Hồ sơ khoa học thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vừa được trình Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề nghị công nhận là Di sản Ký ức thế giới. Nếu thành công, Huế sẽ là địa phương đầu tiên trong cả nước có 5 di sản thế giới, với 4 di sản trước đó đã được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn.
Bảo tàng thơ trên đền đài cung điện
Tồn tại gần 1,5 thế kỷ (1802-1945), triều Nguyễn để lại trên đất Huế một khối lượng di sản kiến trúc cung đình khổng lồ, gồm: hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Bên cạnh đó, di tích Huế còn lưu hàng ngàn bài thơ, câu đối của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại dưới triều Nguyễn được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau như gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ… Theo thống kê, trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Qua đó, chuyển tải những thông điệp của lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc nhất của dân tộc thời kỳ cận đại.
Tái hiện lễ đổi gác trong Đại nội Huế xưa phục vụ khách tham quan
Đợt khảo sát thực địa mới đây, hầu hết các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều trầm trồ trước những giá trị nghệ thuật độc đáo của hệ thống thơ văn trang trí tại các công trình di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế. Trong đó, tại di tích lăng vua Minh Mạng, mọi người ngẩn ngơ trước mảng trang trí bằng pháp lam theo lối “nhất thi, nhất họa” (một bài thơ, một họa tiết) tại hai đầu hồi và khắc gỗ trong nội điện Sùng Ân. Thú vị hơn khi được giới thiệu đây là những vần thơ do vua Thiệu Trị tuyển chọn từ thơ của cha mình là vua Minh Mạng sáng tác để khắc gắn lên công trình. Đây đều là những áng thơ hay, tả phong cảnh hữu tình hoặc cỏ cây hoa lá, được giao cho các nhà thư pháp đệ nhất cung đình lúc bấy giờ viết ra và những người thợ trứ danh thực hiện...
Tương tự, tại di tích điện Thái Hòa trong hoàng cung, sự trầm trồ cũng không ngớt khi người hướng dẫn giới thiệu về những áng hùng văn, như là “tuyên ngôn độc lập” cho nền tự chủ nước nhà được khắc trên nội và ngoại thất kiến trúc… Một nhà nghiên cứu Huế nhận định rằng: “Đây chính là bảo tàng thơ mà vương triều Nguyễn đã khắc ghi trên đền đài cung điện Huế”.
Nét độc đáo riêng
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khẳng định thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc, duy nhất hiện chỉ còn ở di tích cố đô Huế. Quá trình xây dựng và tu sửa các công trình xưa nay chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới các văn tự trên di tích. Đó là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, hàm chứa nhiều giá trị quý báu cần được đặc biệt chú ý bảo tồn. TS Nguyễn Tuấn Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nêu các đặc trưng của loại hình di sản này. Đó là tính nguyên bản, tính độc bản, tính độc đáo ở chất liệu và loại hình văn tự, tính bác nhã trong lựa chọn văn tự, tính tư liệu, tính nghệ thuật và tính đa dạng về thể loại văn học. Tuy nhiên, ngoại trừ một số nhà nghiên cứu, mà chủ yếu ở Huế từng được nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, còn hầu như mọi người chưa tiếp cận với loại hình tư liệu độc đáo này.
Ngoài ra, dù hệ thống thơ văn này đang được bảo quản rất tốt cùng các công trình kiến trúc cung đình Huế chứa đựng loại hình di sản này, song mỗi ô thơ là một cổ vật nằm trên các công trình kiến trúc nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm. Việc lập hồ sơ để thơ văn trên hệ thống kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản Ký ức thế giới sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp thu những công nghệ bảo quản hiện đại của thế giới nhằm lưu trữ một kho tàng vô giá của nhân loại tại Huế.
Vẻ đẹp Huế
Đối chiếu với các tiêu chí được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký Di sản ký ức thuộc Chương trình Ký ức thế giới, TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một loại hình di sản có giá trị rất đặc biệt. Đây sẽ là một hệ thống di sản tư liệu nằm trong di sản thế giới là Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận. Song quá trình lập hồ sơ phải tập trung vào những tiêu chí như: tính độc đáo, duy nhất, ý nghĩa thế giới hoặc khu vực, sự quý hiếm đến mức nếu mất đi sẽ không có gì thay thế được; tính toàn vẹn, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị để thuyết phục được Hội đồng di sản thế giới.
Đáp lại, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, chia sẻ, cùng với những bước chuẩn bị hoàn tất hồ sơ khoa học và thuyết minh bảo vệ trước Đại hội đồng Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra vào tháng 5-2016, đề nghị công nhận thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản Ký ức thế giới, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để bảo tồn giá trị loại hình di sản này. Cụ thể như tổ chức hội thảo bàn về giá trị của di sản, số hóa các hình ảnh, tư liệu... Khi được vinh danh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ triển khai nhiều cách để giới thiệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với cộng đồng, như in sách giấy, sách điện tử, đưa vào các trường học, dựng các chương trình nghệ thuật có nội dung lấy cảm hứng và chất liệu từ nguồn thơ văn này. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch xây dựng và chủ động quảng bá thương hiệu “Huế, một điểm đến 5 di sản”.
VĂN THẮNG