Trong hai ngày 5 và 6-3, Tổng thống Mỹ B.Obama sẽ có cuộc gặp với người đồng nhiệm Israel Shimon Peres và Thủ tướng Benjamin Netanyahu bàn vấn đề Iran. Trong khi Mỹ cố gắng thuyết phục Israel đừng vội tấn công Iran, Israel vẫn tỏ thái độ cứng rắn, có khả năng đánh phủ đầu một số cơ sở hạt nhân Iran.
Không có “lằn ranh đỏ”
Trước khi đến Nhà Trắng hội đàm với Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Israel đã đến Canada gặp gỡ báo chí và khẳng định, sẽ không có “lằn ranh đỏ” nào đối với việc tiến hành hành động quân sự tại Iran. Theo đó, Israel có thể tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran, không cần Mỹ gật đầu.
Đài truyền hình Press TV ngày 3-3 đưa tin, Israel cho biết sẽ sớm thử nghiệm tổ hợp tên lửa mới, được chế tạo với sự hợp tác của Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới này được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở độ cao trên 100km. Trước đó, Israel đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-2, đồng thời kiểm tra xem liệu hệ thống này có thể chống được tên lửa đạn đạo Shihab của Iran hay không.
Tổng thống Obama khẳng định, ông sẽ thuyết phục Israel trì hoãn hoạt động trên, vì cần thời gian quan sát những tổn hại kinh tế Iran khi nhiều quốc gia có thể đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt. Theo tờ Atlantic, ông Obama cho rằng chiến lược đối với Iran đã được vạch sẵn và Mỹ đã sẵn sàng giải pháp quân sự. Đó là việc tấn công triệt phá mọi cơ sở hạt nhân của Iran. Nhiều chuyên gia quốc tế nhìn nhận Mỹ sẽ đứng sau hỗ trợ Israel tấn công Iran và kịch bản này sẽ được Mỹ chọn đúng thời điểm.
Nhiều nước ủng hộ Iran
Theo Đài tiếng nói nước Nga, phát biểu trong cuộc họp báo với báo chí phương Tây, Thủ tướng Nga V.Putin đã nhấn mạnh: Nga nỗ lực hết sức để ngăn chặn chiến tranh xảy ra ở Iran. Ông Putin cho rằng cộng đồng quốc tế nên dành cơ hội để Iran phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Tân Hoa xã đưa tin, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan ngày 3-3 đã lên tiếng phản đối mọi hành động quân sự của bất cứ quốc gia nào nhằm cản trở chương trình hạt nhân của Iran. Ông cho rằng chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao. Mặt khác, ông Babacan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối việc có vũ khí hạt nhân trong khu vực và vì vậy Iran cần hành động minh bạch hơn nữa cũng như tích cực hợp tác với các thể chế quốc tế.
Trong khi đó, theo AFP, một phái đoàn doanh nghiệp Ấn Độ (dưới sự bảo trợ của Chính phủ nước này) sẽ đến Iran (từ ngày 10 đến 14-3) để tìm hiểu những kẽ hở trong lệnh trừng phạt do Mỹ và các quốc gia phương Tây gần đây áp đặt. Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu Ấn Độ (FIEO), các nhà xuất khẩu nước này có thể thúc đẩy giao thương với Iran bằng cách nhận thanh toán bằng đồng tiền rupee của Ấn Độ cho những chuyến hàng chuyển đến Iran (đồng rial của Iran bị mất giá do cấm vận).
Ngân hàng Parsian của Iran hiện đã mở một tài khoản tại Ngân hàng UCO của Ấn Độ và các nhà xuất khẩu Ấn Độ đang nhận đồng rupee do Iran thanh toán tiền hàng. Kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia 13,7 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ đạt đến 30 tỷ USD năm 2015.
| |
Như Quỳnh