Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đã có ít nhất 7.300 tử vong trong số hơn 19.000 ca nhiễm virus Ebola và chủ yếu tập trung tại 3 quốc gia Tây Phi là Sierra Leone, Liberia và Guinea.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học của Đại học Cambridge và Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London công bố ngày 22-12, chính sách của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã góp phần làm dịch bệnh tại 3 quốc gia Tây Phi lây lan trên diện rộng.
Theo đó, hệ thống y tế của Sierra Leone, Liberia và Guinea đã bị suy yếu khi IMF yêu cầu chính phủ các nước này cắt giảm chi tiêu, áp đặt giới hạn về tiền lương ở khu vực công và áp dụng một chính sách phân cấp hệ thống y tế. Những yêu cầu này đi kèm với các khoản vay IMF cung cấp cho 3 quốc gia trên, áp dụng từ 1990 đến 2014. Việc áp đặt giới hạn về tiền lương đã dẫn đến việc 3 quốc gia trên không có khả năng để thuê y tá, bác sĩ, trong khi đó việc phân cấp đã gây khó khăn trong việc huy động nguồn nhân lực để phản ứng nhanh với dịch bệnh.
Nhà xã hội học Alexander Kentikelenis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, khẳng định kinh phí không có khiến hệ thống y tế của 3 nước Tây Phi trở nên yếu kém và chính sách của IMF đã góp phần tạo ra sự yếu kém này. IMF thường xuyên phải đối mặt với chỉ trích từ các quốc gia đang phát triển khi yêu cầu các quốc gia này phải chấp nhận các điều khoản khắt khe khi nhận các khoản vay và hỗ trợ tài chính.
Trên thực tế, không cần phải đến khi nghiên cứu trên được công bố, dư luận mới biết vấn đề hệ thống y tế làm xói mòn những nỗ lực chống Ebola. Không ít các tổ chức phi chính phủ trên thế giới đã từng cảnh báo về hệ thống y tế yếu kém của 3 quốc gia Tây Phi khiến dịch bệnh Ebola càng trở nên tồi tệ. Dan Nelson, chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Khoa học quản lý về y tế, cho biết, các nước này không có đủ nhân viên có trình độ. Đồng lương ít ỏi khiến nhiều nhân viên y tế bỏ các quốc gia này để tìm kiếm việc làm tốt hơn với thu nhập cao hơn ở các quốc gia phát triển. T
rong khi đó, việc thiếu kinh phí dẫn đến cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế ở các quốc gia Tây Phi hết sức nghèo nàn: thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư, thiếu các thuốc men cần thiết. “Bạn có thể thấy nhân viên của WHO, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đến vùng dịch với những bộ đồ bảo hộ kín mít. Nhưng ở Tây Phi, các nhân viên y tế không được trang bị vật dụng cần thiết này và hậu quả là bản thân họ cũng bị nhiễm Ebola”, ông Dan Nelson nói.
Phía IMF đã phản pháo nghiên cứu trên, gọi đây là báo cáo “hoàn toàn sai sự thật”. Theo một người phát ngôn của IMF, từ năm 2009 đến nay, tổ chức này cho các quốc gia thu nhập thấp vay với lãi suất 0%, qua đó tạo điều kiện cho nước này vay để chi tiêu cho giáo dục và y tế. Tháng trước, IMF còn thông báo về một quỹ bổ sung trị giá hơn 30 triệu USD cho 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone chống dịch Ebola.
Những tranh cãi này có thể chẳng có hồi kết nhưng việc hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các nước nghèo yếu kém là một thực tế không thể chối bỏ. Hơn lúc nào hết, những quốc gia như Guinea, Liberia và Sierra Leone đang rất cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế để đẩy lùi dịch Ebola và xa hơn là cải thiện hệ thống y tế nhiều bất cập.
Minh Châu