Israel – Palestine giao tranh dồn dập

Trong khi cuộc họp cấp cao bộ tứ (gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ) về vấn đề Trung Đông diễn ra tại trụ sở LHQ, nhằm tìm lối ra cho tiến trình hòa bình giữa Israel - Palestine thì cũng là lúc hai quốc gia này không ngừng không kích, nã rocket, khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Chỉ trong 4 ngày giao tranh, số người thiệt mạng là 23 người, bị thương 73 người.
Israel – Palestine giao tranh dồn dập

Trong khi cuộc họp cấp cao bộ tứ (gồm Mỹ, Nga, EU và LHQ) về vấn đề Trung Đông diễn ra tại trụ sở LHQ, nhằm tìm lối ra cho tiến trình hòa bình giữa Israel - Palestine thì cũng là lúc hai quốc gia này không ngừng không kích, nã rocket, khiến tình hình càng trở nên phức tạp. Chỉ trong 4 ngày giao tranh, số người thiệt mạng là 23 người, bị thương 73 người.

  • Không nhượng bộ

Theo AFP, rạng sáng 12-3, Israel đã tiến hành hàng loạt trận không kích liên tiếp vào Dải Gaza, khiến ít nhất 2 thanh niên thiệt mạng, 38 người bị thương hầu hết là trẻ em. Những vụ không kích này xảy ra ở phía Bắc Dải Gaza và quanh khu vực thành phố Gaza. Những cuộc tấn công dữ dội từ phía Israel vào ngày 12-3 một lần nữa khẳng định tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 11-3 rằng “Israel sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi nào thấy còn cần thiết”.

Trả lời đài phát thanh địa phương, ông Netanyahu nhấn mạnh: “Tôi đã ra lệnh tấn công bất cứ ai đang có kế hoạch tấn công chúng ta. Bạo lực leo thang sẽ được đáp lại bằng chính bạo lực leo thang”. Trước đó, ngày 11-3, những trận không khích của Israel đã khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một bé trai 12 tuổi đang trên đường đến trường.

Dân thường Palestine bị thương sau vụ không kích sáng 12-3 của Israel. Ảnh: AFP

Dân thường Palestine bị thương sau vụ không kích sáng 12-3 của Israel. Ảnh: AFP

Như vậy, chỉ trong vòng 4 ngày, số người thiệt mạng do giao tranh đã lên đến 23 người. Phát ngôn viên phía Israel nói rằng, những cuộc tấn công nhằm vào các kho vũ khí và khu vực để phóng rocket của Palestine ở phía Bắc/Nam Dải Gaza. Tuy nhiên, các nạn nhân phần lớn là người vô tội.

Đụng độ giữa Israel và Palestine bắt đầu từ ngày 9-3, sau khi chiến đấu cơ của Israel giết chết 18 người Palestine, trong đó có Zuhair al-Qaisi, lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến nhân dân (PRC). Ngay sau đó, phía Palestine, trong đó có tổ chức Hồi giáo Jihad đã đáp trả bằng cách nã rocket vào Dải Gaza, ảnh hưởng trực tiếp đến Israel. Giao tranh giữa hai nước cứ thế ngày càng phức tạp và đến nay, phía Palestine đã phóng sang Israel 200 quả rocket. Một trong những hậu quả gây ra là phá hủy một khu nhà định cư ở biên giới Dải Gaza.

  • Cần sự can thiệp của quốc tế

Ngày 12-3, nhóm bộ tứ về Trung Đông nhóm họp tại trụ sở LHQ để bàn về tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bị đình trệ thời gian qua. Tham dự cuộc họp cấp cao đầu tiên trong 6 tháng qua về vấn đề này có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Ashton.

Trong ngày 11-3, cả Israel và Palestine đều đã lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ sớm có động thái phản ứng trước tình hình mâu thuẫn giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng. Cả hai đều lên tiếng chỉ trích gay gắt đối phương. Phó Đại sứ Israel tại LHQ Haim Waxman nói: “HĐBA LHQ và tất cả những thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng lên án một cách dứt khoát và làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn việc nã rocket liên tục từ Palestine”. Trong khi đó, đặc phái viên của Palestine tại LHQ Riyad Mansour yêu cầu HĐBA LHQ cần hành động kịp thời để xác nhận đây là khủng hoảng nhân đạo khi việc tấn công của Israel là vô lý, đã khiến người vô tội ở quốc gia này thiệt mạng.

Cần nhắc lại, trước đó, vào đầu tháng 2, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có chuyến công du đến Gaza để thúc đẩy khôi phục hòa bình Trung Đông, kêu gọi Israel và Palestine tạo ra bầu không khí tích cực để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thể ngăn cản giao tranh giữa hai bên.

Theo Reuters, những hộ gia đình Do Thái ở khu Migron ngày 11-3 đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Israel đồng ý rút khỏi khu định cư tiền đồn trái phép lớn nhất và lâu đời nhất ở Bờ Tây để chuyển đến một địa điểm gần đó. Trong 10 năm qua, chính quyền Israel chi khoảng 1,1 triệu USD để xây dựng và bảo trì nhà cửa cũng như các công trình xây dựng tại Migron – nơi người Palestine khẳng định thuộc về họ. Tháng 8-2011, Tòa án tối cao Israel đã ra phán quyết bất ngờ yêu cầu giải tán khu định cư Migron trước ngày 31-3.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục