Sáng 16-6, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) đã nghe Bộ Y tế giải trình về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết phiên giải trình của Bộ Y tế cung cấp thông tin về việc tổ chức xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; nêu ra những khó khăn, thách thức trong quá trình xã hội hóa để từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả thực hiện xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng và đa dạng, khoa học kỹ thuật về y tế phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn. Do ngân sách có hạn, QH, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư cho y tế. Kết quả đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc quan tâm đầu tư cho y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chú ý, quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội, ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, từng bước nâng cao số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…
Bộ Y tế kiến nghị, QH, Chính phủ tiếp tục tăng ngân sách cho y tế, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong đó tăng ngân sách chi đầu tư phát triển cho y tế từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để xây dựng thêm cơ sở, bước đầu xây dựng cơ sở 2 của một số bệnh viện đầu ngành, kỹ thuật cao để tăng số giường bệnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tăng chi thường xuyên cho vùng miền núi, khó khăn; cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm kinh phí để mua thẻ hoặc hỗ trợ một số đối tượng mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Bộ Y tế đề nghị cho phép các cơ sở y tế công lập được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa để vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo hướng: khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị vay vốn của Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam hoặc các tổ chức tín dụng khác để đầu tư xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị nhưng đề nghị có lãi suất ưu đãi hơn khu vực sản xuất, thời gian trả vốn vay được kéo dài khoảng 20 đến 30 năm; tiếp tục cho phép các cơ sở y tế được huy động vốn liên doanh, liên kết để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để hoạt động dịch vụ nhưng phải xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền thẩm định.
Về giá dịch vụ y tế, bộ đề nghị được thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ mà Bộ Y tế đã trình Chính phủ, đồng thời có lộ trình nâng mức đóng BHYT để bảo đảm cân đối Quỹ BHYT và lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Đối với người bệnh không có thẻ BHYT, đề nghị được thu theo giá dịch vụ tính đầy đủ các yếu tố chi phí để giải quyết cơ bản việc tồn tại giữa giá dịch vụ xã hội hóa và do ngân sách bảo đảm, góp phần thúc đẩy người dân chưa tham gia BHYT phải tham gia BHYT…
Các đại biểu đánh giá xã hội hóa công tác khám chữa bệnh là một chủ trương đúng đắn, nhờ đó đã tạo điều kiện cho các bệnh viện công huy động thêm nguồn lực để phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho ngành y tế còn hạn hẹp.
Xã hội hóa không chỉ là việc thành lập nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, không chỉ là việc tăng thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh mà cần quan tâm nhiều hơn tới thu hút nguồn lực xã hội, nguồn lực của nhân dân cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bằng chủ trương và các chính sách khuyến khích, ưu đãi của nhà nước để khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế bỏ vốn, bỏ nguồn lực, trí tuệ vào dịch vụ y tế; tăng giá dịch vụ phải tương xứng với chất lượng dịch vụ…
TTX