An toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào mà đã trở thành một trong những thách thức quốc tế lớn hiện nay.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 150 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại, trong đó có 50.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ em. Nhằm hướng tới việc xây dựng một hệ thống thực phẩm an toàn hơn, Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phối hợp với Chương trình Hội nhập khu vực ASEAN do Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội thảo về khung pháp lý an toàn thực phẩm ASEAN tại Indonesia. Tham dự hội thảo có các đại diện cơ quan quản lý của các quốc gia ASEAN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận các nội dung cụ thể liên quan đến quan niệm về khung pháp lý an toàn thực phẩm, xây dựng dự thảo khung pháp lý an toàn thực phẩm ASEAN, thảo luận và đưa ra những khuyến nghị liên quan tới dự thảo.
Ngoài ra, các đại biểu chia sẻ chính sách và hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia, cơ cấu tổ chức, thể chế, phân tích nguy cơ cùng một số nội dung quan trọng khác. Theo ban tổ chức hội nghị, nội dung xây dựng và thảo luận dự thảo khung pháp lý an toàn thực phẩm dựa trên mục tiêu chính: thiết lập và thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm; đẩy nhanh quy trình hội nhập về các biện pháp và quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm của các nước thành viên ASEAN; trợ giúp nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia.
Mới đây, Malaysia đề xuất cấp chứng chỉ an toàn thực phẩm cho cộng đồng ASEAN, giúp chuẩn hóa chất lượng thực phẩm sản xuất và cung ứng từ các nước trong khu vực ra thị trường thế giới. Đây là một bước tiến quan trọng thể hiện tinh thần gắn kết của toàn khu vực trong thời kỳ hội nhập, đồng thời là đòn bẩy kinh tế giúp nâng cao uy tín của Đông Nam Á trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, thế mạnh của ASEAN. Một trung tâm đánh giá nguy cơ ASEAN về an toàn thực phẩm (ARAC) cũng đã được khánh thành tại thành phố Putrajaya, Malaysia. Các thành viên ASEAN đều nhận định rằng việc đánh giá rủi ro là một công cụ quan trọng, bước khởi đầu trong việc nghiên cứu khoa học và phát triển các biện pháp an toàn thực phẩm dựa trên thực tiễn. ARAC đang triển khai hợp tác với EU nhằm mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp an toàn thực phẩm trong ASEAN. Qua đó, các chuyên gia và giới khoa học ở ASEAN có cơ hội hợp tác để tìm ra một tiêu chuẩn đánh giá an toàn thực phẩm chung. Điều này đặc biệt quan trọng bởi mỗi thành viên ASEAN không sản xuất thực phẩm chỉ tiêu thụ trong nội địa mà còn để xuất khẩu.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang đe dọa đến sức khỏe của hàng triệu người dân trong khu vực thì việc ASEAN đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm là việc làm rất cần thiết. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn thực phẩm đang trở thành điểm quyết định sự thành bại cho ngành thực phẩm tại ASEAN khi các nước Đông Nam Á mở cửa cạnh tranh với các đối thủ nặng ký trên sàn quốc tế. Việc xây dựng khung pháp lý an toàn thực phẩm ASEAN còn là lời cam kết mạnh mẽ của khu vực, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng đời sống cho công dân ASEAN.
THANH HẰNG