế độ thù lao nhuận bút lạc hậu…

Một số ít người không chịu nổi đã xin chuyển cơ quan hoặc về hưu sớm. Tình hình càng bi đát hơn vào năm 1987. Chỉ vì thiếu tiền cải tạo hệ thống điện đã quá cũ kỹ mà đêm 23-8-1987, trận hỏa hoạn xảy ra thiêu hủy toàn bộ trung tâm truyền hình, chỉ còn lại duy nhất đài phát sóng và bộ phận tư liệu. Nhưng đấy cũng là thời điểm ghi dấu bước ngoặt lịch sử về sự phát triển của Đài THTP bởi ngay ngày hôm sau, 24-8-1987, đêm phát sóng đầu tiên sau cơn hỏa hoạn, Đài THTP đã chấm dứt hệ đen trắng, chuyển qua phát hình màu.

Từ năm 1990, Đài THTP cũng bắt đầu chỉnh hướng bằng việc đề xuất với cấp trên cho phục hồi tính năng kinh tế của ngành truyền hình. Tập thể lãnh đạo đài đã mạnh dạn thể nghiệm ứng dụng các chế độ nhằm kích thích tăng năng suất, điều tiết lao động, giảm biên chế, thí điểm xây dựng chế độ thù lao nhuận bút mới, triệt tiêu dần chế độ bình quân chủ nghĩa, đồng thời tập hợp được đông đảo lực lượng cộng tác viên có tay nghề cao. Chất lượng chuyên môn từ đó cũng ngày càng được nâng lên.

Thực tiễn 30 năm qua đã chứng minh rằng phục hồi tính năng kinh tế của ngành truyền hình là chìa khóa đảm bảo cho sự phát triển. Đài THTP cũng có bước đột phá vào lĩnh vực xã hội hóa, trong đó nổi bật là ngành thể thao qua sự kiện đua xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM và cuộc thi Tiếng hát truyền hình hàng năm. Bằng nhiều hình thức, Đài THTP còn dấy lên phong trào xây nhà tình nghĩa - nhà tình thương, trong đó có thể kể đến hiệu ứng từ phim tài liệu “Trở về điểm hẹn”.

  • Trưởng thành

Năm 1994 là năm đầu HTV có thu nhập gần 72 tỷ đồng; sau đó nguồn thu tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2004 doanh thu đã đạt mức trên 600 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ năm 1994 đến 2004 (11 năm) là trên 3.000 tỷ đồng, làm nghĩa vụ nhà nước gần l.500 tỷ đồng. Từ 1997 đến 2004, HTV đã đầu tư cho hệ thống thiết bị truyền hình trên 400 tỷ đồng.

Biết phát huy tốt thành quả của những năm đầu để tạo ra nhịp độ tăng tốc cao, bền vững và ngày càng ổn định hơn, Đài THTP tập trung giải quyết những công việc trọng điểm như: đẩy mạnh công tác cải tiến chất lượng và thời lượng chương trình; mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới...

Về tài chính, Đài THTP đẩy mạnh các biện pháp tăng và mở rộng nguồn thu, kịp thời đào tạo đội ngũ quản lý tài chính theo hướng tiến tới thực hiện chế độ khoán thu chi. Đây là cái mốc thành công mang tính “cách mạng” về chế độ tài chính, xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp.

Nguồn thu không bị hạn chế nên việc đổi mới trang thiết bị đã được thực hiện toàn diện, thay thế 100% thiết bị cũ kỹ không đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng tòa nhà trung tâm truyền hình 16 tầng với kinh phí gần 150 tỷ đồng trong giai đoạn 1 là một ví dụ. Chưa kể, HTV đã đầu tư vào trường quay truyền hình rộng gần 50 ha ở Củ Chi với riêng tiền bồi thường giải tỏa đã trên 100 tỷ đồng.

Hiện nay hệ thống kỹ thuật truyền hình của HTV đã tương đối hoàn thiện và tiên tiến ngang tầm với các nước trong khu vực, tạo ra khả năng hợp tác trên lĩnh vực sản xuất chương trình với khu vực và quốc tế. Công tác quy hoạch đào tạo cũng chặt chẽ và nền nếp hơn, tạo được một lực lượng cán bộ khung dồi dào.

Việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ đến năm 2000 đã trở thành hiện thực. Lĩnh vực nội dung và sản xuất chương trình cũng phát triển mạnh mẽ. Từ những năm tháng đầu tiên mỗi đêm chỉ phát 1 giờ với 5 - 10 tiết mục, đến cuối năm 2004 HTV đã có 6 chương trình với gần 100 giờ mỗi ngày, bao gồm khoảng 200 tiết mục, trong đó có 4 chương trình phát kỹ thuật số.

Ngoài ra đài đã thành lập trung tâm truyền hình cáp từ năm 2003, hoạt động khá hiệu quả và có nhiều triển vọng.

Cũng cần nhắc lại rằng thời gian đầu, do hoàn cảnh khách quan quá nhiều khó khăn nên việc xây dựng những yếu tố đồng bộ của một đài truyền hình bị khập khiễng. Trong 2 năm đầu tiên, nhiều phim do Đài THTP sản xuất được khán giả quan tâm như: “Bên lề 30-4”, “Cô Nhíp”… nhưng vì thiếu kinh phí nên sau đó hoạt động này tạm ngưng. Đến năm 1991, Đài THTP mới chính thức thành lập hãng phim.

Sau 14 năm (1991 - 2004), Hãng phim Truyền hình TPHCM với thương hiệu TFS đã chứng tỏ thực lực, sản xuất được 109 bộ phim truyện với 835 tập (mỗi tập 60 phút) và gần 500 phim tài liệu nghệ thuật (mỗi phim 20 phút). Nổi bật về phim tài liệu là chùm phim chân dung truyền thống cách mạng, một dấu ấn đặc trưng của phim tài liệu TFS.

Nhìn lại chặng đường 30 năm, Đài THTP luôn tự hào là đã biết phát huy nội lực mạnh mẽ của mình với truyền thống “Đoàn kết, năng động, sáng tạo” mà vai trò con người là quyết định.

PHẠM KHẮC
(Nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM)

Tin cùng chuyên mục