Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 17 và Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto lần thứ 7 (COP17 và CMP7) tại Durban, Nam Phi diễn ra cuối năm 2011 với sự tham dự của hơn 15.000 đại biểu, đến từ 194 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn Việt Nam tham gia đàm phán, cho biết trong bối cảnh nào đi nữa, Việt Nam vẫn kiên định thực hiện những mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về phòng chống biến đổi khí hậu và trong đó, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu. Dù dễ bị tổn thương trực tiếp của biến đổi khí hậu, lĩnh vực nông nghiệp cũng tạo ra khoảng 20% lượng khí nhà kính. Do vậy hướng tới một nền nông- lâm nghiệp xanh là phương thức phát triển bền vững của nước ta. Đó phải là đảm bảo rừng cây xanh lâu năm với tán cây lớn, che phủ đất tốt, bộ rễ lớn, bám sâu vào lòng đất để chống xói mòn, sinh thủy, ngăn chặn lũ lụt hiệu quả. Tác dụng to lớn khác nhưng “lặng lẽ”, không dễ thấy của rừng xanh là hấp thụ khí CO2, nhả O2 và hấp thụ một số khí thể khác, với sinh khối lớn, chậm phân hủy, được đánh giá là một kho sinh học khổng lồ “chôn” các khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của việc trái đất ấm lên…
Kịch bản mới nhất về biến đổi khí hậu cho thấy, khí hậu các vùng của Việt Nam sẽ có nhiều biến đổi vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta cuối thế kỷ này tăng khoảng 2,3°C, mực nước biển dâng khoảng 75cm so với mức trung bình thời kỳ 1980-1999. Khu vực đồng bằng châu thổ sông Mê Kông, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, bị bao phủ hơn 1m nước mặn, sản lượng lúa gạo sẽ giảm hơn một nửa hoặc hơn. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo chiến lược quốc gia, cơ cấu sản xuất nông nghiệp phải thay đổi. Vùng đồng bằng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, phải tiếp tục phát triển lúa, cây ăn trái trên diện tích còn bảo vệ được, phần diện tích bị nhấn chìm trong nước biển phải chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản và trồng các loại tảo nước mặn…
BÌNH AN