Một đảng viên trẻ tham dự vài cuộc họp chi bộ, bộc bạch: “Trước đây, khi còn là quần chúng, mỗi lần vô tình đi qua nơi họp chi bộ, tôi phải đi nhẹ, nói khẽ và không dám… thở mạnh để không làm ảnh hưởng đến các đảng viên đang họp bàn chuyện đại sự của Đảng. Thế nhưng, từ khi trở thành đảng viên, được tham gia các buổi họp chi bộ, tôi không khỏi… thất vọng, vì nội dung các cuộc họp chi bộ thường rất qua loa, hình thức và bàn toàn những chuyện khổ lắm, biết rồi, nói mãi…”.
Tại các cuộc họp chi bộ cơ quan, nơi được xem là có khá nhiều vấn đề nóng cần phải bàn bạc, mổ xẻ… nhưng thực tế có rất ít đảng viên dám lên tiếng, vì ai cũng ngại đụng chạm, sợ bị chụp mũ là gây mất đoàn kết nội bộ! Cũng có không ít đảng viên lo bị trù dập hoặc chỉ lo giữ “ghế” nên kiên quyết chọn thái độ “im lặng là vàng”. Vì thế, chất lượng nhiều cuộc họp chi bộ còn thấp, không khí tẻ nhạt, nội dung thiếu ý nghĩa, khiến không ít đảng viên tâm huyết nản lòng, còn đảng viên trẻ thì giảm sút niềm tin.
Chất lượng cuộc họp chi bộ ở tổ dân phố còn đáng nói hơn. Có đảng viên nói: “Không muốn góp ý nữa, vì có nói cũng không biết có ai nghe và có ai giải quyết!?”. Tại nhiều chi bộ cơ sở, có tới 100% là đảng viên hưu trí, mời được các cụ đi họp đã khó vì sức khỏe có hạn, nhưng mời các cụ phát biểu còn khó hơn.
Một số đảng viên cùng chung tâm sự: “Nhiệm vụ chính của đảng viên tại địa bàn dân cư là góp phần cùng chính quyền địa phương giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh đường phố, tham gia các công tác xã hội… Thế nhưng, cuộc họp nào đảng viên hưu trí cũng lên tiếng về nạn hút chích, trộm cắp, đường phố bị lấn chiếm, rác rến bừa bãi, tiếng ồn, vậy mà mấy năm trôi qua, chẳng thấy có sự chuyển biến tích cực nào. Nói riết thấy chán, nhiều người… im luôn rồi xin được miễn sinh hoạt Đảng…”.
Do chất lượng họp chi bộ không mang lại lợi ích thiết thực cho đảng viên nên nhiều người sau khi nghỉ hưu đã không chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương mà đem hồ sơ về nhà cất vào tủ.
Theo quy định, nội dung các cuộc họp chi bộ gồm: Phổ biến tình hình chung, lắng nghe dư luận, ý kiến đóng góp của đảng viên, bàn chuyên đề, ra nghị quyết… Có như thế, tư tưởng đảng viên mới được đả thông, hành động mới chính xác, bộ máy tổ chức Đảng mới vững mạnh. Tiếc thay, nhiều cuộc họp chi bộ ở nơi này, nơi kia còn mang tính hình thức khiến thắc mắc trong tư tưởng đảng viên không được giải tỏa, dẫn đến bi quan, tiêu cực. Đáng nói, gần đây, tại nhiều cuộc họp chi bộ, tinh thần phê bình và tự phê bình của đảng viên có chiều hướng đi xuống, thậm chí có tư tưởng ngại đấu tranh vì sợ sẽ không biết… “tránh đâu”. Đa số đảng viên còn có thái độ cả nể, ngại đụng chạm. Chính vì thế mà tổ chức Đảng ở cơ sở không mạnh.
Cả nước hiện có trên 3 triệu đảng viên, trong đó 2/3 là đảng viên hưu trí, số còn lại là đảng viên đương chức. Nếu không phát huy được sức mạnh từ chi bộ cơ sở, tổ chức Đảng sẽ không tránh khỏi yếu kém. Vì vậy muốn tổ chức Đảng vững mạnh, cần nâng chất lượng họp chi bộ cơ sở, qua đó Chi ủy sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của từng đảng viên, từ đó kiến nghị lên tổ chức Đảng cấp trên có biện pháp giải quyết kịp thời. Khi chất lượng cuộc họp chi bộ thật sự có ý nghĩa, hiệu quả và đạt chất lượng cao, vai trò từng đảng viên mới được phát huy tích cực, tổ chức Đảng mới vững mạnh.
Minh Ngọc