Ngày 14-5, Chủ tịch đảng Dân chủ cánh tả Hy Lạp (Dimar), ông Fotis Kouvelis, cho biết đảng của ông sẽ không tham gia chính phủ liên minh nếu không có đảng Syriza, một đảng cánh tả khác về nhì trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp vừa qua.
Hy vọng mong manh
Trước tuyên bố của ông Kouvelis, lãnh đạo Syriza, ông Alexis Tsipras, cho biết sẽ không tham dự cuộc đối thoại thành lập chính phủ liên minh. Tuyên bố của lãnh đạo 2 đảng cánh tả được đưa ra vài giờ trước các cuộc đối thoại về thành lập chính phủ liên minh do Tổng thống Carolos Papoulias chủ trì dự kiến diễn ra vào 23 giờ 30 (giờ Việt Nam). Ông Papoulias đã mời lãnh đạo đảng Dân chủ mới (ND), đảng Pasok theo đường lối xã hội, Syriza và một số đảng nhỏ khác đàm phán để phá vỡ bế tắc trong việc thành lập chính phủ liên minh.
Ông Kouvelis nhận định việc thành lập chính phủ liên minh tại thời điểm hiện nay rất mong manh. Nếu như các đảng phái của Hy Lạp không thể thống nhất việc thành lập chính phủ liên minh từ nay đến ngày 17-5, thời điểm Quốc hội Hy Lạp họp phiên đầu tiên, nước này sẽ bắt buộc phải tổ chức tổng tuyển cử vào giữa tháng 6. Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi Hy Lạp có nguy cơ rơi vào khủng hoảng chính trị, bị phá sản, thậm chí bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro (eurozone).
Muốn sự đổi mới
Cả Syriza và Dimar đều phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Athens để đổi lấy gói cứu trợ của các chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Đó chính là lý do giúp Syriza hiện nhận được sự ủng hộ từ nhiều cử tri Hy Lạp. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ngày 12 và 13-5 vừa qua cho thấy nếu như tổng tuyển cử sớm trước thời hạn diễn ra, đảng Syriza sẽ giành thắng lợi với 20%-25% số phiếu bầu. Cử tri Hy Lạp thật sự đã quá ngán ngẩm với chính sách khắc khổ của chính quyền Athens đang thực thi.
Trong 2 năm áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, nền kinh tế Hy Lạp chẳng những không tăng trưởng mà thụt lùi hơn. Năm 2012, quy mô nền kinh tế Hy Lạp nhiều khả năng tiếp tục bị thu hẹp thêm 6%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 tăng lên mức 21,7%, một con số đáng báo động.
Trong thời gian qua, một số quan chức châu Âu đã tuyên bố Hy Lạp nếu không xử lý được núi nợ công sẽ buộc phải rời khỏi eurozone và EU đủ sức chống đỡ với tình huống này. Rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây chỉ là những lời hù dọa để Hy Lạp chú tâm xử lý nợ, cắt giảm chi tiêu theo đúng yêu cầu của các chủ nợ. Tuy nhiên, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao của EU giấu tên cho hay 2 năm trước, nếu Hy Lạp rời EU, đó có thể là cơn địa chấn trên diện rộng như vụ sụp đổ Lehman Brothers. Tuy nhiên, EU hiện nay đã chuẩn bị tốt hơn rất nhiều. Với quỹ cứu trợ trị giá 500 tỷ EUR cùng cam kết chống lưng của các tổ chức tài chính quốc tế lớn như IMF và các công cụ mua trái phiếu chính phủ, rót tiền vào các ngân hàng khu vực eurozone, sự rút lui của Hy Lạp sẽ không ảnh hưởng lớn. Hơn thế, cũng theo vị quan chức này, Tây Ban Nha và Italia đã có những chuyển động đáng kể để đưa nền kinh tế mỗi nước trở lại trật tự, cho phép các nước này đủ sức đề kháng nếu Hy Lạp ra đi.
Trên thực tế, đến 80% số người dân Hy Lạp được hỏi đều cho biết họ không muốn Athens tách khỏi EU. Michael Arghyrou, giảng viên kinh tế cao cấp của Trường Kinh tế Cardiff (Anh) cho rằng nếu Hy Lạp quay trở lại với đồng drachma, đồng tiền của họ sẽ bị mất giá ít nhất 50% và lạm phát cao là điều không thể tránh khỏi. Các loại hàng hóa như dầu lửa, dược phẩm, thậm chí cả lương thực sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Ở lại eurozone mà không phải thắt lưng buộc bụng thật sự là bài toán nan giải đối với Hy Lạp.
Đỗ Văn (tổng hợp)