Israel tìm kiếm đồng minh ở châu Phi

Ngày 4-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu chuyến công du lịch sử kéo dài 5 ngày đến châu Phi trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các đối tác mới mà Israel đánh giá đang có nhiều tiềm năng.
Israel tìm kiếm đồng minh ở châu Phi

Ngày 4-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt đầu chuyến công du lịch sử kéo dài 5 ngày đến châu Phi trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các đối tác mới mà Israel đánh giá đang có nhiều tiềm năng.

Đối tác kinh tế

Kể từ chuyến thăm Casablanca (Marocco) của cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin năm 1994, đây là chuyến công du đầu tiên của thủ tướng Israel cũng như của cá nhân Thủ tướng Netanyahu đến khu vực này. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Netanyahu sẽ đến Kenya, Uganda, Rwanda và Ethiopia và dự kiến tham dự một cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo 7 quốc gia Đông Phi, gồm: Uganda, Kenya, Rwanda, Nam Sudan, Ethiopia, Zambia và Tanzania.

Tổng thống Uganda Yoweri Museveni (đội nón) đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahutại sân bay quốc tế Entebbe

Chuyến thăm của Thủ tướng Netanyahu diễn ra trong bối cảnh Israel đang triển khai thực hiện gói viện trợ trị giá 13 triệu USD dành cho các nước châu Phi nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực. Bình luận về chuyến thăm này, tờ Jerusalem Post nhận định: Nhà nước Do Thái có cơ hội tuyệt vời để tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với một số thị trường mới nổi đang có triển vọng nhất châu Phi. Trong khi xuất khẩu của Israel sang châu Phi còn giới hạn (hiện nay chỉ có 2% hàng xuất khẩu của Israel vào thị trường châu Phi), thì người Do Thái đã chủ động cung cấp cho một số nước ở châu lục nghèo này sự trợ giúp và huấn luyện an ninh. Bộ Quốc phòng Israel đã cho phép các công ty an ninh tư nhân của Israel hoạt động ở một số nước châu Phi. Đương nhiên có cả các thương vụ mua bán vũ khí.

Thực tế, mối quan hệ giữa châu Phi và Israel đang ấm dần lên trong những năm gần đây, như là kết quả của mối quan tâm chung giữa hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Nhiều nước châu Phi hiện đang rất muốn tiếp cận công nghệ của Israel, như năng lượng và an ninh mạng, đặc biệt là bí quyết về nguồn nước và nông nghiệp.

Liên minh chính trị

Theo tiết lộ của Arye Oded, cựu chuyên gia ngoại giao của Israel, Tel Aviv hy vọng chuyến công du sau 3 thập kỷ của người đứng đầu nhà nước Do Thái sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, trong đó Israel sẽ hỗ trợ các đối tác châu Phi an ninh và nông nghiệp để đổi lại sự ủng hộ của các nước châu Phi tại các diễn đàn quốc tế, nhất là Liên hiệp quốc (LHQ) và các thể chế quốc tế khác. Đặc biệt là sau khi HĐBA LHQ công nhận Palestine là “nhà nước quan sát viên phi thành viên” năm 2012, Israel càng quyết tâm tìm kiếm đồng minh chống lại ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Palestine tại LHQ. Nhiều quốc gia châu Phi, trong những năm gần đây, đã từ từ thay đổi cách thức bỏ phiếu liên quan đến Israel, không còn bỏ phiếu chống như một phản xạ trước đây nữa. Đơn cử, tại một cuộc bỏ phiếu quan trọng có ý nghĩa quyết định cuối cùng vào tháng 9-2015 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), 4 nước châu Phi gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Togo đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết của tổ chức này nhằm kêu gọi giám sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của Israel. Nghị quyết không được thông qua khi có đến 17 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng, 8 quốc gia cố tình vắng mặt và chỉ có 7 nước châu Phi cận Sahara bỏ phiếu chống lại Israel.

Mối quan hệ với 54 quốc gia châu Phi cận Sahara có ý nghĩa rất quan trọng khi châu Phi vốn đang ngày một chủ động hơn trong các mối quan hệ bên ngoài Liên minh châu Phi (AU). Trả lời phỏng vấn báo giới trước chuyến chuyến thăm, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: “Israel có ý định quay trở lại châu Phi, cũng như châu Phi đang trở lại với Israel”.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục