Huyện nông thôn mới trên biển Đông

Ngày 26-12, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ công bố huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đạt chuẩn nông thôn mới và khởi công công trình Khu neo đậu tránh, trú bão. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và là huyện đảo thứ hai của cả nước (sau đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện nông thôn mới trên biển Đông

Ngày 26-12, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ công bố huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đạt chuẩn nông thôn mới và khởi công công trình Khu neo đậu tránh, trú bão. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và là huyện đảo thứ hai của cả nước (sau đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) đạt chuẩn nông thôn mới.

Trước đây, với những chiếc tàu vận tải cũ kỹ, lạc hậu, người dân và du khách phải mất từ 8 đến 9 giờ vượt hơn 56 hải lý mới có thể tới lui đảo Phú Quý. Nay với chiếc tàu hiện đại còn mới mùi sơn, chúng tôi chưa cần đến một nửa thời gian trên là đã có mặt trên hòn đảo xinh đẹp này.

Hôm nay, nơi đảo xa giữa biển Đông được trang hoàng lộng lẫy, người dân vui mừng, phấn khởi vì Phú Quý trở thành huyện đảo thứ hai của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Tại bến cảng Phú Quý, nhiều ngư dân đi đánh bắt hải sản xa bờ cũng trở về đảo sớm hơn dự kiến để kịp tham dự, chứng kiến sự kiện quan trọng này.

Từ một huyện nghèo, Phú Quý đã nỗ lực trở thành Huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận

Lão ngư Nguyễn Văn Trí (ngụ xã Long Hải, huyện Phú Quý) kể: “Năm 2006, bão bất ngờ đổ vào đảo khiến hơn 300 chiếc tàu trôi ra biển, 400 căn nhà bị tốc mái. Lúc ấy, đảo Phú Quý tan hoang, không một nhà nào còn nguyên vẹn, nhìn không khác gì một bãi chiến trường. Vậy mà giờ đây, đảo đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh rồi đấy”.

Bằng nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và cộng đồng dân cư, toàn huyện đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết yếu để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đã tạo nên hình hài về một huyện đảo có kinh tế phát triển năng động.

Khai thác hải sản được xem là ngành chủ lực, chủ yếu là đánh bắt nhỏ, đến nay Phú Quý được đánh giá là một trong những địa phương có hình thức khai thác hải sản trên biển bài bản nhất cả nước với 123 tổ thuyền đoàn kết, 1 nghiệp đoàn nghề cá, 40 hợp tác xã và 87 tàu công suất lớn hoạt động thu mua hải sản trên biển…

Từ địa phương không có điện, đến nay 100% hộ dân trên đảo đều có điện sử dụng. Từ nguồn nước ngọt hạn chế, hiện nay toàn huyện có 80% số hộ sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia. Về mạng lưới giao thông, hiện đảo đã được láng nhựa hoặc bê tông xi măng, đạt tỷ lệ gần 90%.

Khẳng định hướng đi trong thời gian tới, ông Tạ Minh Nhựt, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cho biết: “Địa phương sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo giữ chuẩn và nâng cao các tiêu chí các xã đã đạt chuẩn. Xây dựng 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải của huyện trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Cùng ngày, tại huyện đảo, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức Lễ khởi công Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý. Với tổng mức đầu tư 544 tỷ đồng, công trình khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu cho hơn 1.000 tàu cá có công suất trên đến 600CV của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển ngư trường Nam Trung bộ, quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vào neo đậu, tránh, trú bão. Công trình là động lực thúc đẩy khai thác tiềm năng kinh tế biển nơi huyện đảo xa này.


NGUYỄN TIẾN

Tin cùng chuyên mục