Hướng tới quốc gia xuất khẩu nông sản chế biến

Trong năm 2020, ngành nông nghiệp có 16 dự án chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Tính chung, trong 4 năm qua đã có 67 nhà máy hoạt động trong lĩnh vực này được đưa vào hoạt động. Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030, sản phẩm nông nghiệp chế biến chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành và dần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sản phẩm nông nghiệp được chế biến chiếm tỷ trọng lớn.

Nhiều nhà máy ứng dụng công nghệ cao ra đời

Những ngày cuối năm 2020, ngành nông nghiệp đón nhận tin vui với Tổ hợp nhà máy CPV Food của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã được đưa vào hoạt động tại tỉnh Bình Phước. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là tổ hợp chăn nuôi - chế biến thịt gà xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án có số vốn đầu tư ban đầu 250 triệu USD, công suất 100 triệu con/năm, cung cấp sản phẩm thịt gà chất lượng cao để xuất khẩu. Đơn vị này kỳ vọng đạt doanh thu 100 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và 200 triệu USD/năm trong giai đoạn 2.

Tổ hợp nhà máy CPV Food được đầu tư công nghệ tiên tiến trong quản lý điều hành và sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trước đó, sau 2 năm khởi công xây dựng, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ tại tỉnh Sơn La của Tập đoàn TH vừa đi vào sản xuất cuối tháng 9-2020 với mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Nhà máy có công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược. Đến năm 2025, doanh nghiệp này dự kiến tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng. Đây là nhà máy có tỷ lệ thu hồi nước ép cao, lên tới 80%. Chất thải của nhà máy là các bã trái cây đã được nghiền nát, dẫn ra khỏi nhà máy đến nhà chứa và phơi khô làm phân bón, chất đốt hoặc làm thức ăn cho ngành thủy sản. Để cung cấp nguyên liệu là rau, trái cây cho nhà máy, doanh nghiệp đã hợp tác cùng nông dân trồng trọt trên một diện tích khoảng 35.000ha.

Hướng tới quốc gia xuất khẩu nông sản chế biến ảnh 1 Chế biến mít xuất khẩu tại Công ty Vinamit, tỉnh Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Sau vài tháng đưa nhà máy chế biến tiêu sấy lạnh vào hoạt động, sản phẩm của Công ty Phúc Sinh (238 Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM) đã mở rộng ở nhiều thị trường khó tính, mang lại giá trị gia tăng cao.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh, chia sẻ, thay vì bán tiêu thô chỉ với 3 USD/kg, tiêu sấy lạnh có giá gấp 7 lần so với tiêu thô. Do đó, dù đầu tư nhà máy với hơn 50 tỷ đồng nhưng đơn vị dự kiến trong 5 năm sẽ thu hồi vốn. Sản phẩm chế biến có nhiều lợi thế hơn như so với hàng thô. Hàng thô có nhiều rủi ro trong bảo quản, vận chuyển, dự trữ theo mùa vụ và nếu không bảo đảm thời gian tiêu thụ sẽ bị hư. Sản phẩm chế  biến có thời gian bảo quản lâu, phù hợp với nền nông nghiệp Việt Nam.

Tương tự, mới hoạt động hơn 6 tháng, nhà máy cà phê hòa tan của Tập đoàn Intimex (61 Nguyễn Văn Giai, quận 1, TPHCM) đã hoạt động đạt 70% công suất, bình quân sản xuất 200 tấn thành phẩm/tháng.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, cho hay, với sản phẩm cà phê được sản xuất từ công nghệ tiên tiến, công ty có thể bán được với giá cao. Bên cạnh đó, với công nghệ sản xuất có kết nối bằng công nghệ thông tin hiện đại, các đối tác nhập khẩu có thể giám sát chất lượng từ xa mà không cần phải đến trực tiếp Việt Nam.

Cơ sở pháp lý cho vùng nuôi, trồng nguyên liệu

Có thể nói, chủ trương tăng cường vào chế biến sâu nông thủy sản để qua đó nâng cao giá trị nông sản Việt, giúp Việt Nam trở thành quốc gia chế biến nông sản xuất khẩu lớn, đã và đang nhận được sự đồng thuận rất cao từ các bộ ngành chức năng, các hiệp hội đến doanh nghiệp chế biến.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận, hiện nay, nông sản Việt Nam khi đến các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… chỉ có thể tiêu thụ được ở khu vực gần cảng, không thể đi sâu hơn vào thị trường nội địa do khâu bảo quản còn kém. Do vậy, việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, để nông sản Việt có thể đi xa hơn là yêu cầu có tính chất quyết định đến việc phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nước ta.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, thời gian tới, chế biến sẽ trở thành nội dung then chốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường với thời gian vận chuyển rất dài nên đòi hỏi phải có công nghệ bảo quản tốt và công nghệ chế biến hiện đại, hiệu quả, phù hợp với các tiêu chí về an toàn thực phẩm của các thị trường thế giới. 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là bước đi đúng đắn của ngành nông nghiệp. Để làm được việc này, phải hình thành được hệ thống các cơ sở chế biến hiện đại có sự liên kết với vùng nguyên liệu. Việc nuôi trồng thủy, hải sản, cây trái, rau quả… phục vụ cho chế biến phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn.

Muốn làm được như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành chế biến thực phẩm và xây dựng cơ sở pháp lý để hình thành các vùng nuôi, trồng nguyên liệu lớn, đảm bảo nuôi, trồng được những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn. Trước mắt, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể kết hợp với các doanh nghiệp FDI hoặc đối tác nhập khẩu xây dựng nhà máy chế biến, để từng bước tích lũy vốn và kiến thức.

Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị, các cơ quan chuyên môn cần tập trung tháo gỡ các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam gắn với nâng cao năng lực nắm bắt và xử lý thông tin thị trường, chú trọng công tác nghiên cứu và dự báo cung - cầu cho người sản xuất. Có như vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững với nhiều sản phẩm chế biến sâu, chủ động với thị trường xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Và như thế, mong ước nêu trên mới có điều kiện thành hiện thực. 

Tin cùng chuyên mục