Cứu người trên đất khách
Lực lượng Interpol ở các nước thuộc Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế - gọi tắt ICPO - Interpol (International Criminal Police Organization - Interpol) luôn tiếp cận với những thông tin mới nhất về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo kinh tế, hành tung của tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, của những “bố già” với hàng ngàn chân rết và phương thức rửa tiền, các “hợp đồng” thanh toán người, các đối tượng khủng bố. Interpol Việt Nam (VN) cũng thế. Với những thông tin từ ICPO - Interpol, VPI đã “vẽ” ra đường đi của bọn tội phạm và “dẫn đường” để các đơn vị nghiệp vụ của Công an VN truy bắt tội phạm bằng những con đường nhanh nhất. Công cụ đấu tranh với các loại tội phạm của VPI 20 năm qua, không là súng đạn mà chỉ bằng máy vi tính, trí thông minh, sự am hiểu luật pháp các nước cùng những thông báo nhiều màu sắc được gửi từ ICPO - Interpol, như: thông báo đỏ (thường gọi truy nã đỏ) yêu cầu truy bắt các đối tượng phạm tội nguy hiểm nhằm mục đích dẫn độ; thông báo vàng: truy tìm người mất tích ở bên ngoài Tổ quốc; thông báo xanh nhằm cảnh báo về các đối tượng tội phạm xuyên quốc gia thâm nhập vào VN hoặc đối tượng từ VN trốn ra nước ngoài…
20 năm, VPI đã tiếp nhận và xử lý 30.863 vụ việc vi phạm về kinh tế với 33.834 đối tượng (trong đó 415 đối tượng cầm đầu là người nước ngoài); xử lý 12.714 lượt thông tin liên quan tội phạm hình sự xuyên quốc gia; xử lý 2.990 lượt thông tin về tội phạm ma túy; phối hợp các lực lượng khác bắt giữ và trao trả 200 đối tượng truy nã cho cảnh sát các nước và phối hợp cảnh sát các nước dẫn độ về VN gần 50 đối tượng truy nã toàn cầu.
Chuyện cứu người từ “đất chết” về nước của VPI suốt 20 năm qua không ít nhưng đến nay, chuyện giải cứu 3 cô gái VN trở về từ một ổ mại dâm trên đất Nga năm 2009 vẫn khiến nhiều người xúc động. Một bà cụ ở quê kể với cán bộ VPI chuyện con gái bà bị lừa đi Nga mất tích nửa năm nay, mới liên lạc lại được. Số điện thoại di động của đại tá Hỗ, khi ấy Chánh VP Interpol VN được đọc cho bà. Ba ngày sau, đại tá Hỗ nhận tin nhắn duy nhất với mã vùng của nước Nga. Cuộc giải cứu người của VPI bắt đầu. Cảnh sát Nga tiến hành truy tìm địa điểm nhưng mù tịt vì số điện thoại kia đã khóa. Cuối cùng, động mại dâm dưới hầm một xưởng may ở khu Rưbak - Mátxcơva được phát hiện. Hàng chục cô gái nhiều quốc tịch được giải cứu, trong đó có 3 cô gái VN. Từ lời khai của các cô gái, Interpol Nga đã thông tin cho VPI biết - tên Thuấn “tóc dài” trùm đường dây buôn người, kẻ có lệnh truy nã toàn cầu đang ở VN. Tên Nguyễn Văn Thuấn, còn gọi Thuấn “tóc dài”, bị cảnh sát hình sự bắt tại khu Đội Cấn theo hướng dẫn của VPI, khi y đang chuẩn bị mang 5 cô gái mới lừa được ở VN bán sang Nga.
Giặt váy ra heroin
Từ năm 2006 đến tháng 6-2011, VPI phối hợp các cục cảnh sát nghiệp vụ bắt giữ 397 vụ, 820 đối tượng phạm tội ma túy có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, các cuộc vận chuyển ma túy sang Trung Quốc hầu hết do các đối tượng người gốc Phi thực hiện. Năm 2005, nhiều người gốc Phi vào TPHCM bằng visa du lịch. Hết hạn visa, chúng “đánh vòng” sang Campuchia, Trung Quốc rồi quay về lại VN với hạn visa mới. Để có thể sống lâu dài tại TPHCM, chúng dùng “chiêu” cặp bồ và lấy vợ người Việt.
Sau 3 năm bán quần áo cũ kiếm sống ở TPHCM, Chime Chidike Ben (người Nigeria) đã “đánh vòng” hạn visa nhiều lần qua Trung Quốc, Campuchia. Trong những chuyến đi, Ben quen với nhóm người gốc Phi chuyên vận chuyển ma túy. Y đổi nghề. Ben lấy Hồ Hạnh San làm vợ và thuê nhà ở phường 5, quận Phú Nhuận, TPHCM làm điểm trung chuyển ma túy. Qua nhóm bạn người Nigeria, Ben quen Chika, cũng người Nigeria, một đối tượng buôn bán ma túy sống ở Ấn Độ. Tháng 6-2009, Ben thuê Tersita Guiyab Nepomucéno, quốc tịch Philippines (đang sống bụi đời) cùng nhóm người Nigeria đi Ấn Độ vận chuyển về Hà Nội 11 chiếc váy có chứa chất ma túy do Chika cung cấp. Sau đó, Ben thuê Nguyễn Thị Hạnh, bạn San từ TPHCM ra Hà Nội nhận và vận chuyển sang Nam Ninh - Trung Quốc giao cho Okey (người Nigeria) đang sống tại Trung Quốc số váy trên, tiền công vận chuyển là 1.000 USD. Nhưng sau đó, Interpol Trung Quốc đã đón Hạnh cùng 11 cái váy chứa hơn 400gr heroin ấy tại nhà tên Okey.
Ngay sau đó, VPI đã thông tin cho Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy đến khách sạn Phú Gia bắt khẩn cấp Ozogu John và Ben Blessed (đều là người Nigeria) khi chúng đang chờ nhận ma túy. Từ lời khai của Ben, CA TPHCM khám xét nhà số 98/1A Thống Nhất, quận Gò Vấp. Biết đã lộ, Bùi Thị Hồng Hạnh là bạn gái của Ben Blessed tự nguyện nộp 68 chiếc cúc áo của Ben Blessed gửi. Qua trưng cầu giám định có 149,1gr caphein tinh chất trong 68 cái cúc áo kia.
Một công ty ở Hồng Công (Trung Quốc) gửi vào kho của Công ty TNHH Vũ Hải, khu công nghiệp Hải Hòa thị xã Móng Cái, Quảng Ninh 2 container hàng. Theo vận đơn thì đó là quần áo và khăn lông các loại. Công ty trên nhờ Lu Ming Cheng và Wang Hui Lan, một phụ nữ chuyên vận chuyển ma túy sống ở Quảng Châu, Trung Quốc nhưng vào ra VN như cơm bữa, tìm cách lấy hàng.
Sau nhiều lần Giám đốc Công ty Vũ Hải không cho nhận hàng vì Lan không xuất trình được vận đơn bản chính. Tháng 5-2008, Lan cùng Lu Ming Cheng, Chan Kwok Kwong, Ngan Chiu Kuen và Ieong Chi Kai đến Quảng Ninh nộp 50.000 USD thế chân để nhận 2 container trên. Khi bọn Lan, Cheng vừa ký nhận xong lô hàng trên thì lực lượng Công an VN phối hợp Hải quan tỉnh Quảng Ninh khám xét 2 container trên và đã phát hiện, thu giữ tang vật gồm: 8 tấn nhựa cần sa cô đặc, 19.758 quần jean nhái hàng hiệu, 12 điện thoại di động và một số giấy tờ có liên quan. Tại cơ quan điều tra, Cheng và Lan khai trước đó từng vận chuyển thuê một lô hàng gồm thảm len và khăn tắm cũng tẩm hơn 300 kg nhựa cần sa từ VN sang Trung Quốc với giá 50 vạn đôla Hồng Công.
Chống rửa tiền
Nền kinh tế VN đang trên đà hội nhập, được đánh giá là có “tính chất mở”, điều này cũng khiến các luồng tiền ra vào VN thuận lợi hơn. Trong 10 năm qua, VPI đã xác minh, phát hiện trên 200 tổ chức là các công ty, ngân hàng, quỹ tín dụng nước ngoài có hoạt động rửa tiền, buôn lậu, lừa đảo, qua đó giúp hàng ngàn doanh nghiệp VN bảo toàn nguồn vốn.
Tại buổi ký kết thỏa thuận tài trợ giữa Canada và cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc diễn ra tại VN, Thượng tướng Lê Thế Tiệm cho biết: Tội phạm rửa tiền đã xuất hiện ở VN và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Bước đầu Cơ quan Công an VN đã điều tra một số vụ việc rửa tiền thông qua việc đầu tư các loại dự án... Để ngăn chặn loại tội phạm này, Chính phủ VN đã có nhiều biện pháp tích cực, trong đó đã thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống tội phạm về rửa tiền.
Với tình hình tội phạm thế giới hoạt động ngày càng tinh vi, đặc biệt là bọn tội phạm phi truyền thống đang mở rộng hoạt động không biên giới, vai trò và trách nhiệm của VPI ngày càng nặng nề. 5 năm trở lại đây, hoạt động khủng bố tiến hành trên nhiều quốc gia, VPI đã tiếp nhận và xử lý hơn 60 vụ liên quan đến hoạt động của các đối tượng khủng bố hoặc nghi khủng bố.
Thông tin của trên 1.000 đối tượng có lệnh truy nã quốc tế về hành vi khủng bố cũng như hàng ngàn đối tượng nghi có liên quan đến các tổ chức khủng bố quốc tế như Al Qaeda, Jemah Islamyah (JI), G.I.A... được VPI tiến hành xác minh và quản lý. VPI đã phối hợp với lực lượng Interpol các nước phá vỡ nhiều âm mưu của tổ chức Chính phủ lâm thời VN tự do của Nguyễn Hữu Chánh, tổ chức Việt Tân của Hoàng Cơ Minh, một số tổ chức phản động người Việt khác đang hoạt động ở Pháp, Australia, Malaysia…, phối hợp, bảo vệ thành công các ngày lễ lớn của dân tộc, các sự kiện quốc tế tổ chức tại VN như hội nghị ASEM, APEC, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Những chiến công của Interpol VN ít người biết đến. Họ hoạt động lặng lẽ nhưng rất hiệu quả trong suốt 20 năm qua để bảo vệ sự bình yên cho đất nước và luôn sẵn sàng cứu giúp khi cần cho những người Việt đang sinh sống bên ngoài Tổ quốc.
"So với lịch sử của lực lượng Cảnh sát Việt Nam, sự có mặt của Văn phòng Interpol Việt Nam (VPI) tuy không dài nhưng VPI đã và đang ngày càng khẳng định là đơn vị nghiệp vụ đặc thù của lực lượng Công an Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến VN và tội phạm phi truyền thống, phù hợp với tình hình hội nhập toàn cầu trong xu thế mới hiện nay. Thời gian qua, VPI không chỉ là kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo Bộ Công an điều phối hoạt động chống tội phạm tốt hơn, kịp thời hơn mà còn là địa chỉ tin cậy, là “phao cứu sinh”của người Việt sống bên ngoài Tổ quốc khi gặp chuyện không may, cần hỗ trợ". Thượng tướng Lê Thế Tiệm (Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) |
Phạm Thục