Cải tiến chất lượng giáo dục – đào tạo Việt Nam

Hướng giải pháp từ các chuyên gia... nước ngoài

Hướng giải pháp từ các chuyên gia... nước ngoài

Tại hội nghị toàn quốc bàn về chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) tổ chức ở TPHCM ngày 5-1 vừa qua, ngoài nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia trong nước, còn có những ý kiến đóng góp từ thực tế nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài về thực trạng của nền giáo dục - đào tạo Việt Nam.

Dù các dự án được thực hiện trong nhiều thời điểm, tại các vùng miền và trường ĐH… khác nhau nhưng đều có những đánh giá tương tự về thực trạng cũng như hướng giải pháp cho vấn đề này.

Thực tế bất cập

Hướng giải pháp từ các chuyên gia... nước ngoài ảnh 1
Sinh viên đại học trong giờ thực hành.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mike Lương - Giám đốc kỹ thuật của Intel VN - cho biết, sắp tới Intel VN tuyển dụng khoảng 4.000 nhân sự. Vừa qua, công ty đã kiểm tra 1.965 sinh viên (SV) năm cuối ngành kỹ thuật và kinh doanh của một số trường ĐH, nhằm tìm 70% số nhân sự (sau khi các SV này ra trường).

Qua 50 câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến kỹ thuật, chỉ có 320 SV đạt kết quả trung bình trở lên (đúng 28 câu), và chỉ 90 SV trong số này có khả năng trúng tuyển (trả lời đúng từ 60% câu hỏi trở lên).

Theo cơ quan đại diện dự án Giáo dục ĐH Việt Nam – Hà Lan, nghiên cứu thực tiễn tại VN cho thấy, các nhóm thu nhập thấp có khả năng vào ĐH kém hơn các nhóm có thu nhập cao, và GDĐH Việt Nam nói chung chưa tạo được nhiều cơ hội cho tất cả SV tài năng. Chất lượng cán bộ giảng dạy tại các khoa trong các trường ĐH rất hạn chế, chỉ khoảng 14% có bằng tiến sĩ, 33% có bằng thạc sĩ.

Tỷ lệ SV giảng viên lên đến 30/1, khá cao so với các nước trong khu vực. Chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy lạc hậu, ít được đầu tư. Thực trạng này dẫn đến khả năng thích ứng của GDĐH với các nhu cầu xã hội còn hạn chế, mối quan hệ giữa trường ĐH và thị trường lao động cũng rất yếu.

Khảo sát của các chuyên gia trong hai dự án nghiên cứu về hiện trạng GDĐH ở VN trong các ngành: công nghệ thông tin, kỹ thuật điện - điện tử - viễn thông, vật lý, GD nông nghiệp (do quỹ GD VN– Mỹ tài trợ) cho thấy, có 5 nhóm vấn đề then chốt mà GDĐH VN cần thay đổi. Đó là: việc giảng dạy và học tập; chương trình giảng dạy và các môn học; giảng viên; đào tạo và nghiên cứu sau ĐH; đánh giá kết quả học tập của SV và hiệu quả GD-ĐT của nhà trường.

Phải tạo ra cuộc “cách mạng” về chất lượng giáo dục

Đại diện Intel VN cho rằng, ngành GD-ĐT VN cần nâng cao năng lực người học thông qua việc xét tuyển HS, SV từ đầu vào; phát triển số lượng lẫn chất lượng đội ngũ giảng viên; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho GD. Phải tạo ra được cuộc “cách mạng” về cải tiến chất lượng (chương trình giảng dạy, khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh), đổi mới phương pháp giảng dạy (theo hướng gắn với thực tiễn).

Từ cơ sở nghiên cứu, Quỹ GD VN - Mỹ cũng đưa ra 13 đề xuất để thực hiện các nhóm vấn đề tồn tại. Đó là hệ thống GDĐH phải được phân bố đều khắp cả nước, giúp HS có nhiều cơ hội hơn để theo học; giao quyền cho các trường ĐH trọng điểm đào tạo giảng viên giỏi trong các ngành khoa học và công nghệ cho các trường ĐH khác; có nhiều phương án để lựa chọn quyết định chiến lược về cấp vốn cho nghiên cứu cơ bản trong trường ĐH; cho phép các trường chủ động và linh hoạt hơn trong việc nâng cao chất lượng và luôn cập nhật chương trình đào tạo.

Cạnh đó, thiết lập quy định kiểm tra, bao gồm: kết quả học tập của SV, hoàn thiện quy trình đánh giá chương trình đào tạo cho các khoa; thiết lập cơ chế bảo đảm các nguồn lực được phân bổ dựa trên thành tích công việc và chất lượng.

Đánh giá mức độ chất lượng của các trường ĐH trên toàn quốc dựa vào quá trình nghiên cứu và học tập của SV, thiết lập cơ chế hỗ trợ các trường có chất lượng thấp nâng lên mức tốt nhất có thể. Có giải pháp để các trường có điều kiện tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, tạp chí điện tử chuyên ngành mới nhất. Xây dựng năng lực cho giảng viên trong việc thiết kế nội dung, phương pháp sư phạm, tiếp xúc SV.

Tổ chức lại khối lượng công việc để giảng viên có thời gian chuẩn bị giáo án, tiếp xúc với SV và thực hiện nghiên cứu. Điều chỉnh và tổ chức lại chương trình đào tạo để SV có thêm thời gian tiếp thu nội dung và thông tin môn học. Nâng cao phương pháp sư phạm trong trường trung học để HS có sự chuẩn bị tốt hơn cho chương trình GDĐH mới với nhiều cách thức hơn. Có phương thức hỗ trợ HS chọn ngành ngay khi còn ở bậc trung học… 
 

Dự án GDĐH Việt Nam – Hà Lan đề nghị: Đến năm 2020, VN cần giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên xuống còn 20/1, phấn đấu để 35% cán bộ giảng dạy có bằng tiến sĩ, 60% có bằng thạc sĩ, đồng thời tăng các cơ hội việc làm cho SV khi ra trường. Đến năm 2020 phải có ít nhất 70%-80% trong tổng số SV theo học các chương trình mang định hướng nghề nghiệp - ứng dụng.

Để làm được điều đó, các trường ĐH phải được tự chủ nhiều hơn. Hiện Hà Lan đang hỗ trợ Bộ GD-ĐT VN thực hiện đề án Hera, thông qua hai dự án con là Profqim - “Giới thiệu đảm bảo chất lượng” tại 5 trường ĐH, và dự án Profed - “Giới thiệu về GDĐH mang định hướng nghề nghiệp” tại 8 trường ĐH (thực hiện từ 2005 đến 2009). 

MAI KHÔI

Tin cùng chuyên mục