IMF – Công và tội. Bài 1: Những bài học xương máu

Dù không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đặc biệt là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, nhưng nhiều năm qua có ý kiến cho rằng, IMF cũng góp phần đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực phá sản và chưa thật sự dự báo được các cuộc khủng hoảng tài chính để có “liều thuốc” đúng cho các “bệnh nhân”.
IMF – Công và tội. Bài 1: Những bài học xương máu

Dù không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đặc biệt là sau các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, nhưng nhiều năm qua có ý kiến cho rằng, IMF cũng góp phần đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực phá sản và chưa thật sự dự báo được các cuộc khủng hoảng tài chính để có “liều thuốc” đúng cho các “bệnh nhân”.

  • Từ khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh

Cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ Latinh xảy ra đầu những năm 1980 (một số nước bắt đầu từ những năm 1970), với cái tên “thập kỷ mất mát”. Thời điểm đó, các nước gặp khủng hoảng do nợ nước ngoài vượt GDP và họ không còn khả năng trả nợ. Những nước như Brazil, Argentina, Mexico đã vay mượn rất nhiều tiền từ các tổ chức tín dụng và các tập đoàn công nghiệp quốc tế để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi nền kinh tế các nước này đang tăng trưởng, các chủ nợ rất vui vẻ cấp vốn. Thế nhưng từ năm 1975 đến 1982, khoản nợ của Mỹ Latinh với các ngân hàng thương mại tăng lên theo mức lãi suất 20,4%/năm. Như vậy, khoản nợ của họ từ mức 75 tỷ USD vào năm 1975 đã tăng gấp bốn lần, lên mức 315 tỷ USD vào năm 1983, tương đương 50% GDP khu vực này. Cùng lúc đó, Mỹ và EU tăng lãi suất ngân hàng, càng khiến khoản nợ của Mỹ Latinh thêm chồng chất.

Vào tháng 8-1982, Bộ trưởng Tài chính Mexico Jesus Silva-Herzog tuyên bố, Mexico không còn khả năng trả khoản nợ nước ngoài 85 tỷ USD và yêu cầu đàm phán lại thời hạn trả nợ với các chủ nợ. Hậu quả, hầu hết các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể hoặc ngừng hẳn các khoản cho vay mới với cả khu vực Mỹ Latinh. Hàng tỷ USD trước đó được hứa hẹn cho vay đều đình hoãn. Những khoản vay mới lúc này đều kèm theo nhiều điều kiện ngặt nghèo và các con nợ buộc phải chấp thuận sự can thiệp của IMF. Trong thời kỳ này, các quan chức IMF liên tục có các chuyến đi con thoi từ nước này sang nước khác ở Mỹ Latinh để đưa ra các chương trình “thắt lưng buộc bụng” tạo cơ hội để các nước khủng hoảng có thể trả nợ.

Chính vì vậy, tỷ lệ tăng trưởng và mức sống của các nước trong khu vực sụt giảm đáng kể, dẫn đến sự phản đối gay gắt IMF và các chính sách của tổ chức này. Chính điều này đã dẫn đến nhiều thay đổi về chính trị. Bộ trưởng Tài chính Mexico Herzog phải ra đi khi ông bị cáo buộc quá “vâng lời IMF” mà không tính đến sự bất ổn trong nước. Sau đó đến lượt chính phủ của Tổng thống Peru Alan Garcia phải từ chức. Chính phủ mới sau đó bác bỏ “công thức” do IMF đưa ra và tự cho phép mình khất nợ với IMF. Năm 1983, khoản nợ nước ngoài của Brazil lên mức 111 tỷ USD và nước này buộc phải nhờ cậy đến IMF sau khi các ngân hàng thương mại từ Tây Âu và Mỹ đều từ chối không cho Brazil vay tiếp.

Sau các cuộc đàm phán, IMF chấp nhận trợ giúp tài chính cho Brazil, đổi lại nước này phải thực hiện các chính sách khắc khổ do IMF đề ra như phá giá đồng tiền cruzeiro, cắt giảm mạnh chi tiêu quốc nội, phong tỏa mọi khoản lương, giảm hầu hết các chương trình trợ cấp của chính phủ. Hậu quả, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Brazil giảm 4%, lạm phát tăng lên 211%, thất nghiệp tăng 12%, GDP từ mức 296 tỷ USD năm 1982 còn 226 tỷ USD năm 1985. Đã xảy ra hàng loạt vụ nổi dậy cướp bóc lương thực thực phẩm do người nghèo và người thất nghiệp thực hiện. Các quan chức Brazil vào đầu năm 1987 khi đàm phán về nợ với IMF tuyên bố họ sẽ “không ký kết các thỏa thuận với IMF”.

  • Đến khủng hoảng tài chính châu Á

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 bắt đầu từ Thái Lan với sự mất giá của đồng baht theo sau quyết định thả nổi đồng tiền của chính phủ nước này. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài quá lớn cũng góp phần làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng, dẫn tới cuộc khủng hoảng ở nhiều nước Đông Á khác, trong đó có Nhật Bản với hậu quả là thị trường chứng khoán cũng như giá trị tài sản rớt giá. Dòng vốn USD ồ ạt rút ra.

Trong thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng, nợ nước ngoài của 4 nền kinh tế lớn nhất Đông Á có lúc lên đến 180% GDP. IMF vào cuộc với 40 tỷ USD giúp ổn định tiền tệ của Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, những nước khủng hoảng nặng nhất. Thế nhưng, những biện pháp khắc khổ kèm theo đã dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Indonesia Suharto sau 30 năm cầm quyền vào ngày 21-5-1998. Đó là kết quả của nhiều cuộc biểu tình phản đối giá cả tăng vọt sau khi Chính phủ Jakarta phá giá đồng rupiah theo yêu cầu của IMF. Những chương trình cho vay của IMF với các con nợ đều đòi hỏi một sự điều chỉnh “trọn gói (SAP)”, trong đó đầu tiên là cắt giảm chi tiêu của nhà nước để giảm thâm hụt ngân sách, cho phép nhiều ngân hàng phá sản, nâng cao lãi suất.

Tổng thống Indonesia Suharto ký vào các điều kiện chấp nhận khoản vay của IMF trước sự chứng kiến của Tổng giám đốc IMF Michel Camdessus năm 1998, để rồi sau đó ông phải ra đi vì những bất ổn kinh tế xã hội gây ra bởi các điều kiện cho vay khắc nghiệt của IMF.

Tổng thống Indonesia Suharto ký vào các điều kiện chấp nhận khoản vay của IMF trước sự chứng kiến của Tổng giám đốc IMF Michel Camdessus năm 1998, để rồi sau đó ông phải ra đi vì những bất ổn kinh tế xã hội gây ra bởi các điều kiện cho vay khắc nghiệt của IMF.

Trong giai đoạn này IMF bị chỉ trích dữ dội do áp dụng những “bài thuốc” cứng nhắc từ Nam Mỹ. Sau khi từng nước châu Á rơi vào khủng hoảng, rất nhiều nhà đầu tư địa phương và cả chính phủ nước ngoài ồ ạt rút vốn bằng USD. Hàng loạt các chính phủ sụp đổ, đồng tiền mất giá thảm hại và bất ổn xã hội gia tăng. Đó là những vấn đề mà IMF không thể lường trước. Nhiều nhà kinh tế cho rằng trong bối cảnh suy thoái cần hạ lãi suất để thúc đẩy sản xuất, tăng chi tiêu chính phủ để kích thích tiêu dùng, cắt giảm thuế. Trong khi đó IMF làm ngược lại.

  • Không dự báo được khủng hoảng

Công bằng mà nói, những “phương thuốc đắng” của IMF quả thực có gây ra nhiều bất ổn về chính trị lẫn xã hội nhưng nhìn chung, về lâu dài có thể giúp các nước rơi vào khủng hoảng dần dần thoát khỏi tình trạng nợ nần, cho dù cái giá phải trả có khi quá đắt. Vì thế bản thân IMF đã rút ra được nhiều bài học lớn. Trong một bài đăng trên tạp chí IMF Survey hồi tháng 3-2011, IMF cho rằng trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, giờ đây, IMF đã có một cái nhìn mới về cách đánh giá rủi ro và triển vọng cho các nền kinh tế trên thế giới. Bài báo viết: “Trong suốt 3 năm qua, IMF đã trợ giúp 187 nước thành viên trong việc đánh giá hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. IMF cũng rút ra được những lỗ hổng trong công tác giám sát kinh tế tài chính toàn cầu”.

Để mô tả những phẫn nộ của người dân tại khu vực Mỹ Latinh với IMF, một bức tranh biếm họa trên tờ nhật báo Mexico đã nói lên tất cả.
Trong bức tranh này, một người dân lao động nước này đang bị treo cổ trong lúc một người đàn ông lịch lãm xách vali đang móc túi của người bị treo cổ để lấy đi những đồng tiền cuối cùng của ông ta. Trên vali ghi dòng chữ “IMF”.

Từ những đánh giá trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, IMF đã có một số bước nhằm nâng cao khả năng giám sát, trong đó nhấn mạnh đến các dấu hiệu cảnh báo sớm khả năng tổn thương của các nền kinh tế. Đặc biệt, IMF giám sát chặt chẽ những tác động có thể có của các chính sách từ các nền kinh tế lớn của thế giới với các nền kinh tế còn lại và những bước đi cần thiết một khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Hiệu ứng lan tỏa này hiện nay đang được IMF quan sát kỹ tại 4 nền kinh tế lớn: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh và khu vực đồng EUR. Theo IMF, mỗi 3 năm, họ sẽ xem xét lại hiệu quả của công tác giám sát kinh tế toàn cầu.

IMF cũng đang hình thành một cơ chế kiểm soát các dòng vốn, tránh những biến động lớn như rút ồ ạt hay đầu tư ồ ạt vào một nước làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nước đó, nhất là các nước đang phát triển.  IMF cho rằng các nước có quyền kiểm soát dòng vốn vào nước mình một khi dự trữ ngoại tệ đủ, đồng tiền không bị mất giá cũng như khi các chính sách tiền tệ và tài chính không còn tác dụng kiểm soát dòng vốn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, Thái Lan, Brazil và một số nước đang chứng kiến dòng tiền nóng ồ ạt đổ vào, gây nguy cơ khủng hoảng khác như bong bóng bất động sản và lạm phát. Một số biện pháp kiểm soát dòng vốn của một nước là kiểm soát việc mua vào và bán ra đồng tiền nội tệ, khống chế mức trần việc mua hay bán các tài sản, tăng hoặc giảm thuế lên các hợp đồng mua bán bất động sản…

KHÁNH MINH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục