Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Israel, ông Yair Shamir, đang có chuyến thăm chính thức tại Việt Nam. Dịp này, ông Yair Shamir, đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về hợp tác nông nghiệp giữa Israel - Việt Nam nói chung và giữa Israel - TPHCM nói riêng.
* Phóng viên: Việt Nam rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ông có thể cho biết về một số hợp tác giữa Việt Nam - Israel trong lĩnh vực này?
* Ông YAIR SHAMIR: Hợp tác giữa Việt Nam - Israel bao gồm hợp tác giữa chính phủ với chính phủ, giữa chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp 2 nước. Về phía chính phủ, chúng tôi không làm công việc kinh doanh mà đóng vai trò kết nối, đặt nền tảng cho phát triển quan hệ về kinh tế như ký kết các thỏa thuận hợp tác về tự do thương mại (FTA) hay visa chẳng hạn. Các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc hợp tác kinh doanh cụ thể dựa trên nền tảng đó. Khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao cách không xa trung tâm TPHCM (Củ Chi) là một điển hình về hợp tác trên nhiều phương diện. Về phía chính phủ, chúng tôi phải có nhiệm vụ đạt được thỏa thuận hợp tác với chính quyền địa phương cho phép xây dựng trang trại nuôi bò sữa, chuyển giao công nghệ nuôi bò sữa. Còn các doanh nghiệp thì tiếp cận các đối tác, cung cấp các máy móc, trang thiết bị, dược phẩm... cần thiết cho mô hình chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến của Israel.
* Ông đánh giá sao về mô hình chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại TPHCM, một mô hình mà Israel hỗ trợ về công nghệ?
* Chúng tôi vừa có chuyến thăm khu chăn nuôi này vào ngày 3-11. Có thể nói đến thời điểm này, mô hình chăn nuôi đã đạt được những thành quả nhất định. Tôi có thể lấy ví dụ, khi dự án này bắt đầu vào khoảng 1 năm trước, một con bò sữa của Việt Nam chỉ có thể cho khoảng 9 lít sữa/ngày. Nhưng đến hôm nay, con số đó đã là 19 lít/ngày và cá biệt một số con bò có thể cho 38 lít/ngày. Đó mới chỉ là có 1 năm thôi và sản lượng sữa sẽ còn cao hơn nữa trong những năm tới. Đây là minh chứng rất rõ về việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Sau khi chuyển giao công nghệ cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Israel, những người nông dân Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, cải thiện khả năng nuôi trồng. Tôi rất vui khi chứng kiến những thành quả bước đầu này.
* Cụ thể công nghệ nào đã được áp dụng trong mô hình này, thưa ông?
* Đó là công nghệ gây giống cho bò sữa Việt Nam. Israel có những con bò đực giống tốt. Tinh trùng của chúng được dùng để phối giống với bò sữa Việt Nam. Những loại gene tốt của bò Israel sẽ được truyền sang thế hệ sau cho bò Việt Nam. Và cứ thế, các thế hệ bò của Việt Nam sau này được cải thiện về giống, giúp chúng cho sản lượng thịt và sữa cao hơn. Ngoài ra, còn có các chuyên gia về giám sát chất và lượng sữa, y tế của Israel hỗ trợ nông dân Việt Nam trong chăn nuôi bò sữa.
* Theo ông, đâu là thế mạnh và hạn chế của nông nghiệp Việt Nam? Ông có thể cho lời khuyên về khắc phục những hạn chế đó?
* Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Các bạn có đủ nguồn nước, đất phục vụ cho nông nghiệp và có gần 70% người dân hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu được khai thác tốt, các yếu tố trên sẽ giúp sản lượng nông nghiệp tăng, từ đó xuất khẩu nông sản sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Việt Nam cũng có lợi thế địa lý khi ở trong khu vực có dân số đông với nhiều thị trường tiềm năng để xuất khẩu nông sản. Hạn chế có lẽ là nguồn nhân lực chưa được đào tạo tốt. Không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
* Israel sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về đào tạo nhân lực chứ, thưa ông?
* Hiện Israel đang tham gia vào việc đào tạo nhân lực Việt Nam. Chúng tôi dành 750 suất học bổng/năm cho sinh viên các trường đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Các em sẽ sang Israel học tập, nghiên cứu thực tiễn trong 11 tháng rồi trở về Việt Nam làm việc.
* Ông có thể cho biết một số kế hoạch về hợp tác giữa Israel - Việt Nam trong thời gian tới?
* Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới có thể nới lỏng hơn các quy định về thương mại để hợp tác giữa 2 bên được thuận lợi hơn nữa; thúc đẩy đàm phán FTA hay thành lập một quỹ mới dành cho nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam có thêm những chính sách khích lệ sự hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
* Xin cảm ơn ông!
ĐỖ VĂN (thực hiện)