
Tổng thống Hugo Chavez đã dành phần lớn cuộc đời cho công cuộc đấu tranh nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho dân nghèo Venezuela. Ông còn được xem là ngọn cờ đầu của cánh tả tại Mỹ Latinh với chính sách đưa Venezuela theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez thăm Việt Nam năm 2006.
Chọn cánh tả từ những năm 20 tuổi
Tổng thống Venezuela tên đầy đủ là Hugo Rafael Chavez sinh ngày 28-7-1954 tại ngôi làng Sabaneta, bang Barinas trong một gia đình mang 3 dòng máu: thổ dân châu Mỹ, người Venezuela gốc Phi và người Tây Ban Nha. Cha ông là Hugo de los Reyes Chavez và mẹ là Elena Frias de Chavez, đều là giáo viên, sống tại ngôi làng nhỏ Los Rastrojos. Hugo Chavez là người con thứ hai trong số 7 người con. Cha mẹ ông do hoàn cảnh nghèo khó đã gửi Hugo Chavez đến ở với bà nội. Hugo Chavez mô tả thời thơ ấu của ông là “nghèo túng nhưng rất hạnh phúc”. Từ nhỏ, Hugo Chavez rất thích vẽ, bóng chày và lịch sử.
17 tuổi, ông vào học Học viện Khoa học quân sự Venezuela ở Caracas. Tại đây, ông là một trong những người dẫn đầu thành lập kế hoạch đổi mới giảng dạy không chỉ tập trung vào quân sự mà còn ở nhiều đề tài khác. Thời gian này, sống ở Caracas, chứng kiến sự nghèo khổ của người dân cùng với những trải nghiệm thời ấu thơ càng khiến ông quyết tâm mang lại cuộc sống công bằng hơn cho dân chúng. Ông bắt đầu tham gia nhiều hoạt động xã hội và trên hết là nghiên cứu tư tưởng chính trị và cuộc đời của nhà cách mạng Simon Bolivar. Ông cũng rất quan tâm đến Chủ nghĩa Marx sau khi đọc hồi ký của Che Guevara. Ông ngưỡng mộ Tổng thống cánh tả Omar Torrijos của Panama, Tổng thống Juan Velasco Alvarado của Peru vì đã đặt lợi ích của người lao động lên trên hết. Ông chống đối mạnh mẽ Tổng thống độc tài Augusto Pinochet ở Chile. Năm 1975, ông là một trong 8 sĩ quan tốt nghiệp hạng ưu của học viện. Sau khi tốt nghiệp, là sĩ quan phụ trách thông tin liên lạc, ông có thêm điều kiện để đọc các tác phẩm của Karl Marx, Vladimir I.Lenin và Mao Trạch Đông. Những cuốn sách này càng thôi thúc ông về sự cần thiết có một chính phủ cánh tả ở Venezuela. Sau này, có lần Tổng thống Hugo Chavez thổ lộ: “Ngay từ lúc đôi mươi, tôi đã quyết định chọn cánh tả”.
Từ những năm đầu thập niên 1980, sau khi trở thành sĩ quan quân đội, ông Chavez cảm thấy không hài lòng với hệ thống chính trị của Venezuela lúc bấy giờ và đã bí mật thành lập Mặt trận cánh mạng Bolivar-200 (MBR-200) để thay đổi. Năm 1992, MBR-200 tổ chức đảo chính Tổng thống Carlos Andres Perez thuộc đảng Hành động dân chủ nhưng bất thành. Ông bị bắt, được thả 2 năm sau và thành lập đảng chính trị Dân chủ xã hội, sau đó chuyển thành Phong trào đệ ngũ cộng hòa và đến năm 1997, ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV).
Tổng thống của người nghèo
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1999, Hugo Chavez tuân theo ý thức hệ chính trị chủ nghĩa Bolivar và “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của mình. Ông tập trung vào việc thực hiện các cải cách xã hội chủ nghĩa ở trong nước, xem chúng là một phần của kế hoạch xã hội được gọi là cách mạng Bolivar, xây dựng một bản hiến pháp mới, quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp then chốt, tăng chi tiêu của chính phủ cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục, giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo. Ông thành lập các “Nhiệm vụ Bolivar” (Mission Bolivar) có mục đích chống lại dịch bệnh, nạn mù chữ, tình trạng kém dinh dưỡng, nghèo khổ và những tệ nạn xã hội khác.
Chính nhờ những chính sách giảm đói nghèo, ông được đông đảo cử tri Venezuela ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vào tháng 4-1999. Tại cuộc bầu cử tổng thống theo hiến pháp mới vào tháng 7-2000, ông Chavez được bầu lại làm tổng thống và tái đắc cử vào năm 2006 và 2012. Dự kiến, nhiệm kỳ thứ 4 của ông sẽ bắt đầu vào ngày 10-1-2013 nhưng do tình hình sức khỏe nên lễ nhậm chức đã hoãn vô thời hạn.
Hugo Chavez mô tả chính sách của ông là chủ nghĩa phản đế quốc, ông lớn tiếng chỉ trích chủ nghĩa tân tự do và chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh. Nói một cách tổng quát hơn, Hugo Chavez là một đối thủ nổi bật với chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông thiết lập liên minh mạnh mẽ với các chính phủ XHCN tại Cuba và các chính phủ theo đường lối cánh tả của Tổng thống Evo Morales tại Bolivia, Rafael Correa tại Ecuador và Daniel Ortega tại Nicaragua. Những nhiệm kỳ tổng thống của ông được nhìn nhận là một bộ phận của “trào lưu cách tả” xã hội chủ nghĩa đang có tác động sâu rộng đến Mỹ La tinh. Ông chống lại các chính sách của Washington, dùng mô hình phát triển kinh tế khác và chủ trương về sự hợp tác giữa các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, nhất là những nước nghèo ở Mỹ Latinh. Ông ủng hộ hợp tác Mỹ Latinh và Caribe, xem đây là phương tiện để thiết lập các tổ chức liên khu vực như Liên minh các quốc gia Nam Mỹ, Liên minh Bolivar cho châu Mỹ, Ngân hàng Phương Nam và hệ thống truyền hình khu vực TeleSur.
| |
Khánh Minh (tổng hợp)