Hãng Sputnik đưa tin, đêm 15-10 (giờ địa phương) đã bắt đầu diễn ra chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul của Iraq. Trong khi pháo binh Mỹ bắn phá các vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thì từ trên không, máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu oanh tạc thành phố này.
Xe tăng quân đội Iraq tập kết bên ngoài ngoại ô Mosul. Ảnh: Reuters
Tập trung toàn lực
Theo nhiều báo cáo, tại đây có hệ thống cơ sở hạ tầng cho phép các phương tiện lưu thông liền mạch trên khắp Mosul và thậm chí có thể chạy thông ra bên ngoài nên rất khó bị phát hiện từ trên không. Ngoài ra, ở Mosul còn có mạng lưới giao thông ngầm dưới lòng đất, với đường hầm lớn đến mức có thể dùng xe máy di chuyển dễ dàng. Quân đội Iraq đã huy động khoảng 30.000 binh sĩ và lực lượng đặc biệt đã tới Mosul để tham gia chiến dịch quân sự nhằm giải phóng Mosul.
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq với 1,5 triệu dân, nằm ở phía Đông Bắc Baghdad, có vị trí địa - chiến lược hết sức quan trọng. Từ khi rơi vào tay IS, cùng với thành phố Raqqa ở Syria, Mosul trở thành căn cứ chính của IS. Hiện ở thành phố này có khoảng 3.000 - 4.500 tay súng IS, gồm người Iraq và người nước ngoài. Đại tá John Dorrian, người phát ngôn của Liên minh quốc tế chống IS cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy IS chuẩn bị rút khỏi Mosul như đã từng làm với một số thành phố ít quan trọng hơn. Điều này cho thấy IS quyết tâm bám giữ căn cứ này và cuộc chiến ở đây sẽ rất khốc liệt.
Cả Mỹ lẫn Pháp cũng điều động binh sĩ, vũ khí tới hỗ trợ Iraq. Trong số các phương tiện Pháp triển khai phục vụ chiến dịch này, có các tàu chiến và tàu sân bay Charle De Gaule bố trí ở Đông Địa Trung Hải. Gần 500 lính Pháp đã được triển khai tại Iraq trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật pháo binh, làm cố vấn cho các chiến binh người Kurd, ở phía Bắc Iraq hay đào tạo các đơn vị lính Iraq tinh nhuệ tại Baghdad. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bật đèn xanh cho việc gửi 615 lính bổ sung cho 4.600 quân đã được triển khai trên thực địa tại Iraq.
IS quyết bám trụ
Một số nguồn tin cho biết, để che giấu vị trí trước các cuộc không kích của quân đội chính phủ và lực lượng đồng minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu, các tay súng thánh chiến đã đốt vỏ lốp xe để tạo khói mù cũng như đốt dầu trong các kênh đào xung quanh thành phố. Để đảm bảo an toàn cho người dân Mosul, chính quyền Baghdad đã kêu gọi dân chúng nơi đây ở trong nhà trước khi phát đi hiệu lệnh tấn công.
Hãng Reuters trích dẫn cuộc phỏng vấn qua điện thoại với một vài dân thường tại Mosul cho biết, IS đang huy động cả những đứa trẻ, có khi chỉ 8 tuổi, và trang bị cho chúng dao găm, súng lục để làm nhiệm vụ giám sát tình hình ngoại ô thành phố. IS cũng bắt người dân phải chuyển sang sử dụng những loại điện thoại không có ứng dụng nhắn tin nhanh như Viber, WhatsApp và Facebook vì lo sợ họ dùng điện thoại thông minh để thông báo cho lực lượng bên ngoài về hoạt động bên trong thành phố.
Cảnh báo khủng hoảng nhân đạo
Các quan chức của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) lo ngại chiến dịch sẽ dẫn tới một trong những thảm họa lớn nhất trong những năm gần đây.
Đại diện UNHCR tại Iraq, ông Bruno Geddo dự báo hơn 1 triệu người sẽ phải chạy tị nạn. Ít nhất có khoảng 700.000 người cần sự giúp đỡ, cần nơi nương náu, thuốc men, lương thực, nước uống... UNHCR đã dựng một số trại phòng ngừa một cuộc di dân ồ ạt, nhưng còn thiếu đất, tiền và thời gian để xây dựng các khu trại khác. Cơ quan này hy vọng xây dựng được 11 khu trại từ nay đến cuối năm để có thể chứa được 120.000 người, trong khi các lãnh đạo Iraq nghĩ có thể tiếp nhận 150.000 người ở những khu trại khác. Như vậy là sẽ còn thiếu khoảng 450.000 chỗ nếu so với ước tính về nhu cầu chỗ ở cho người tị nạn.
VIỆT ANH (tổng hợp)
Anh cử quân tới Tunisia ngăn chặn IS
Anh đã đưa 40 nhân viên quân sự đến Tunisia để giúp đào tạo quân ở quốc gia Bắc Phi này, ngăn chặn sự xâm nhập của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ nước láng giềng Libya. Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 16-10 cho biết việc đào tạo sẽ tập trung vào kế hoạch hoạt động, tình báo, giám sát và tuần tra. Đây cũng là đợt cử quân thứ ba của Anh tới Tunisia kể từ khi 30 du khách Anh thiệt mạng trong một cuộc tấn công ở bãi biển tại Tunisia vào tháng 6-2015.
KHÁNH MINH