Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin

Hướng vào kỹ năng thực tế

Hướng vào kỹ năng thực tế

Báo SGGP đã có bài viết về những hạn chế về kỹ năng thực tế và trình độ ngoại ngữ của các kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT) mới ra trường. Nguyên nhân chính không phải do khả năng của sinh viên Việt Nam kém mà do họ chưa được làm quen với môi trường làm việc từ khi còn đi học. Mô hình doanh nghiệp CNTT liên kết với cơ sở đào tạo sẽ giúp sinh viên rèn luyện những kỹ năng còn yếu để trụ vững trong môi trường doanh nghiệp. Đó cũng là một lời giải cho bài toán khan hiếm nguồn nhân lực trong ngành này.

Thực tập cũng có lương

Theo thạc sĩ Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), mô hình đào tạo nhân lực CNTT của các nước tiên tiến như Singapore, Malaysia... là đưa ngay những sinh viên năm thứ 3, thứ 4 đi thực tập trực tiếp có hưởng lương tại các công ty điện tử. Khi đó, sinh viên sẽ có cơ hội cọ sát, làm quen, nắm bắt được công việc để ra trường không bị bỡ ngỡ. “Điều đó đôi khi tạo ra những áp lực, thách thức cho sinh viên, nhưng cũng chính là chìa khóa để vươn tới thành công”, ông Dũng khẳng định.

Hướng vào kỹ năng thực tế ảnh 1

Các thực tập sinh UK Brain nghiên cứu thiết kế bo mạch tại Nhật Bản.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bách Khoa, Giám đốc Công ty Liên doanh UK Brain cho biết, mỗi năm công ty tuyển chọn khoảng 120 người đào tạo kỹ sư CNTT đủ khả năng làm việc trong các tập đoàn điện tử - viễn thông tại Nhật Bản.

Theo mô hình đào tạo của công ty, thời gian đầu, những thực tập sinh trên sẽ được đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng làm việc và trình độ chuyên môn nhất định. Sau đó, họ được gửi sang thực tập, làm việc tại công ty “mẹ” của UK Brain là Unico Technos tại Nhật Bản.

Tại đây, các học viên sẽ được làm việc thực sự cùng những nhóm chuyên gia triển khai thực hiện dự án của công ty. Và họ cũng được trả lương hàng tháng tùy theo vị trí và công việc được giao. Thông qua việc làm việc cùng nhóm với các kỹ sư lành nghề, các thực tập sinh Việt Nam sẽ được làm quen và học hỏi những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Sau thời gian làm việc, rất nhiều thực tập sinh Việt Nam đã được nhận vào làm tại công ty của Nhật Bản và được các chuyên gia đánh giá cao hiệu quả và năng suất làm việc.

Trường Đại học FPT cũng là một trong những trường do doanh nghiệp tự đứng ra tuyển sinh, đào tạo. Tại đây, sinh viên được tham gia những bài tập tình huống thực tiễn ngay tại FPT trong suốt quá trình học. Theo ông Nguyễn Xuân Phong, phụ trách quan hệ quốc tế, tuyển sinh và công tác sinh viên của trường, sinh viên ra trường làm việc cho FPT, không mất thời gian hòa nhập lại cách làm việc chuyên nghiệp.

Trường Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (Saigon Tech) lại có hướng đào tạo riêng theo mô hình và chuẩn của Mỹ. Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư, Hiệu phó Điều hành Saigon Tech, các sinh viên của trường, ngoài việc học kiến thức cơ bản, đều được chú trọng đào tạo những kỹ năng nền tảng của công việc sau này.

Trong trường, tất cả mọi người đều phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Hoặc phải học một số môn phục vụ cho giao tiếp công việc hàng ngày như viết luận, báo cáo, diễn thuyết, ứng xử, quan hệ, tâm lý... “Các môn đó giúp cho sinh viên Saigon Tech không còn yếu về những kỹ năng làm việc thực tế”, bà Thư khẳng định.

Thiếu không có nghĩa phải đào tạo ồ ạt

Ông Nguyễn Bách Khoa, Công ty UK Brain cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia thị trường Nhật Bản, Việt Nam đang nổi lên là một đối tác chiến lược quan trọng. Dự kiến, đến năm 2010, kim ngạch trao đổi trong lĩnh vực CNTT giữa hai nước sẽ là 400 triệu USD.

Để đạt được con số đó, Việt Nam cần khoảng 17.000 chuyên gia CNTT đủ khả năng làm việc với các đối tác Nhật Bản. Trong khi đó hiện mới chỉ có khoảng 50-100 chuyên gia Việt Nam đủ khả năng hợp tác với các công ty điện tử Nhật Bản. “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi không thể nào đào tạo đại trà được.

Trong khoảng 1.000 ứng viên tham gia thi tuyển vào công ty, UK Brain chỉ lấy khoảng 60-80 người cao nhất để đào tạo đưa sang Nhật Bản” ông Khoa cho biết.

Cũng là một đơn vị nhiều năm tham gia đào tạo kỹ sư CNTT để làm việc cho công ty, Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) cũng chỉ tiếp nhận mỗi năm khoảng 10 người. Theo ông Trần Nam Dũng, Trưởng phòng nhân sự FPT Software, công ty đã có ý định mở những khóa chuyên đào tạo CNTT. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu và những chính sách ràng buộc, hỗ trợ chưa rõ ràng nên công ty chỉ nhận những kỹ sư đã tốt nghiệp và có khả năng vào làm việc.

Do chỉ có một số doanh nghiệp CNTT lớn tự đứng ra đào tạo phục vụ cho nhu cầu của chính đơn vị mình nên vẫn còn nhiều kỹ sư CNTT tốt nghiệp ra trường đi làm trái nghề. Số lượng những người tốt nghiệp đi làm tại các doanh nghiệp điện tử vẫn chỉ được đánh giá là “ngày càng thỏa mãn hơn yêu cầu”.

Theo ông Chu Tiến Dũng, việc đào tạo để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực CNTT cần phải được sự hỗ trợ từ các cấp thẩm quyền để có thêm nhiều doanh nghiệp điện tử cùng chung tay tham gia đào tạo. 

QUANG TRỌNG - MAI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục