Bò sữa nông hộ của TPHCM ra đời và phát triển khoảng 30 năm qua, gắn kết giữa hộ nuôi với nhà máy chế biến, trở thành mô hình được nhân rộng cả nước vào cuối thập niên 1990. Trải qua nhiều thăng trầm, đàn bò sữa TPHCM vẫn phát triển. Nhưng mô hình này đứng trước thách thức lớn khi nền kinh tế cả nước hội nhập sâu vào thế giới.
Nuôi bò sữa chuyên nghiệp tại nông hộ ở huyện Củ Chi. Ảnh: Thành Trí
Phải thật sự chuyên nghiệp
Chương trình phát triển bò sữa 5 năm qua (2011-2015) của TPHCM với việc cải thiện giống bò sữa, nâng cao công tác thú y, tăng cường và hỗ trợ việc cơ giới hóa, đào tạo nguồn nhân lực… đã đạt được những con số khích lệ: Tổng đàn bò sữa TP cuối năm 2015 là trên 101.000 con; tỷ lệ bò cái vắt sữa đạt gần 49% so với tổng đàn, năng suất bình quân tăng lên hơn 5.600kg/con/chu kỳ (tức đạt khoảng 18,5kg/con/ngày); quy mô đàn tăng lên 11,2 con/hộ; xây dựng và vận hành thành công trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao - DDEF, mô hình nuôi hiện đại, hình thành trung tâm huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp TP, người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn loại thải đàn bò sữa, không ít hộ nuôi chưa ý thức áp dụng biện pháp phòng ngừa bệnh, đặc biệt là bệnh viêm vú, chưa cân bằng khẩu phần ăn từng lứa tuổi… Một bộ phận người nuôi chưa quan tâm cải thiện chất lượng sữa, chưa tuân thủ quy định về chất lượng sữa khi thêm vào nước, đường, bị các công ty phát hiện ngưng hợp đồng. Có thể nói, đây chính là nguyên nhân làm hạn chế những mục tiêu đề ra. Theo số liệu mới nhất, đàn bò sữa hiện nay chỉ còn 99.000 con và sẽ còn tiếp tục giảm. Để có thể tồn tại, người nuôi bò sữa trước hết phải hiểu được tình hình, ý thức trong hành động và phải thật sự chuyên nghiệp khi nuôi.
Không phải bây giờ mà đầu năm 2015, những khó khăn đối với bò sữa nông hộ đã bộc lộ khắp các địa phương có đàn bò sữa nông hộ như Lâm Đồng, Hà Nội, tất nhiên cả TPHCM, khi việc tiêu thụ sữa không còn dễ dàng như trước do giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh và kéo dài. Các công ty chế biến sữa rà soát lại các hợp đồng, thậm chí có công ty hạn chế việc thu mua với lý do sản lượng sữa của nông hộ tăng quá nhanh. Cuối năm 2015, một lần nữa, các công ty thông báo việc siết chặt về mặt hợp đồng (nông hộ phải ký trực tiếp với nhà máy) và chất lượng sữa phải được nâng lên. Có công ty còn thông báo, sản lượng sữa mua năm nay chỉ bằng 90% lượng sữa bán ra của nông hộ năm 2015; phần còn lại mua theo giá thị trường thế giới, khoảng 9.000 đồng/kg. Lúc này, những tồn tại trước đó bắt đầu lộ ra nhiều hơn, đặc biệt là với những hộ mới nuôi và hộ có quy mô đàn dưới 10 con. Ngay cả với công ty gắn bó lâu dài - nhờ đó mà bò sữa nông hộ phát triển - là Vinamilk cũng đã tuyên bố, sau 3 năm nữa sẽ giảm dần giá mua theo giá thị trường thế giới (giá thế giới hiện chỉ 8.000 - 9.000 đồng/kg sữa tươi nhưng Vinamilk vẫn mua trên 11.000 đồng/kg, trong khi giá thành 1kg sữa tươi của các nông hộ đã ở mức 10.000 đồng/kg). Vì vậy, theo nhận định, số hộ nuôi bò sữa thời gian tới sẽ còn giảm xuống.
Bài toán ngược
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng chỉ có giảm giá thành sản phẩm sữa thì đàn bò sữa nông hộ mới có thể tồn tại và cạnh tranh khi hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới, nhất là với TPP. Theo đó, khuyến cáo người nuôi xây dựng đàn bò sữa hợp lý: 65% - 70% bò cái sinh sản, trong đó 50% bò vắt sữa/tổng đàn; mạnh dạn loại thải bò sữa năng suất thấp, dưới 4.500 kg/con/chu kỳ (dưới 15kg/con/ngày), bò sữa phối giống nhiều lần không đậu (trên 5 lần), bò sữa già (trên 7 lứa). Để giảm giá thành, cần nâng cao chất lượng sữa thông qua thức ăn hỗn hợp TMR để cân đối khẩu phần ăn và đảm bảo chất lượng sữa theo yêu cầu của nhà máy. Trại bò sữa thực nghiệm công nghệ cao DDEF đã thành công với năng suất bình quân lên 22,5kg/con/ngày, khi làm mô hình trong dân cũng cho thấy hiệu quả này. Vấn đề hiện nay là làm sao nhân rộng hơn vào các hộ dân và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu cỏ và thiết bị làm thức ăn TMR. Yếu tố thứ hai là chỉnh trang lại chuồng trại. Thời tiết vùng nhiệt đới với độ ẩm cao dễ làm bò sữa stress nhiệt, ăn kém nên năng suất khó cao. Vì vậy, chuồng trại phải thoáng mát và được vệ sinh liên tục để tránh bị nhiễm bệnh, nhất là viêm vú; qua đó giúp bò sữa dễ chịu, ăn nhiều theo nhu cầu, dễ tiêu hóa để nâng cao năng suất và chất lượng. TP cũng đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ làm lại chuồng trại. Bên cạnh đó là tiếp tục nâng chất con giống. Với những điều này, năng suất bò sữa đạt khoảng 6.200 kg/con/ chu kỳ (tương đương 20kg/con/ngày) trở lên.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo SGGP, hướng đi nào cho đàn bò sữa Củ Chi, huyện có đàn bò sữa nhiều nhất cả nước với khoảng 68.000 con, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoài Phú có cái nhìn thực tế hơn khi cho biết, phải đặt bài toán ngược, làm sao giảm giá thành bò sữa xuống dưới 10.000 đồng/kg mới có lời để tồn tại, bò cho sữa phải đạt 22kg/con/ngày (hiện nay bình quân khoảng 16kg/con/ngày). Hơn 20 năm, năng suất bình quân tăng thêm 3,1 tấn/con/chu kỳ, nay chỉ vài năm mà phải tăng thêm 2,2 tấn/con/chu kỳ là bài toán không phải hộ nuôi nào cũng “giải” được. Huyện khuyến cáo, những hộ nào có đàn bò sữa 20 con/đàn trở lên hoặc những hộ có đàn ít hơn nhưng thật sự chuyên nghiệp mới tiếp tục nuôi. Chỉ những hộ nuôi theo kiểu nông trại hay gia trại, công nghiệp cũng như liên kết lại theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã để giảm giá thành đầu vào và hưởng các dịch vụ về thú y, gieo tinh... mới trụ lại được.
CÔNG PHIÊN