Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định tiếp tục điều hành chính sách tín dụng theo hướng kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý, an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn. Từ định hướng này, nhiều ngân hàng (NH) đã đưa ra nhiều chương trình hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và không ít NH đang tập trung “nắn” dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Ngay từ đầu năm 2017, Sacombank đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (DCRD) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, DN vừa và nhỏ miền Nam (Socencoop) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện, qua đó triển khai các giải pháp hỗ trợ mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng cao. Lãnh đạo Sacombank cho hay, với việc hợp tác này, Sacombank sẽ đẩy mạnh vốn cũng như cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích NH cho các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và các đối tác khác do DCRD và Socencoop giới thiệu.
Bên cạnh đó, NH cũng đóng vai trò kết nối nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và các đầu mối tiêu thụ nông sản, DN chế biến thực phẩm cho các hợp tác xã; đưa sản phẩm của hợp tác xã vào hệ thống siêu thị - các nhà xuất khẩu, từ đó tạo tiền đề cho việc tài trợ theo chuỗi giá trị; phối hợp liên kết, hợp tác với các sở ban ngành, cơ quan, chính quyền địa phương và các đối tác liên quan khác để hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản và giới thiệu nguồn vốn ưu đãi... cho các hợp tác xã đang giao dịch với Sacombank. Tương tự, lãnh đạo NH Kiên Long (KienLong Bank) cũng cho biết, trong năm 2017, KienLong Bank tiếp tục định hướng tập trung tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DN vừa và nhỏ, tiểu thương buôn bán, sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện KienLong Bank đang dành 400 tỷ đồng cho tín dụng nông nghiệp, lãi suất chỉ từ 7,8%/năm. Theo đó, khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, cung cấp vật tư, máy móc và thiết bị đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, hoặc có hoạt động sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp đều có thể tham gia gói cho vay này.
Sản xuất rau sạch tại HTX Phước An. Ảnh: THÀNH TRÍ
Không chỉ các NH thương mại vừa và nhỏ, ngay cả những NH lớn cũng đang hướng nguồn vốn của mình theo định hướng mà NHNN đưa ra. Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối vốn của Vietcombank, cho biết nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân và DN trong nước tiếp cận vốn, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, VCB và Vietcombank hiện đang tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao... và đẩy mạnh hoạt động NH bán lẻ.
NHNN cho biết, thông qua nguồn vốn tín dụng, nhiều DN, hộ nông dân, trang trại... đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, giúp phát huy thế mạnh của vùng. Theo NHNN, cơ quan này tiếp tục điều hành chính sách theo hướng hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Định hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, cơ quan này cũng đã chỉ đạo các NH thương mại trong thời gian tới tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội đề ra với mức tăng trưởng GDP đạt 6,7%.
Minh Huy