Iraq: Al - Qaeda trỗi dậy

Ráo riết đánh chiếm
Iraq: Al - Qaeda trỗi dậy

Sự kiện al - Qaeda tuyên bố lập nhà nước Hồi giáo mới ở miền Tây Iraq sau khi kiểm soát toàn bộ thành phố Falluja khiến mối lo ngại về nguy cơ hồi sinh mạnh mẽ của lực lượng khủng bố này đang dần trở thành hiện thực.

Kiểm soát an ninh tại một chốt chặn ở Baghdad, Iraq.

Kiểm soát an ninh tại một chốt chặn ở Baghdad, Iraq.

Ráo riết đánh chiếm

ISIS, nhánh khủng bố địa phương tại Iraq, tuyên bố Falluja là thủ đô nhà nước Hồi giáo mới. Nhóm này đưa ra tuyên bố trên sau khi chiếm Falluja và chống trả với lực lượng quân đội chính phủ tại Ramadi. Đây là hai khu vực đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống. Các tay súng al - Qaeda còn mở cuộc phản công chống quân đội Iraq từ Baqouba ở tỉnh miền Đông Diyala với mục đích mở rộng thêm nhiều phần lãnh thổ chiếm giữ từ quân chính phủ. Việc đánh chiếm ráo riết nhiều khu vực tại Iraq cho thấy tham vọng của al - Qaeda muốn đánh bật sự kiểm soát của chính phủ khỏi những căn cứ địa của tổ chức này. Đồng thời, đây cũng là lời thách thức với giới chức Mỹ sau khi nước này rút quân khỏi Iraq và bàn giao việc đảm bảo an ninh cho Chính phủ Iraq.

Thủ tướng Nuri al - Maliki vẫn trấn an giới chức phương Tây rằng quân đội Iraq sẽ không khuất phục trước al - Qaeda nhưng những gì diễn ra tại Iraq đang khoét sâu thêm nghi ngờ việc tiêu diệt Osama bin Laden không thể làm al - Qaeda suy yếu. Đánh giá đi kèm với nhiều báo cáo mới đây cho thấy các nhà lập pháp và giới chức tình báo Mỹ ngày càng quan ngại về việc mở rộng nhân lực của al - Qaeda. Tướng James Mattis, từng chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ trong cuộc chiến Iraq và sau đó giám sát các hoạt động của Mỹ khắp Trung Đông, vùng Sừng châu Phi và Afghanistan cho rằng do Mỹ và phương Tây không hiểu gì về al - Qaeda, nên dẫn tới kết quả không thể đưa ra một kế hoạch hiệu quả để đánh bại tổ chức khủng bố này.

Số người thiệt mạng tại Iraq trong năm ngoái lên đến hơn 5.000 người. Con số này làm nảy sinh lo ngại al - Qaeda sẽ đưa Iraq trở lại cuộc nội chiến từng xảy ra vào năm 2006-2007, khi số thương vong mỗi tháng có lúc vượt quá 3.000 người.

Theo IHT, nguyên nhân khiến al - Qaeda hồi sinh mạnh mẽ tại Iraq xuất phát từ các cuộc xung đột sắc tộc diễn ra hàng ngày tại Iraq và ngày càng đẫm máu. Xung đột mở đường để al - Qaeda cắm rễ sâu hơn, rộng hơn và tiến hành các vụ đánh bom liên hoàn, khiến Iraq lại càng bất ổn hơn.

Al - Qaeda phiên bản 2.0

Hơn hai năm rưỡi sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt, trong khi các phụ tá hàng đầu của y có thể đã chết hay bị tiêu diệt thì các nhóm thánh chiến ở Syria, Somalia, Yemen, Libya và Tây Phi vẫn gây ra nhiều vụ tấn công lớn trong năm qua. Điều này cho thấy rằng al - Qaeda không hề tan rã mà còn chuyển sang bước phát triển mới với nhiều nhánh hơn ở các điểm nóng Trung Đông. Người ta gọi những tổ chức đó là al - Qaeda 2.0, tức thế hệ thứ hai của mạng lưới khủng bố thánh chiến toàn cầu. Điển hình như vụ tấn công một trung tâm mua sắm thương mại ở Kenya năm ngoái làm 72 người chết. Bước sang đầu năm nay, các cuộc tấn công của al - Qaeda có chiều hướng gia tăng ở Iraq và sa mạc Sinai của Ai Cập. Mới đây nhất là vụ nhánh ISIL của al - Qaeda đánh bom tại Beirut làm 5 người thiệt mạng, 77 người bị thương.

Theo AP, hiện nay, mỗi phân nhóm nhỏ theo địa phương của al - Qaeda đã tập hợp lại, cùng nhau xây dựng vùng cát cứ riêng, hình thành những tổ chức Hồi giáo cực đoan mới hoạt động theo các tôn chỉ, giáo luật của al - Qaeda. Thế hệ thứ hai của mạng lưới khủng bố thánh chiến toàn cầu không còn tập trung vào một đầu mối như trước nữa mà phân tán, chia nhỏ ra. Những biến loạn chính trị, như làn sóng biểu tình chống chính phủ “Mùa xuân Arập” được phương Tây cổ súy quét qua Trung Đông và Bắc Phi càng tạo điều kiện cho những chi nhánh mới của al - Qaeda phát triển.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục