Hy Lạp bầu, châu Âu hồi hộp

Những ngày này, người dân Hy Lạp đang phải trải qua những cảm giác đầy lo âu trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 25-1 tới. Bởi lẽ, việc quốc gia Nam Âu này có tiếp tục theo đuổi chương trình cứu trợ, ra đi hay vẫn tiếp tục ở lại với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội lần này.

Những ngày này, người dân Hy Lạp đang phải trải qua những cảm giác đầy lo âu trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 25-1 tới. Bởi lẽ, việc quốc gia Nam Âu này có tiếp tục theo đuổi chương trình cứu trợ, ra đi hay vẫn tiếp tục ở lại với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội lần này.

Mặc dù nền kinh tế Hy Lạp đã trở nên ổn định hơn trong những tháng gần đây khi GDP của Hy Lạp tăng được 0,5% sau 5 năm mất đi 25%, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn là một bài toán nan giải, với 28% dân số đang không có việc làm - một kỷ lục của châu Âu. Một cuộc khảo sát gần đây của Eurostat cho biết, mức lương tối thiểu giảm 40%, khoảng 3,9 triệu người, nhiều hơn 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ. 47% người dân cho biết thu nhập của gia đình là không đủ để đáp ứng nhu cầu của họ, trong khi 55% số người cho biết họ đã vay mượn từ gia đình hoặc bạn bè, bán hoặc cầm cố tài sản...

Chính những tác động này đã làm bùng phát làn sóng chống thắt lưng buộc bụng và có khả năng sẽ là nhân tố quyết định để đưa đảng cánh tả Syriza, với chủ trương phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, có nhiều cơ hội giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, đảng Syriza, với chủ trương “kế hoạch khắc khổ thuộc về quá khứ, tương lai bắt đầu từ đây” hiện vẫn đang dẫn đầu. Ông Alexis Tsipras, 40 tuổi, lãnh đạo đảng Syriza, tuyên bố không muốn Hy Lạp rời Eurozone, nhưng sẽ yêu cầu các chủ nợ tiến hành đàm phán lại các điều khoản cứu trợ, gia hạn trong việc trả nợ để có thể phục vụ trước tiên cho chi tiêu nhằm vực dậy nền kinh tế… Và nếu thỏa thuận này không đạt được, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone.

Diễn biến này không chỉ khiến các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp đứng ngồi không yên về khoản tiền lên tới 240 tỷ EUR đã trót cho nước này vay mà còn tạo ra thách thức lớn cho Đức - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của nhóm G7 và Thủ tướng Merkel - chiến lược gia của chính sách thắt lưng buộc bụng. Mặc dù Thủ tướng Merkel tuyên bố nên để Hy Lạp rời khỏi khu vực Eurozone nếu đảng Syriza thắng cử, nhưng theo tờ Der Spiegel, Thủ tướng Merkel vẫn tìm cách tăng áp lực lên cử tri Hy Lạp, không nên bỏ phiếu cho đảng cực tả. Nếu đảng cực tả Syriza giành thắng lợi đúng dự báo, phong trào chống thắt lưng buộc bụng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia… sẽ được tiếp thêm “cảm hứng”. Thắng lợi của đảng Syriza không những sẽ củng cố thế lực cho các đảng chống khắc khổ tại những nước trên, mà còn sẽ ảnh hưởng đến Anh khi mà xu hướng chống liên kết với EU (còn gọi là Eurosceptic) đã lớn mạnh và ngày càng gia tăng áp lực với giới chức nước này.

Những ngày sắp tới đây sẽ là những ngày không mấy dễ chịu, không chỉ với người dân Hy Lạp, mà còn với cả khu vực Eurozone. Nếu các cuộc thăm dò là chính xác, ông Tsipras sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Âu này kể từ năm 2005. Đảng Syriza sẽ trở thành “đảng chống thắt lưng buộc bụng” đầu tiên lãnh đạo đất nước kể từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Và, sân khấu chính trị châu Âu sẽ chứng kiến những cuộc khủng hoảng chính trị, đối đầu lớn về tương lai của khu vực châu Âu, như những kịch bản khó có thể tránh khỏi.

XUÂN HẠNH

Tin cùng chuyên mục