Quốc hội thảo luận về ngân sách và phát hành trái phiếu
Ngày 25-10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2013; dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 - 2016.
Bấp bênh thu ngân sách
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), việc thu ngân sách năm 2013 hụt thực ra biểu hiện từ năm 2012 khi con số hụt thu nội địa năm 2012 là 27.000 tỷ đồng. Nhưng bội chi “may mắn” vẫn thực hiện đúng theo quy định (4,8% GDP) vì thu từ dầu thô tăng thêm 53.000 tỷ đồng so với dự toán. “Nếu Chính phủ nhìn thấy được “may mắn” khách quan đó thì việc tính toán chi năm 2013 sẽ phù hợp hơn” - ông Trần Hoàng Ngân nhận xét. Còn ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định, năm 2013 rơi vào tình trạng hụt thu cho thấy vấn đề cân đối ngân sách đặt ra hết sức cấp thiết và cần phải tính toán căn cơ, không thể như mọi năm, nhất là đặt ra vấn đề kỷ luật ngân sách. Năm 2013 đã “tạm an bài nhưng năm 2014 thì sao?”. Trả lời cho chính câu hỏi của mình, ĐB Trần Du Lịch phân tích, qua báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, năm 2014, dự báo việc hụt thu, bội chi tiếp tục. Đây là điều đáng lo ngại khi mà ngân sách rơi vào tình trạng thu không đủ chi, trả nợ và phải vay tất cả để đầu tư.
Đồng tình với các nguyên nhân đã được nêu rõ trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, song ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan trong công tác điều hành: “Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng do công tác dự toán thu quá lạc quan nên không thực hiện được. Công tác dự toán thu đã được tiến hành thận trọng và dựa vào thực hiện của năm trước. Cho nên phải khẳng định rất rõ rằng hụt thu năm nay là do kinh tế trầm lắng; sản xuất kinh doanh suy giảm. Nói cách khác, chúng ta đã chưa nhận thức đúng đắn khó khăn của nền kinh tế”.
Nhiều đại biểu khác cho rằng, ngân sách sẽ không thật sự khó khăn như hiện nay nếu như thất thu không lớn. Theo ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), dù luật quy định chậm nộp thuế thì bị phạt 0,05%/ngày: “Tôi biết có chuyện “cưa đôi” thuế giữa cơ sở kinh doanh với cán bộ thuế. Trong khi người dân nghèo nông thôn bưng mẹt vào chợ bán không thoát nổi thuế 2.000 - 5.000 đồng thì ở thành phố, doanh nghiệp trốn thuế lại tràn lan”.
ĐB Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) cũng cảnh báo, tình trạng cán bộ thuế có “chân trong chân ngoài”: “Xử lý còn nhẹ quá, doanh nghiệp trốn thuế không sợ. Phải kiên quyết xử lý tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế. Phải thu triệt để, tránh tình trạng phải đi vay để bù vào hụt thu”.
Hiến kế cho giải pháp tăng thu ngân sách, ĐB Trần Du Lịch nói thực tế chúng ta không phải đã hết nguồn thu, bởi nhà nước có thể có nguồn từ thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp không cần nắm giữ để bù đắp ngân sách; lấy cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chưa chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); điều tiết các khoản cổ tức chuyển về SCIC mà tổng công ty này đang gửi ngân hàng; cổ phần hóa những doanh nghiệp không cần nắm giữ để chuyển nguồn vốn đó về ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản quỹ đang “nằm ngoài”... Nếu quản lý tốt dòng tiền này thì ngân sách đi vay sẽ giảm nhiều.
Nghiêm túc sửa sai để không “ăn mòn niềm tin của dân”
|
Theo nhiều ĐBQH, trong hoàn cảnh hiện nay cần triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên (trừ chi lương, chi cho chính sách xã hội). ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) phân tích, 3 năm qua tỷ trọng chi thường xuyên so với thu ngân sách tăng dần lên: từ 59% lên 69%. Điều này dường như đi ngược quyết tâm tiết giảm chi 10% đưa ra. Vì thế, cần phải quyết liệt hơn nữa việc tiết giảm và rà soát lại bộ máy để thực hiện đúng mục tiêu tiết kiệm đã đề ra.
Nhiều đại biểu cũng lo ngại chi thường xuyên lớn, biên chế phình ra nhưng khi có chuyện thì không thấy ai chịu trách nhiệm. “Hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước yếu quá dân chẳng ai tin nữa, có nơi người dân tự đứng ra quản lý thay như đứng canh nhà máy. Mỗi lần tiếp xúc cử tri chúng tôi khổ lắm, chỉ thấy dân chửi” - ĐB Nguyễn Văn Hiến gay gắt.
Cùng quan điểm, theo ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng), nhiều lĩnh vực chi vô tội vạ, không kiểm soát được, hoặc có kiểm soát được thì sau đó lại cho qua. Xin - cho vẫn còn, “chạy” giỏi thì được, còn không kể cả những dự án ý nghĩa dân sinh lớn thì lại không được bố trí vốn. ĐB Vũ Công Tiến đề nghị cần hạn chế việc chi vô tội vạ như chi đi nước ngoài, hội nghị, hội thảo, chi với mục đích không cần thiết. Đưa ra kiến nghị cụ thể, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, trừ chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội, còn các khoản chi khác cho các hoạt động như hội họp, đi nước ngoài, mua xe công… phải cắt giảm 50% so với năm 2013.
Áp lực trả nợ lớn, lo ngại nợ công
Đồng tình với việc phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP để đầu tư cho các công trình, dự án và việc phân bổ 40.000 tỷ đồng cho năm 2014 khi mà tín dụng đang bị nghẽn nhưng theo ĐB Trần Du Lịch, năm 2015 và 2016 (kế hoạch phân bổ lần lượt phân bổ 60.000 tỷ đồng và 70.000 tỷ đồng) phân bổ bao nhiêu còn tùy thuộc vào việc rà soát các công trình, dự án một cách chặt chẽ cũng như tính toán huy động nguồn lực khác thay vì chỉ đi vay. Ông Trần Du Lịch cũng cảnh báo, theo kế hoạch năm 2014 trả nợ vay 120.000 tỷ đồng nhưng thực tế lại còn huy động 70.000 tỷ đồng để đảo nợ: “Như vậy, thực tế là 190.000 tỷ đồng nợ, chiếm hơn 24% tổng thu ngân sách và nếu theo đà này thì đến năm 2015 có thể lên đến 30%. Trong khi đó, thế giới đã tổng kết nếu thu ngân sách để trả nợ chiếm 25% thì báo động đèn vàng còn vượt 30% là đèn đỏ”.
Dù cũng đồng tình với sự cần thiết phải phát hành TPCP nhưng theo ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc phân bổ cho gói 170.000 tỷ đồng cần phải tính toán kỹ. Cảnh báo về vấn đề vay, nợ, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu: Biểu đồ về nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng lên, dù vẫn trong giới hạn 65% như yêu cầu của Quốc hội nhưng liệu có an toàn hay không? Nợ công của Nhật Bản là 211% GDP, Hoa Kỳ hơn 100%, châu Âu 90%. Còn so với những nước dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á thì Indonesia hơn 23%, Thái Lan trên 44%... Việt Nam hiện xếp cao nhất.
Theo các ĐBQH, thu ngân sách trả nợ thấp hơn những năm trước và việc ngân sách đã vay để đảo nợ cho thấy chúng ta đang đứng trước những rủi ro lớn liên quan đến vay, trả. Vì vậy, dù chia sẻ những khó khăn của Chính phủ về sự cần thiết phát hành TPCP nhưng ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) thẳng thắn nhận xét: “Chính phủ cứ nói dự án quan trọng, cần thiết, mang lại hiệu quả. Nếu như vậy, Chính phủ, cơ quan trình, người trình phải chịu trách nhiệm khi dự án triển khai không hiệu quả”. Để nâng cao hiệu quả dự án đầu tư từ vốn TPCP, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng nhu cầu cần thiết thì phải giải quyết và phải phát hành TPCP.
Nhưng ĐB Trương Thị Mai, Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) đều yêu cầu Chính phủ phải đưa ra danh mục chi thì Quốc hội mới đồng ý. Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hiện nay chúng ta phải đi vay để chi đầu tư, toàn phải đi vay để ăn. Chính vì thu không bù chi nên vẫn phải đi vay để đầu tư rồi chi thường xuyên và tiền để trả nợ. Việc phát triển thị trường tài chính, tiền tệ chậm nên vẫn có nguy cơ bị đe dọa.
| |
NGỌC QUANG - PHAN THẢO - BẢO VÂN