Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi ngày 30-1 cho biết, Iran sẽ sớm ngừng xuất khẩu dầu mỏ cho một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), động thái có thể làm mối quan hệ giữa Iran và phương Tây thêm căng thẳng.
Không EU, Iran vẫn ổn
Tuyên bố của Iran được đưa ra một tuần sau khi EU, thị trường chiếm 18% sản lượng dầu thô xuất khẩu từ Iran, quyết định cấm vận đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Tehran. Theo đó, các quốc gia thành viên thuộc EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Iran vào ngày 1-7 tới.
Mặc dù không nói rõ Iran sẽ ngừng xuất khẩu dầu mỏ tới nước nào, song ông R.Qasemi nhấn mạnh rằng Iran có thị trường riêng của mình và sẽ không gặp phải bất kỳ rắc rối nào trong việc xuất khẩu dầu mỏ tới các nước ngoài EU.
Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee, cho hay Ấn Độ (quốc gia tiêu thụ dầu mỏ thứ 4 thế giới) sẽ không cắt giảm lượng dầu mỏ nhập từ Iran. Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ đang nghiên cứu phương thức thanh toán mới cho dầu thô nhập khẩu từ Ấn Độ để loại bỏ thanh toán bằng đồng USD.
Hiện Iran đang bán cho Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày. Chuyến công du đến 4 nước Mỹ Latinh của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đầu tháng 1 vừa qua được cho là bước đi mở đường sang thị trường mới, đề phòng trường hợp Iran cắt hợp đồng với EU.
Hãng Reuters cho rằng Quốc hội Iran rất có thể sẽ đặt vấn đề ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang EU lên bàn đàm phán về lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của EU. Ông Ahmad Qalehbani, người đứng đầu công ty dầu lửa Iran, cho biết lệnh cấm của EU nhằm vào Iran có thể sẽ đẩy giá dầu thô thế giới từ 120 USD/thùng hiện nay lên 150 USD/thùng trong thời gian tới.
Nếu Mỹ-Iran xung đột quân sự...
Ngày 29-1, các quan chức thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tới Iran để thảo luận vấn đề hạt nhân của Tehran. Chuyến thăm của IAEA được coi là cơ hội hiếm hoi để làm dịu bớt phản ứng của cộng đồng quốc tế trước chương trình hạt nhân của Iran, đáng chú ý là tin đồn về khả năng Israel có hành động quân sự nhằm vào Iran.
Báo chí phương Tây thời gian qua đăng tải rất nhiều bài viết nói về khả năng xung đột quân sự giữa Iran với Mỹ và Israel. Tiềm lực quốc phòng của Iran đến đâu luôn là câu hỏi rất được quan tâm. Theo một thống kê mới đây, khoảng 545.000 người đang phục vụ chính thức trong quân đội và Lực lượng bảo vệ Cách mạng Hồi giáo của Iran. Cả 2 lực lượng này đều đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng Iran.
Khoảng 1.700 xe tăng , 610 xe chiến đấu bộ binh, 640 xe bọc thép, 8.200 khẩu pháo và khoảng 200 máy bay trực thăng được trang bị cho lục quân. Trang bị chính cho Hải quân Iran gồm 3 tàu ngầm của Nga, 7 tàu ngầm lớp Ghadir và 3 tàu ngầm mini. Bờ biển Iran được bảo vệ bởi 4 tàu khu trục Alvand, 3 tàu hộ tống Bayandor.
Hải quân của Iran có thể tiến hành các hoạt động quân sự khá hiệu quả khi nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các dàn phóng tên lửa HY-2 Sikworm, YJ-2 (còn gọi là S-802) được bố trí dọc bờ biển. Iran đã có một loạt tên lửa đạn đạo Shahab-1 (tầm bắn 300km), Shahab-2 (700km), Shahab-3 (1.500km)…
Lầu Năm Góc dự đoán Iran có thể phát triển một quả bom hạt nhân trong vòng 1 năm tới và chế tạo bệ phóng trong vòng 2 - 3 năm nữa.
Rất nhiều chuyên gia của Mỹ cho rằng người dân Mỹ đều sẽ phản đối quân đội nước này tham gia một cuộc chiến nữa. Hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan ước chừng tiêu tốn hơn 2.000 tỷ USD. Hơn 6.000 gia đình ở Mỹ có người thân nằm lại ở Iraq và Afghanistan và hơn 30.000 lính Mỹ bị thương.
Trong khi đó, 100.000 người là dân thường đã chết tại Iraq và 20.000 người tại Afghanistan. Iran có dân số gấp 4 lần Iraq cùng với tiềm lực quân sự khá mạnh. Nếu xung đột quân sự giữa Mỹ-Iran xảy ra, mức độ tàn khốc là không thể báo trước.
ĐỖ VĂN (Tổng hợp)