(SGGP).- Chiều 5-4, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức họp báo thông báo kết quả nguồn nước xả trên lưu vực sông Mekong về ĐBSCL và tiến độ xử lý hạn, mặn kỷ lục cũng như nhận định tình hình thủy văn ở Nam bộ trong tháng 4-2016.
Ông Trần Đức Cường, Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết, mặc dù không thể giải quyết triệt để hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn, song việc xả nước của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ trưởng Năng lượng và mỏ của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã có tuyên bố, Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) tăng lượng nước xả từ ngày 15-3 đến ngày 10-4 và hồ thủy điện của Lào cũng tăng lưu lượng xả nước từ ngày 23-3 đến hết tháng 5 để chống hạn cho hạ du nằm dọc lưu vực sông Mekong. Hiện tại, các hồ chứa nước này vẫn đang trong quá trình tăng lưu lượng xả.
Ông Trần Đức Cường nhận định, lượng nước được xả từ Trung Quốc sẽ về ĐBSCL cho đến hết ngày 29-4. Dự kiến, tổng lượng nước cả đợt xả sẽ đạt 1,44 tỷ m3. “Đây là lượng nước đáng kể góp phần giải quyết bài toán hạn hán, hỗ trợ cơ bản việc đẩy lùi xâm nhập mặn cho ĐBSCL”, ông Trần Đức Cường nhận xét.
Đại diện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, nguồn nước xả từ hồ thủy điện ở Trung Quốc đã có ảnh hưởng tích cực đến việc chống hạn ở ĐBSCL từ ngày 4-4 và sẽ có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 7-4 trở đi. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tính toán, từ ngày 4 đến 9-4 và từ ngày 10 đến 12-4, tại vùng cửa sông Cửu Long, mặn tiếp tục biến động nhẹ nhưng không sâu. Phạm vi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền chỉ còn khoảng 35-45km, những khu vực nằm bên trong đã có thể lấy nước ngọt khi triều thấp, chân triều, đặc biệt là trên sông Cổ Chiên và sông Hậu. Từ khoảng ngày 10 đến 12-4 đến cuối tháng 4-2016, mặn sẽ giảm nhanh hơn, phạm vi nước mặn chỉ còn cách biển từ 25-40km, có thêm nhiều nơi xuất hiện nước ngọt.
Trong tháng 4, các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 25-40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Để tận dụng nguồn ngọt này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đề nghị các địa phương tập trung tối đa phương tiện để lấy và đặc biệt cần trữ ngọt để dùng cho cả thời gian dài sau đó - đến tháng 6 và 7. Phải mở các cống và cần thiết phải tổ chức bơm nước ngọt lên hồ chứa… khi nước ngọt xuất hiện. Trước khi tích trữ cần kiểm tra lại độ mặn của nguồn nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đưa ra cảnh báo lo ngại ngay tại cuộc họp về việc thông thường tâm lý người dân khi nghe thấy có nước ngọt về sẽ tổ chức xuống giống. Ở những vùng nước ngọt đã về đủ thì không sao, nhưng tại những vùng chưa đủ nước ngọt mà người dân vẫn xuống giống sẽ xảy ra thiệt hại khó lường. Vì vậy, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi và Cục Trồng trọt rà soát cụ thể đến từng vùng, chỉ rõ vùng nào, chỗ nào có nước ngọt tại thời điểm nào để chỉ đạo người dân xuống giống cho phù hợp.
VĂN PHÚC
>> Hôm nay nguồn nước đổ về ĐBSCL sẽ đạt đỉnh