IS gia tăng hoạt động khủng bố

Ngày 10-9, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố đang giam giữ một người Na Uy và một người Trung Quốc, đồng thời đòi tiền chuộc để thả hai con tin này. Cùng ngày, Reuters đưa tin, thủ lĩnh của tổ chức Al Qaeda Ayman al-Zawahri vừa có tuyên bố “như một gợi ý” về khả năng Al Qaeda có thể bắt tay với IS. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là mối hiểm họa đối với an ninh thế giới. Trước những diễn biến mới trên, liên minh quốc tế cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch chống IS.
IS gia tăng hoạt động khủng bố

Ngày 10-9, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố đang giam giữ một người Na Uy và một người Trung Quốc, đồng thời đòi tiền chuộc để thả hai con tin này. Cùng ngày, Reuters đưa tin, thủ lĩnh của tổ chức Al Qaeda Ayman al-Zawahri vừa có tuyên bố “như một gợi ý” về khả năng Al Qaeda có thể bắt tay với IS. Nếu điều này trở thành hiện thực, đây sẽ là mối hiểm họa đối với an ninh thế giới. Trước những diễn biến mới trên, liên minh quốc tế cam kết sẽ đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch chống IS.

Bắt cóc, chiêu mộ

Hai con tin được nhận dạng, theo đó người đàn ông Na Uy là Ole Johan Grimsgaard-Ofstad, 48 tuổi, đến từ Oslo, còn người đàn ông Trung Quốc là Fan Jinghui, 50 tuổi, một chuyên gia tư vấn tự do đến từ Bắc Kinh. Thủ tướng Na Uy Erna Solberg xác nhận một công dân Na Uy đã bị bắt cóc và đang bị giam giữ tại Syria, đồng thời cho biết Na Uy đang nỗ lực để đưa công dân của mình về nhà an toàn

Hai con tin người Na Uy (trái) và Trung Quốc bị IS giam giữ

Trong khi đó, IS cũng tuyên bố đã chiếm giữ một tiểu đoàn tên lửa tại căn cứ không quân ở tỉnh Deir al-Zour giàu dầu mỏ thuộc miền Đông Syria sau khi thực hiện 2 vụ đánh bom liều chết nhằm vào căn cứ này, làm 90 binh sĩ và sĩ quan Syria thiệt mạng. Hiện chưa có thông tin chính thức kiểm chứng độ xác thực những tuyên bố của IS nhưng Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), có trụ sở tại London (Anh) cho biết có giao tranh dữ dội tại căn cứ trên và có tin IS chiếm giữ tiểu đoàn tên lửa triển khai ở phía Đông Nam căn cứ.

Tại Mỹ, giới chức nước này cảnh báo IS đang đẩy mạnh chiến dịch chiêu mộ chiến binh cực đoan là thanh thiếu niên Mỹ, đặc biệt là tại khu vực Minneapolis của bang Minnesota - nơi tập trung cộng đồng lớn người nhập cư Somalia. Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ bắt giữ liên quan đến thiếu niên nước này có ý định tham gia thánh chiến. Mới nhất, ngày 9-9, Hanad Musse, một thanh niên 19 tuổi ở Minneapolis, đã thừa nhận trước tòa về việc cố gắng đến Syria để gia nhập IS.

Trong lúc IS không ngừng gia tăng các hoạt động khủng bố của mình, thủ lĩnh của Al Qaeda Ayman al-Zawahri đã nói về khả năng bắt tay với IS để chống lại phương Tây và những người Hồi giáo dòng Shiite dù Al Qaeda không công nhận tính hợp pháp “nhà nước Hồi giáo của IS”.

Tăng cường sức mạnh chống IS

Ngày 10-9, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews cho biết Australia có thể tham gia tiến hành các cuộc không kích IS tại Iraq và Syria đến năm 2018. Mục tiêu của quân đội Australia là tiêu diệt các vị trí khủng bố, trại huấn luyện, căn cứ chỉ huy… của IS. Tuy nhiên, ông Andrews nhấn mạnh loại trừ khả năng Australia triển khai quân đội trên mặt đất để hỗ trợ các cuộc không kích. Cho tới nay, Iraq vẫn là mục tiêu chính của chiến dịch không kích tiêu tốn tới 4 tỷ USD của liên minh quốc tế nhằm vào IS. Hơn 60% của 6.700 cuộc không kích tiến hành từ tháng 8-2014 diễn ra tại quốc gia này.

IS đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho thế giới

Giới chức các nước thuộc liên minh chống IS kỳ vọng cuộc họp sắp tới của các nước thuộc liên minh chống IS dự kiến diễn ra bên lề cuộc họp Đại Hội đồng Liên hiệp quốc trong tháng 9 này sẽ mang tới nhiều bước tiến mới cho chiến dịch. Pháp đã bắt đầu tiến hành các chuyến bay thăm dò, giám sát và tình báo tại Syria để chuẩn bị cho các hoạt động tích cực hơn. Một nguồn tin ngoại giao cho hay Anh và Pháp đang để ngỏ khả năng điều động cố vấn quân đội tới tham gia vào chiến dịch. Tuy nhiên, phạm vi của các cam kết mới và hiệu quả của chúng đến đâu hiện chưa thể nói trước. Các nước nhiều khả năng sẽ không huy động tới sự tham gia của bộ binh, một phương án chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn liên tục gạt bỏ cho tới nay.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục