Dù đã lùi vào dĩ vãng, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh vẫn hiện hình qua hàng trăm vụ nổ bom mìn còn tồn tại trong lòng đất. Chính vì lý do nhân đạo, cuộc thi sáng chế robot rà phá bom mìn do Hội Cơ khí TPHCM và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) phát động, đã được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình.
Tập hợp nguồn lực trẻ
PGS-TS Đặng Văn Nghìn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, cho biết hiện nước ta vẫn còn tới 6,6 triệu ha đất, mặt nước (chiếm 20% diện tích cả nước) chứa bom mìn. Dù đã rất cố gắng, nhưng với tốc độ làm sạch bom mìn chỉ được khoảng 20.000 ha/năm như hiện nay, cần 300 năm nữa nước ta mới rũ sạch khối chất nổ cùng những ám ảnh của chiến tranh.
Nhằm huy động sức lực và trí tuệ của mọi người dân tìm các giải pháp, thiết bị để rà phá bom mìn, Hội Cơ khí TPHCM và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) đã phối hợp phát động cuộc thi sáng tạo robot phá bom mìn rộng rãi trên cả nước.
Chủ đề đầu tiên của robot phá bom mìn năm 2009 là “Robot vượt địa hình”, đã thu hút 36 đội tham dự, gồm 33 đội thuộc các trường đại học, cao đẳng (Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, TPHCM…); 2 đội thuộc các công ty và 1 cá nhân. Các đội được chia thành 7 bảng, thi đấu đối kháng. Robot phá mìn tham dự cuộc thi phải đáp ứng các tiêu chí: tự động, có khả năng tự đánh giá địa hình, di chuyển linh hoạt, chính xác, nhẹ nhàng, vượt qua tất cả các chướng ngại vật trên đường đi và tiến đến điểm có bom mìn… Robot có nhiều kích cỡ (dài x rộng x cao) từ 300x300x100mm đến 1.000x1.000x600mm, trọng lượng nhỏ hơn 20kg…
Hướng đến ứng dụng
Sau 2 ngày thi vòng chung kết (29 và 30-1-2010), đội robot BKZ của lớp Cơ điện, khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, gây bất ngờ khi vượt qua các đội mạnh của ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM.. giành giải nhất. Tự hào khi nhận giải, Lê Quang Dân, đội trưởng BKZ khoe: “Con robot Z-01 này là sản phẩm đầu tay của đội, vì đây là lần đầu tiên đội làm robot. Chúng em lấy ý tưởng từ một chú cua biển với hai càng khỏe mạnh, có thể đi trên cạn và cả dưới nước, với mong muốn có thể vượt tất cả các địa hình hiểm trở để rà phá bom mìn…”.
Trong chiến tranh, Việt Nam phải hứng chịu khoảng 3,9 triệu tấn bom (cả Đông Dương là 6,3 triệu tấn). Đến nay, nước ta vẫn có khoảng 100 người tử vong mỗi năm do tai nạn bom mìn, trong đó trẻ em chiếm 62%. Trong số các vụ tai nạn, số vụ nổ do trẻ em thiếu hiểu biết, khi nhặt được vật nổ (thường là bom bi, đạn M-79) đem đập, ném khoảng 40%; do dân đi thu gom phế liệu, phát hiện bom đạn rồi đem về cưa, đục lấy phế liệu, thuốc nổ khoảng 30%; do cuốc, đập, giẫm… phải vật liệu nổ khoảng 20%... |
Góp mặt tại cuộc thi, đội Heat3 của ĐH Công nghiệp TPHCM (đội có 9 thành viên, lớp Điện tử 3, khoa Điện tử) đã vinh dự giành giải nhì với robot Heat3, mang hình dáng chiếc xe tăng bánh xích, nặng chưa tới 10kg… Thêm một chiếc xe tăng đạt giải cao thứ 3 là robot ACT của đội Embot-Strike của ĐH Cần Thơ (đại diện duy nhất khu vực Tây Nam bộ) đã vinh dự giành giải ba với chiếc xe tăng nặng 11,5kg, vượt địa hình hoàn hảo. Tô Đông Quân, đội trưởng Heat3 lý giải, robot xe tăng chạy băng tải vượt địa hình rất tốt, di chuyển bằng băng tải tạo hiệu quả cao trong việc rà phá bom mìn…
Theo PGS-TS Đặng Văn Nghìn, cuộc thi là cơ hội để những người trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên, kỹ sư trẻ thỏa sức sáng tạo, nghiên cứu… với mục đích phục vụ thực tế cấp bách cuộc sống, là công tác rà phá bom mìn. PGS-TS Đặng Văn Nghìn cho biết thêm, những ý tưởng tại cuộc thi sẽ được ban tổ chức xem xét kỹ lưỡng, từ đó sẽ hỗ trợ kinh phí cũng như kỹ thuật tiến tới phối hợp cùng các đội để tiếp tục hoàn thiện. Tuy biết rằng thời gian để những con robot tham dự cuộc thi được phát triển hoàn chỉnh là rất lâu và đòi hỏi nhiều kinh phí nhưng rõ ràng cuộc thi lần này đã huy động sức sáng tạo của tuổi trẻ trong thiết kế, chế tạo… và dần hướng tới sản xuất robot phá bom mìn.
KIÊN GIANG