Huế sẽ là đô thị thông minh

Chiều 2-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân

(SGGPO).  – Chiều 2-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về xây dựng, phát triển thành phố thông minh.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ năm 2015, UBND thành phố Huế đã triển khai dự án Quy hoạch chung thành phố Huế thông minh từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc.

Dự án xây dựng thành phố thông minh thông qua ứng dụng công nghệ mới về quản lý và phương pháp kết nối các ngành công nghiệp liên quan.  Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống quản lý đô thị tổng hợp để quản lý đô thị hiệu quả; thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch văn hóa để đảm bảo tính độc lập của đô thị; xây dựng đô thị xanh thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng đô thị an toàn thông minh để bảo vệ an toàn cho người dân và thúc đẩy công nghiệp; xây dựng đô thị trọng điểm cho sự phát triển cân bằng trong khu vực...

Ông Thọ khẳng định, khi hoàn thành dự án sẽ giảm thiểu tối đa chi phí điều hành quản lý đô thị; tăng cường điều hành quản lý đô thị bằng cách phòng chống và đối phó kịp thời với nguy hiểm thông qua sử dụng cơ sở vật chất thông minh như truyền hình mạch kín (CCTV), cảm biến và trung tâm quản lý tổng hợp; cung cấp môi trường du lịch thuận tiện và cải thiện khả năng tiếp cận thông qua cung cấp nội dung và thông tin du lịch đa dạng đến với du khách. Cung cấp thông tin du lịch One-Stop (hệ thống du lịch trọn gói) áp dụng công nghệ cao và xúc tiến hình thành đặc thù khác biệt với quốc gia/thành phố cạnh tranh...

Thừa Thiên Huế xác định xây dựng đô thị thông minh (Smart city) tập trung cho khu vực đô thị Huế hướng tới đô thị có nền kinh tế thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh... ứng dụng những giải pháp CNTT tiên tiến nhất.

Để thực hiện đô thị thông minh, Thừa Thiên Huế đang triển khai mô hình Cổng/Trang thông tin điện tử đa cấp, đa chiều, liên thông từ xã đến tỉnh. Thông qua hệ thống Cổng thông tin cán bộ công chức, người dân có thể tương tác, làm việc khi truy cập hệ thống, nhận được thông tin ở mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, môi trường mạng tập trung có thể cho phép cán bộ công chức có thể truy cập xử lý công việc mà không cần đến trụ sở…

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện nay, Đà Nẵng,  Phú Quốc, Huế, Hạ Long.. đang có kế hoạch xây dựng, phát triển đô  thị thông minh. Nếu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề “quy hoạch, quy chế, quy trình” sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm kinh phí, thời gian. Hiệu quả hoạt động kinh tế cũng tốt hơn do người dân, doanh nghiệp, du khách, được tiếp cận các dịch vụ công thuận lợi hơn, minh bạch hơn bởi ứng dụng CNTT. Môi trường sống cũng sẽ “xanh, sạch” hơn. 

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, lợi ích của xây dựng đô thị thông minh là quá rõ ràng, đặc biệt người dân sẽ trở thành chủ thể của đô thị thông minh khi tham gia sáng kiến xây dựng cũng như giám sát hoạt động của chính quyền, bởi tất cả được thực hiện minh bạch thông qua mạng. Đô thị thông minh chính là nhận diện công cụ để thực hiện các giải pháp tối ưu nhất trong quản lý xã hội, mang đến lợi ích cao nhất cho người dân, bởi chỉ cần một cái “nhập chuột” máy tính, người dân có thể biết hết những thông tin cần thiết của các dịch vụ xã hội.

Tuy nhiên, “nếu xây dựng Huế thành đô  thị thông minh thì liệu có xa vời không?”, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam đặt vấn đề và đề nghị có các giải pháp, lộ trình triển khai phù hợp.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục