IS thâm nhập châu Âu dưới vỏ bọc tị nạn

Sau hàng loạt cuộc giao tranh dữ dội với lực lượng người Kurd, các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 6-10 đã chiếm 3 quận của thành phố Kobane có đông người Kurd sinh sống ở miền Bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
IS thâm nhập châu Âu dưới vỏ bọc tị nạn

Sau hàng loạt cuộc giao tranh dữ dội với lực lượng người Kurd, các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 6-10 đã chiếm 3 quận của thành phố Kobane có đông người Kurd sinh sống ở miền Bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giao tranh vẫn ác liệt

Hàng trăm người Kurd đã phải tháo chạy khỏi Kobane và hướng tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn biến trên xảy ra chỉ vài giờ sau khi có thông tin IS đã treo cờ của lực lượng này trên một tòa nhà ở phía Đông Kobane và chiếm đồi Mishtenur, mặc dù trước đó, máy bay chiến đấu của Mỹ và các nước Arab đã tiến hành 7 cuộc không kích các địa điểm IS chiếm được nhằm làm chậm lại đà tiến quân của nhóm này.

Thành phố biên giới Kobane hiện đã trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc chiến quốc tế chống IS. Lực lượng IS đã bao vây Kobane trong gần 3 tuần qua, chiếm hơn 350 ngôi làng, khiến hàng chục nghìn người dân phải sơ tán. Cùng ngày, IS đã tiến hành 2 vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào lực lượng người Kurd tại tỉnh Hasaka, phía Bắc Syria, khiến ít nhất 30 chiến binh tử trận. Ngoài ra, còn có một vụ nổ thứ ba nhằm vào một chốt kiểm soát của Asayish - tổ chức an ninh của người Kurd tại tỉnh này.

Chiến binh người Kurd đang giao chiến với lực lượng IS ở Kobane.

Trong lúc này, tờ Bild am Sonntag của Đức đưa tin, tình báo Mỹ đã giải mã thành công những thông tin liên lạc đã mã hóa của các thủ lĩnh IS, theo đó các phần tử khủng bố Takfiri thuộc IS đang tìm cách xâm nhập Thổ Nhĩ Kỳ dưới vỏ bọc người tỵ nạn để đi đến Đức và từ đây vươn ra các nước khác ở châu Âu.

Cũng theo báo cáo này, do tình trạng hỗn loạn ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nên gần như không thể bắt giữ các phần tử khủng bố IS trà trộn trong làn sóng người tỵ nạn. Theo giới chức trách, khoảng 450 phần tử cực đoan đã từ Đức tới Syria và có khoảng 150 đối tượng khác đang quay lại quốc gia châu Âu này.

Chiến tranh tiêu tốn hơn 1 tỷ USD

Báo cáo của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) công bố ngày 6-10 cho biết ước tính Mỹ đã phải chi khoảng 1,1 tỷ USD cho các chiến dịch quân sự chống các phiến quân IS tại Iraq và Syria kể từ khi phát động hồi giữa tháng 6 vừa qua (trung bình 7 - 10 triệu USD/ngày). Chỉ tính riêng chi phí cho các cuộc không kích của Lực lượng Hải quân và việc phóng 47 tên lửa Tomahawk bên trong lãnh thổ Syria trong ngày không kích đầu tiên hôm 23-9 đã lên tới 62 triệu USD.

Theo thống kê của Lầu Năm Góc, kể từ khi phát động chiến dịch không kích IS ngày 8-8 tại Iraq và mở rộng sang lãnh thổ Syria từ ngày 23-9 đến nay, các máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiến hành tổng cộng 1.768 vụ không kích vào các mục tiêu của IS bên trong lãnh thổ Iraq và Syria, trong đó các máy bay chiến đấu của lực lượng đồng minh đóng góp 10% chiến dịch với 195 vụ không kích.

Cùng lúc này, quân đội Mỹ lần đầu tiên triển khai các trực thăng tham gia vào chiến dịch không kích chống IS ở Iraq, nhằm hỗ trợ lực lượng bộ binh nước sở tại chiến đấu chống IS ở miền Tây nước này. Chỉ trong hai ngày, các máy bay trực thăng cùng với máy bay ném bom và máy bay không người lái thực hiện tổng cộng 9 vụ không kích, trong đó có 3 vụ nhằm vào hai thành phố Fallujah và Ramadi, miền Tây Iraq.

Giới phân tích nhận định việc sử dụng máy bay trực thăng trang bị súng máy giúp hỗ trợ lực lượng bộ binh Iraq tấn công IS hiệu quả hơn bởi loại máy bay này bay ở tầm thấp và có khả năng xác định được các mục tiêu chính xác hơn. Tuy nhiên, việc bay ở tầm thấp với tốc độ chậm hơn chiến đấu cơ và oanh tạc cơ cũng khiến máy bay trực thăng dễ bị kẻ thù tấn công bằng hỏa lực từ dưới mặt đất, khiến binh sĩ Mỹ gặp rủi ro cao hơn.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục