Năm 1990, sản lượng lúa của nước ta chỉ đạt 19 triệu tấn, 20 năm sau đó (năm 2010) sản lượng đạt đến 40 triệu tấn. Năng suất lúa từ chỗ chỉ hơn 3 tấn/ha đã tăng lên bình quân 5 tấn/ha, thậm chí đến hơn 7 tấn/ha. Năng suất lúa bình quân của Việt Nam dẫn đầu các nước ASEAN kể từ năm 2002. Tuy nhiên, thành tựu của cây lúa Việt Nam hiện nay chủ yếu là do phép cộng số lượng lúa gạo của hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ. Một mô hình sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn đang được xem là hướng đi tất yếu trong tương lai.
Nông dân trúng lớn
Vụ đông - xuân năm 2010-2011, lần đầu tiên một bước tiến mới trong chuỗi sản xuất lúa gạo được hình thành ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Đó là mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang gầy dựng.
Tham gia vào CĐML 1.100ha ở xã này, 448 hộ nông dân cùng được tư vấn kỹ thuật trồng lúa, thu hoạch, phơi phóng, đặc biệt là ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ vậy, tự thân người nông dân tính toán được giá thành mỗi vụ. Tất cả chi phí đầu vào, từ hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân được mua với giá gốc, được mượn kho trữ gạo 1 tháng mà không trả phí và thanh toán không tính lãi sau khi bán lúa. Nhờ vậy, chi phí sản xuất 1kg lúa ở CĐML vụ đông - xuân 2011 vừa rồi thấp hơn 1.000 đồng/kg so với những nơi khác.
Sau thành công đó, CĐML được Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chính thức phát động và hầu hết các tỉnh, thành tại ĐBSCL đã hào hứng tham gia mô hình này. Vụ lúa này, hơn 532ha của 603 hộ nông dân ở xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh lúa nặng quằn bông, chín vàng óng ánh. Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy kéo lúa chạy xình xịch suốt ngày. Nông dân hối hả phơi, sấy, cân lúa giao cho doanh nghiệp thu mua.
Anh Nguyễn Thanh Vũ canh tác 3ha trên CĐML vui vẻ nói: “Năm nay vô CĐML, nông dân ở đây được cung ứng giống với giá hỗ trợ 30%, thuốc trừ sâu, phân bón đều được các doanh nghiệp cung cấp giảm giá. Đặc biệt là chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật rất tận tình, thường xuyên”. Vụ này, nông dân trong CĐML trúng đậm, năng suất 8-10 tấn/ha, cao hơn vụ đông – xuân trước gần cả tấn lúa/ha. Gia đình anh Vũ vừa thu hoạch lúa xong, được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá 7.500 đồng/kg. Trên CĐML này có 200ha sản xuất giống xác nhận được bao tiêu trọn gói. Số còn lại canh tác giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh phấn khởi: “Vụ đông - xuân này, tỉnh Trà Vinh triển khai 4 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.802ha tại các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Châu Thành, đạt hiệu quả rất cao. Năng suất cao hơn vụ đông - xuân trước từ 0,7 đến 1 tấn/ha; đặc biệt, canh tác trên CĐML bình quân nông dân được tăng lợi nhuận hơn 11 triệu đồng/ha so với bên ngoài.
Qua khảo sát cho thấy, giá lúa chất lượng cao trong các CĐML được thu mua luôn cao hơn 1.800 – 2.000 đồng/kg so với lúa IR50404 của nông dân bên ngoài. Tại TP Cần Thơ, vụ đông - xuân này triển khai 9 mô hình CĐML, tổng diện tích 1.832ha tại các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt. Hiện lúa đang ở giai đoạn chín và bắt đầu thu hoạch. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết: “Năng suất lúa trên các CĐML từ 8 tấn/ha trở lên, cao hơn 0,5 tấn/ha so với bên ngoài; lợi nhuận thu được 25 triệu đồng/ha”.
Nâng tầm sản xuất
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhận định: Cái khó hiện nay là hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, với nhiều loại giống lúa khác nhau nên không ai đặt hàng. Cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra. Ngành nông nghiệp đã thấy được những bất cập này và đang triển khai, nhân rộng đưa ra giải pháp “hộ nhỏ cánh đồng lớn” hay còn gọi là mô hình “cánh đồng mẫu lớn” trên cơ sở huy động sự liên kết hợp tác của các hộ nông dân với nhau và doanh nghiệp. Trên một cánh đồng hàng trăm, hàng ngàn hécta, cùng canh tác một loại giống hoặc một nhóm giống cùng đặc tính.
Tham gia mô hình này, nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa, tăng hiệu quả kinh tế), “1 phải, 5 giảm” (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón) hoặc tiêu chuẩn VietGap, Global Gap.
Trong quá trình đó, nông dân được chủ động áp dụng cơ giới hóa, tính toán để giảm giá thành, giảm các chi phí trung gian và bao tiêu sản phẩm (hoặc gửi lưu kho chờ giá). Ngược lại, doanh nghiệp có được sản lượng lúa lớn, chất lượng cao, đồng bộ, thuận lợi trong việc xây dựng thương hiệu, chủ động nguồn hàng xuất khẩu, bán giá cao.
Khẳng định những mặt được của mô hình, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: “Trước nay trong sản xuất nông nghiệp thường mạnh ai nấy làm. Doanh nghiệp chỉ biết bán hàng, thu tiền; Các nhà khoa học thì khuyến cáo chung chung; Nhà quản lý ngại “ôm rơm nặng bụng”; Ngành vật tư nông nghiệp bị xé lẻ, qua nhiều cấp, nhiều khâu trung gian phân phối, làm tăng giá thành khi tới tay nông dân; Nhà nông cứ làm theo kinh nghiệm cổ truyền… Sự manh mún, nhỏ lẻ làm giảm tính hàng hóa trong cung ứng lúa gạo, giảm khả năng xử lý những gãy vỡ do thiên tai, dịch bệnh. Mô hình này sẽ dần hạn chế được các khuyết tật trên”.
Khi nông nghiệp phát triển thêm bước nữa, người nông dân sẽ thực hiện 3 không: không cấy lúa (mà gieo sạ), không gặt đập bằng tay (mà bằng máy liên hợp), không phơi lúa (mà sấy)… thì ngày công lao động sẽ giảm đi, nông dân sẽ có thêm điều kiện để nâng cao kiến thức về mọi mặt. Đấy sẽ là một trong những điều kiện góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tuy vậy, để mô hình nhân rộng một cách vững chắc, như định hướng của Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2012 có từ 40 đến 80 ngàn ha, năm 2013 đạt 100 đến 200 ngàn ha, tiến tới vùng sản xuất lúa nguyên liệu 1 triệu ha vào năm 2015 thì đòi hỏi phải có sự “vào cuộc” tích cực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa. Nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 10 triệu ha, trong đó, diện tích đất lúa là 44%, còn tỷ lệ nông dân trồng lúa chiếm đến 80% dân số. Song, với gần 14 triệu hộ nông dân hiện có thì trung bình mỗi hộ có diện tích chỉ 7.000m². Với xu thế đó, tích tụ ruộng đất cần một chính sách hoàn thiện hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo dự báo, đến năm 2020, nước ta sẽ chỉ còn 9,5 triệu nông dân, giảm đi gần một nửa. Vì vậy, CĐML hiện là một bước chuyển quan trọng trong sản xuất lúa gạo, không những giải quyết cơ bản bài toán đầu ra cho hạt lúa mà còn là chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay.
| |
Bình Đại - Hàm Luông
| |
| |