Mặc dù nghề cá và đại dương đóng vai trò hết sức quan trọng trong khối thành viên các nước APEC, tuy nhiên, nghề cá và đại dương hiện nay bộc lộ nhiều quan ngại, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu có nhiều thách thức và khó dự đoán. Làm gì để nghề cá và đại dương phát triển bền vững và hiệu quả, đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của APEC.
Xây dựng chính sách chung
Ngày 27-2, trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017 đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cuộc hội thảo về công tác nghề cá và đại dương giành được quan tâm đặc biệt của nhiều chuyên gia, báo chí trong và ngoài nước. Gần 100 đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tập trung thảo luận về các chính sách, giải pháp để sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Theo thống kê, hiện nay, các thành viên khu vực APEC đóng góp trên 80% sản lượng nuôi trồng thủy sản và hơn 65% sản lượng khai thác toàn cầu. Mức tiêu dùng hải sản của khu vực APEC cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của thế giới. Do vậy, việc tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng và giảm tổn thất sau thu hoạch cũng là điều mà APEC nhắm đến, định hình chiến lược phát triển từ nay và tương lai. Tuy nhiên, các thành viên APEC cũng xác định, nghề cá của khu vực hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do thời tiết ngày càng cực đoan, biến đổi khí hậu; cách thức khai thác chưa bền vững… đã ảnh hưởng đến các quốc gia vốn có thế mạnh về nghề cá.
Việt Nam hướng đến khai thác cá ngừ đại dương bền vững
Tại hội thảo này, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất để sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần xây dựng chính sách chung về nghề cá. Trao đổi với báo chí, ông Toshihiko Horiuchi, thành viên Ban Thư ký nội các về chính sách đại dương của Nhật Bản, cho rằng: Muốn nghề cá phát triển bền vững, ngoài những chính sách chung mang tính vĩ mô, các nền kinh tế thành viên APEC cần nâng cao việc hỗ trợ ngư dân, cộng đồng ngư nghiệp. Thiết thực nhất là giúp ngư dân tiếp cận thị trường, cải thiện chất lượng sản phẩm và việc sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận vấn đề đảm bảo sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn thảo việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển, tăng cường khả năng thích ứng chống chọi của cộng đồng dân cư ven biển đối với các thiên tai, thời tiết, diễn biến phức tạp của tự nhiên. “Có rất nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận cùng nỗ lực chung để chống lại biến đổi khí hậu, chia sẻ thông tin, hợp tác, để làm sao có những phương thức nhanh nhất, tốt nhất ứng phó đối với biến đổi khí hậu của các nền kinh tế thành viên; tổ chức làm sao với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên từ biển”, ông Luân nói.
Cần sự sẻ chia của cộng đồng
Theo đánh giá của các chuyên gia về thủy sản, nghề cá của các nền kinh tế thành viên APEC đang phải đối mặt với những thách thức như: an toàn thực phẩm, khả năng phục hồi sau thiên tai. Tại Việt Nam, nghề cá và đại dương đóng vai trò hết sức quan trọng trên mọi mặt. Từ trước đến nay, Việt Nam luôn xác định kinh tế biển là một mũi nhọn. Trong Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020 và tầm nhìn về sau, Việt Nam xác định con đường kinh tế là tiến ra biển lớn, chinh phục biển và làm giàu từ biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, năm 2016, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam ước đạt hơn 6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 7 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015. Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 thị trường đứng đầu về tiêu thụ thủy sản của Việt Nam. Trong năm 2017, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt tổng sản lượng 6,85 triệu tấn, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, đại diện Bộ NN-PTNT cũng nhìn nhận, nghề cá Việt Nam hiện có quy mô nhỏ, ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Chính vì vậy, phát triển bền vững đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển và những yếu tố đảm bảo công bằng cho ngư dân đang khai thác trên biển là một trong những ưu tiên quan trọng mà Việt Nam hướng đến.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn dành ưu tiên cho việc thu hút các nguồn lực tài trợ của các nước có thế mạnh về thủy sản, trong đó có Nhật Bản. Trong lĩnh vực này, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã hỗ trợ thiết bị khai thác cá ngừ đại dương cho ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ. Một số doanh nghiệp của Nhật cũng đã hợp tác với ngư dân Việt Nam để nâng cao chất lượng đánh bắt cá ngừ đại dương. Từ năm 2014, Bộ NN-PTNT đã triển khai Đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, tiếp cận công nghệ Nhật Bản” ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, với mục tiêu nâng cao giá trị cá ngừ Việt Nam. Qua đánh giá ban đầu, mô hình này đã đạt được những kết quả khả quan, đặc biệt là chất lượng sản phẩm làm ra được đảm bảo và khâu tiêu thụ cũng dễ dàng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Toshihiko Horiuchi cho biết thêm, để phát triển hiệu quả và bền vững nghề cá, các nền kinh tế APEC cần nâng cao vai trò của chính quyền và người dân địa phương trong quản lý vùng biển. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm khai thác được nhiều hơn tài nguyên đại dương. “Phương thức đánh bắt truyền thống đã không còn hiệu quả, bây giờ nhờ có khoa học - công nghệ thông tin mà có thể dự đoán được cá ở đâu, môi trường như thế nào”, ông Toshihiko Horiuchi nhấn mạnh.
VĂN NGỌC