Hy Lạp có nguy cơ tăng lạm phát và suy thoái lâu dài

  • Đức và Pháp kêu gọi đẩy mạnh cải cách tài chính

(SGGPO).- Đó là cảnh báo của phái đoàn các nhà kiểm toán Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Athens (Hy Lạp) ngày 14-6. Lời cảnh báo này được đưa ra sau kiểm tra thường kỳ việc thực hiện kế hoạch khắc phục khủng khoảng kinh tế của Hy Lạp.

Chuyến thăm làm việc của các chuyên gia kiểm toán có ý nghĩa quan trọng đối với Hy Lạp. Dựa trên báo cáo của họ sau chuyến làm việc này, Liên minh châu Âu (EU) và IMF sẽ quyết định giải ngân đợt 2 với lãi suất thấp trong khuôn khổ kế hoạch cứu trợ cả gói 110 tỉ EUR mà EU và IMF đã thỏa thuận dành cho Hy Lạp trong 3 năm. Đợt giải ngân đầu tiên đã được thực hiện hồi tháng 5 vừa qua.

Cùng ngày 14-6, cơ quan đánh giá tín dụng Moody's đã hạ thang điểm đánh giá đối với Hy Lạp từ A3 xuống Ba1. Chỉ số đánh giá Ba1 là mức xếp hạng đối với tình trạng tài chính ở mức báo động và thể hiện mối lo ngại việc Hy Lạp khó có khả năng thanh toán nợ. Đánh giá này của Moody's lại góp thêm một trở ngại nữa cho việc Hy Lạp được nhận cứu trợ đợt 2 sắp tới.

Tuy nhiên trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Hy Lạp cho rằng đánh giá này đã không phản ánh những tiến bộ mà Athens đã đạt được trong mấy tháng qua trong việc kiểm soát chi tiêu, thắt chặt ngân sách và cải thiện sức cạnh tranh của quốc gia.

Trong một diễn biến khác, các nhà lãnh đạo cấp cao Đức và Pháp kêu gọi thúc đẩy các biện pháp tăng cường bình ổn các thị trường tài chính và duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ở Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết sẽ gửi thông điệp chung tới lãnh đạo các nước Nhóm G-20, kêu gọi nhanh chóng chấn chỉnh các thị trường quốc tế, trong đó có việc áp đặt quy định mới về đánh thuế đối với các giao dịch tài chính quốc tế, coi đó là một trong những biện pháp quan trọng giúp bình ổn thị trường tài chính.

Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp cho biết hai bên còn đề nghị xem xét sửa đổi một số hiệp ước nhằm tăng cường ổn định khu vực đồng EUR. Cũng tại cuộc gặp này, phía Đức còn nêu ý tưởng thành lập một cơ quan chỉ đạo kinh tế châu Âu, và cơ quan này không chỉ đóng vai trò chỉ đạo kinh tế đối với các nước khu vực đồng EUR mà là với 27 quốc gia thành viên EU.

H.CHI 

  • Thông tin liên quan:

>> Vừa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, Hy Lạp bước vào đợt đình công mới

Tin cùng chuyên mục