
Các nhà khoa học Indonesia hiện đang thực hiện việc chế ngự lũ bùn trào ra từ miệng núi lửa bằng cách thả hàng trăm quả bóng bê tông to vào lòng miệng núi lửa. Công việc vẫn đang được tiếp tục. Liệu giải pháp này có thành công?
- Trận lũ bùn 10 tháng chưa ngưng

Thảm họa lũ bùn ở Indonesia.
Bùn bắt đầu trào từ mặt đất gần 10 tháng trước đây (29-5) tại Sidoarjo, nay được gọi là Lusi, khi một một mũi khoan thăm dò khí tự nhiên đâm vào tầng nước được điều áp vào khoảng 3.000m dưới mặt đất. Mũi khoan thăm dò này là của công ty dầu khí Lapindo Brantas. Tuy nhiên, công ty này nói họ không có lỗi và đổ cho nguyên nhân là trận động đất lớn hai ngày trước đó.
Theo Davies, một nhà địa chất ở Đại học Durham (Anh) đồng thời là chuyên gia về bùn núi lửa, thì mạch bùn như thế này là bất thường. Thông thường hầu hết các dòng lũ bùn hoạt động thời gian ngắn và vừa phải, nhiều trường hợp diễn ra bên dưới đại dương, chỉ một số ít đe doạ vùng dân cư.
Có hàng trăm vụ bùn núi lửa ở Azerbaizan, một số ở Trinidad và một số ở ngoài khơi Nigeria. Một vài vụ nhỏ ở châu thổ Mississippi. Bùn núi lửa xuất hiện trong quá trình tái vận động chất cặn lắng từ 1 hoặc 2 km dưới lòng đất.
Hầu hết chúng trào dâng tự nhiên khi dòng bùn bị tạo áp lực, nhưng chúng cũng có thể do tác động của con người khi khoan nhằm tầng ngậm nước sâu dưới lòng đất. Mặc dù một số nhà khoa học Indonesia phát biểu ủng hộ tuyên bố trên của công ty Lapindo Brantas, nhưng Davies nói ông nghi ngờ động đất là nguyên nhân của lũ bùn.
Tranh cãi nhiều, nguyên nhân từ đâu còn chưa rõ, nhưng hậu quả thấy trước mắt là kể từ đó, khoảng 30 triệu m³ bùn đã chảy tràn ra một vùng rộng 5 km², chôn vùi 12 làng và 20 nhà máy, phủ kín các con đường và các đồng lúa, buộc 15.000 người phải sơ tán. Cho đến nay bùn vẫn chảy, với hơn 100.000m³/ngày và không ai có thể nói khi nào thì lũ này ngừng chảy.
Sau 2 tháng bùn liên tục chảy như thế các nhà khoa học Indonesia nhận ra rằng lũ bùn không ngừng chảy, phải tìm cách ngăn chặn lại.
- Giải pháp ngăn lũ bùn nội địa lần đầu tiên trên thế giới

Thả bóng bê tông vào miệng núi lửa để ngăn dòng lũ bùn.
Mấy tuần nay, áp dụng một sáng kiến của Trường Đại học kỹ thuật Bangdun, từ một hệ thống cần cẩu kết hợp với ròng rọc, các công nhân đã nâng và thả các quả bóng bê tông vào một miệng phun hơi nóng mà các nhà khoa học gọi là “cái hố lớn”. Các chuyên gia về bùn núi lửa thật sự bị làm cho sửng sốt. Không có ai trong số họ từng ngăn chặn dòng lũ bùn chảy ngầm dưới mặt đất, ít nhất là với “giải pháp nội địa” như thế này.
Satria Bijaksana, một trong các nhà điạ chất tại Trường Đại học Bangdung, người đã nghĩ ra kế hoạch chặn bùn này, đứng trên bờ mép đống bùn xám giám sát việc thả bóng. Ông nói ông không là nhà khoa học điên khùng đưa ra những ý tưởng hoang dại. Đây không phải là trò đùa. Bijaksana lấy bằng tiến sĩ về đá từ tính từ Đại học Newfoundland. Sau 2 tháng lũ bùn gây thảm hoạ lớn, ông và nhiều nhà khoa học của đất nước chịu nhiều thiên tai này bắt đầu cố gắng tìm cách ngăn lại.
Đưa ra ý tưởng tống vào dòng mạch bùn những quả bóng xâu chuỗi 4 cái với nhau, một nửa nặng 80kg và một nửa 18 kg, Bijaksana cho rằng khối lượng và sự ma sát của chúng ở đáy hố sẽ làm chậm dòng chảy. Lúc này mức độ lượng bùn rỉ ra giảm và họ có thể xoay xở xử lý được.
Hình dáng tròn của bóng sẽ cho phép bùn có chỗ len qua, tránh áp lực làm dòng bùn tức nước tung lên mặt đất. Chính vì thế các nhà khoa học muốn làm cho bùn chảy chậm dần dần, có thể 1, 2 hoặc 3 tháng, nhưng không muốn chặn đứng nó.
Richard Davies, một nhà địa chất ở Đại học Durham, đồng thời là một chuyên gia về bùn núi lửa, còn tỏ ra hoài nghi. Theo ông không thể chặn được lũ bùn bằng bóng. Kế hoạch này chỉ có thể nếu bên dưới miệng núi lửa đã định hình hầu như hoàn toàn giống như một đồng hồ cát, cho phép chất đống các quả bóng trong một không gian hẹp.
Chuyện đo độ sâu mạch bùn núi lửa cũng không dễ. Thế nên đơn giản là những quả bóng sẽ biến mất, bị nuốt chửng bởi “hệ tiêu hóa” bùn nóng. Nhưng ông gạt bỏ lưu ý rằng một số bóng có thể bắn lên như đạn súng thần công. Đầu năm nay đã đến tận nơi xem, Davies nói có cái gì đó như “David và gã khổng lồ Goliath”. Bạn ném những quả bóng này vào hố sâu 700m và bên trên rộng 50m.
Dẫu có những nghi ngờ, mấy ngày nay, các quan chức Indonesia được báo dòng chảy đã giảm sau khi lèn gần 400 quả bóng. Nhưng núi lửa hoạt động thất thường từ khi bắt đầu, và theo Bijaksana thì còn quá sớm để biết liệu hệ thống của ông có vận hành hiệu quả.
Chuyện ngăn dòng bùn núi lửa bằng bóng bê tông thật sự chưa có tiền lệ, Bijaksana nói ông và các đồng nghiệp đang phát triển lý thuyết và phương pháp của chính họ cũng như dụng cụ của chính họ để đối phó với lũ bùn. Ông nói: Nếu nó không vận hành hiệu quả, tôi sẽ lo lắng về những gì các nhà khoa học này đã nói đến. Người dân có thể tranh cãi, tranh cãi và tranh cãi. Nhưng đấy là sự thật. Chúng tôi quyết định làm điều gì đó.
DUY PHƯỚC (Theo IHT, Wikipedia)
- Một vụ khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Brunei năm 1979 đã gây nên trận lũ bùn núi lửa lấy đi 20 giếng dầu nổi và gần 30 năm để ngăn chặn sự phun trào. - Bùn núi lửa hầu như ít xảy ra ở châu Âu nhưng cũng có hàng chục vụ ở bán đảo Kerch đông nam Ukraine. Ở Italia bùn núi lửa xuất hiện ở bắc Apennine và Sicile. Một số qui mô vừa ở Romania, ở bờ Biển Đen và biển Caspi. - Tại châu Á, bùn núi lửa từng xuất hiện ở Trung Quốc, Myanmar, lãnh thổ Đài Loan. - Nơi có bùn núi lửa nhiều nhất là Azerbaizan. 300 trong số 700 sự cố bùn núi lửa ở tây Azerbaijan và biển Caspi. Nhiều nhà địa chất và khách du lịch đã đến những nơi như Gobustan, Salyan và cuối cùng vui vẻ bôi bùn khắp người vì cho nó có khoáng chất chữa bệnh. |