Trong buổi lễ kết thúc hội thảo về chiến lược truyền thông vì sự thay đổi xã hội, Đại sứ Israel Daniel Carmon, Giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Israel (MASHAV) đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự phát triển của Israel. Tổng thống Mỹ Truman từng ngạc nhiên hỏi các cộng sự của mình vì sao Israel phát triển nhanh đến vậy. Câu trả lời nửa đùa nửa thật: Vì người Israel nấu ăn bằng nồi áp suất. Trong thời gian 3 tuần làm việc tại Israel, tôi đã chứng kiến thành quả của tốc độ phát triển theo phong cách “nồi áp suất” trên đất nước kỳ bí này. Bỏ qua những cuộc xung đột trong khu vực, thế giới đều nhận thấy mới hơn 60 năm, Israel đã phát triển cực nhanh và hiện được xếp thứ 17 trong số những nước phát triển nhất thế giới.
Bài 1: Sức sống trên hoang mạc Negev
Hơn một nửa diện tích Israel là hoang mạc đá nằm phía Nam với tên gọi Negev, theo tiếng Hebrew nghĩa là khô cằn, còn trong Kinh thánh của người Do Thái Negev cũng được dùng để chỉ hướng Nam. Nhưng nếu chạy dọc theo con đường cao tốc xuyên qua sa mạc, du khách thường xuyên nhìn thấy những ngôi làng trù phú và các cánh đồng hoa màu xanh tốt.
Đó không phải là ốc đảo, nơi có những giếng nước ngầm tự nhiên như nhiều người lầm tưởng. Nơi đó mang dấu ấn của trí tuệ và bàn tay con người và nói không ngoa khi mạn phép trích lời của nhà thơ Hoàng Trung Thông “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” để miêu tả sức mạnh con người ở vùng đất này.
Vị thủ tướng sống trên sa mạc
Người tuyên bố thành lập Nhà nước Israel và cũng là vị Thủ tướng đầu tiên của đất nước này David Ben Gurion sau khi về hưu đã đến xây nhà và sinh sống trên sa mạc Negev. Từ những năm còn trai trẻ, khi đang sinh sống ở Ba Lan dưới sự cai trị của Nga Hoàng, Ben Gurion đã mơ về vùng sa mạc Negev một ngày nào đó sẽ trở nên trù phú và trở thành mảnh đất của người Do Thái, vì vậy ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về sa mạc Negev. Ông quyết định sống những năm cuối đời trên sa mạc vì muốn thuyết phục thanh niên Israel đến sinh sống và lập nghiệp trên mảnh đất này.
Trong thâm tâm mình, ông cho rằng chỉ có sa mạc Negev mới có thể là ngôi nhà chung của người Do Thái, nơi ít có khả năng bị cản trở từ các quốc gia Ảrập láng giềng. Ben Gurion không phải là người đầu tiên đến sống trên sa mạc nhưng ông đã có công lớn phát triển vùng Negev trở nên trù phú bằng những chính sách thiết thực như xây dựng hệ thống dẫn nước về Negev, phát triển viện nghiên cứu sa mạc phục vụ dân sinh…
Ông coi cuộc chiến biến sa mạc thành một nơi tươi tốt để người Do Thái có thể sinh sống còn là một đóng góp chung cho nhân loại. Ông từng lên kế hoạch đưa 2 triệu dân đến sa mạc Negev, nhưng dù cho nhiều điều kiện phát triển, đến nay mới chỉ có khoảng 800.000 dân lập nghiệp ở đây.
Khu vườn olive trồng thẳng tắp như rừng cao su dọc hai bên con đường mòn vào nhà ông phủ xanh mát một góc trời sa mạc. Bước vào ngôi nhà nhỏ bằng đá đơn sơ nằm trong kibbutz (một ngôi làng theo dạng nông trang tập thể) Sde Boker, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự giản dị của một người từng đứng đầu chính phủ đầu tiên của Israel. Trong ngôi nhà của ông, nổi bật nhất là sách và 3 bức tranh của 3 nhân vật lịch sử mà ông tôn thờ:
Moses, người đã đưa dân tộc Do Thái từ Ai Cập vượt qua Hồng Hải trở về vùng đất ngày nay là Israel, Roosevelt Franklin, vị tổng thống Mỹ đề cao dân chủ, và Mohamed Gandhi - người lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động giành độc lập của nhân dân Ấn Độ. Đó dường như là điều tất yếu trong cuộc đời của tất cả các vị khai quốc công thần: hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc và sống hết sức thanh bạch, giản dị.
Theo nguyện vọng của ông, mộ ông và vợ được đặt dưới tán cây olive trong khuôn viên Viện nghiên cứu sa mạc, nhìn xuống thung lũng Zin ngay giữa trung tâm Negev. Gác lại những tranh cãi về vai trò của ông trong các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, Ben Gurion được xem là người có công sáng lập và phát triển nhà nước Do Thái hiện đại, người đã chấm dứt số phận 2.000 năm chỉ là một dân tộc thiểu số, không có bờ cõi của người Do Thái.
Trường đại học trên sa mạc
Để hỗ trợ phát triển sa mạc thành nơi sinh sống lý tưởng, Ben Gurion đã thành lập Trường Đại học Negev với niềm tin rằng tương lai của đất nước sẽ gắn liền với miền Nam vẫn còn lạc hậu. Sau khi ông qua đời, vào tháng 11-1973, trường được mang tên Ben Gurion để vinh danh và tưởng nhớ ông.
Đặc biệt, trường có Viện Nghiên cứu sa mạc Jacob Blaustein là viện nghiên cứu toàn diện về sa mạc duy nhất trên thế giới, từ môi trường, xử lý nước, năng lượng mặt trời, cho đến kiến trúc sa mạc, nông nghiệp, sinh học, hệ sinh thái… Trong chương trình của chúng tôi, dự kiến ban đầu không tham quan viện nghiên cứu sa mạc, nhưng khi nghe giới thiệu về việc phát triển sa mạc Negev, chúng tôi đã yêu cầu được đến thăm viện này để tận mắt chứng kiến một trong những thành tựu hàng đầu của Israel.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan viện là Phó giáo sư, Tiến sĩ Isaac A.Meir, làm việc tại khoa “Con người trên sa mạc” - người đã nhiều năm gắn bó với sa mạc này. Ông cho biết hiện có 65 nhà khoa học, 60 chuyên gia kỹ thuật làm việc tại viện, đặc biệt có 250 sinh viên đến từ 27 quốc gia khác nhau, chủ yếu là các nước có sa mạc. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp ở đây đang là những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu sa mạc trên quê hương của mình.
Tiến sĩ A.Meir tự hào khoe với chúng tôi rằng: ở Israel nước rất hiếm nhưng người dân không bao giờ thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu. Đó là nhờ kỹ năng quản lý nguồn nước rất tốt của họ. Từ những năm 1950, Chính phủ của Thủ tướng Ben Gurion đã tiến hành xây dựng hệ thống dẫn nước quốc gia từ biển Galilee và sông Jordan cung cấp không chỉ cho các khu vực xung quanh mà còn đưa nước về tận miền Nam. Ngày nay, nhờ kỹ thuật xử lý nước biển thành nước ngọt, nguồn cung nước sạch cho người dân ở đây đã đảm bảo hơn.
Đặc biệt, tại Viện nghiên cứu sa mạc, các nhà khoa học đã xử lý thành công nước thải thành nước uống. “Tuy nhiên, để vận động người dân tiết kiệm nước và chấp nhận sử dụng nước thải đã qua xử lý vẫn còn cần nhiều thời gian” - Tiến sĩ A. Meir nói. Ông nhắc lại câu chuyện Singapore từng mời Nữ hoàng Hà Lan uống ly nước được xử lý từ nước thải và nhấn mạnh: “Đó là cách tuyên truyền vận động người dân tốt nhất”.
Bên cạnh đó, là quốc gia hàng đầu thế giới dùng năng lượng mặt trời, Israel được dự đoán trong tương lai không xa, hệ thống năng lượng mặt trời sẽ đáp ứng đủ nhu cầu điện của cả nước Israel. Hiện nay, 80% dân cư Israel đã dùng nước nóng từ năng lượng mặt trời. Tại Trường Đại học Ben Gurion, Chính phủ Israel đã xây dựng những chảo năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Một công viên năng lượng mặt trời với công suất 250MW ở Ashalim, phía Bắc Negev, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.
Chúng tôi rời viện nghiên cứu sa mạc giữa cái nóng trưa như đổ lửa của sa mạc Negev, nhưng những cánh đồng hoa màu và cây olive mênh mông như đang chạy theo chúng tôi, giúp cái nóng sa mạc như dịu lại. “Mỗi cây ở đây đều do chính con người gieo mầm chăm bón, không cây nào mọc tự nhiên” - cô Shachar Re’em, thành viên Trung tâm đào tạo của MASHAV nói trong khi tay chỉ qua cửa sổ xe buýt cho tôi thấy những hàng cây cao xa xa cùng những thảm hoa màu hai bên đường cao tốc trên sa mạc Negev.
“Các bạn trồng cây cho những thị trấn trong tương lai và để chống hoang mạc hóa?”, tôi hỏi. Shakha trả lời: “Chỉ đơn giản là thẩm mỹ, người Do Thái thích trồng cây. Ở sa mạc Negev, màu xanh của sự sống bạn có thể nhìn thấy ở mỗi chân trời”.
VIỆT TRUNG
Bài 2: Kibbutz - những nông trang tập thể
Trên chuyến bay từ Istanbul sang Tel Aviv, ngồi cạnh tôi là một nông dân Israel, ông kể cho tôi nghe nhiều về kibbutz, những nông trang tập thể giống như các nông trang ở Liên Xô ngày trước. Khi tôi mở tập tài liệu giới thiệu về đất nước Israel mà đại sứ quán nước này gửi cho tôi trước khi lên đường và đọc cho ông nghe đoạn: các kibbutz ngày nay đang đối mặt với những thách thức do cuộc sống hiện đại mang lại. Ông cười buồn rồi nói: “Họ dùng từ thách thức do cuộc sống hiện đại ư. Chính kibbutz mới là xã hội hiện đại đấy”. Câu nói của ông thách thức trí tò mò của tôi và tôi quyết định sẽ tìm hiểu thêm về các xã hội thu nhỏ đặc biệt này.
Suy nghĩ của lớp trẻ về kibbutz
Trong chuyến công tác của mình, chúng tôi có dịp ngủ lại trong một khách sạn của kibbutz trên sa mạc Negev. Nhưng chỉ ngủ một đêm rồi sáng lại lên đường, dường như không thể thỏa mãn trí tò mò của tôi. Tôi đề nghị với Shachar Re’em, nhân viên của Trung tâm đào tạo thuộc Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Israel rằng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống trong kibbutz. Shachar tự hào khoe rằng cô biết rất nhiều về kibbutz và đã từng sống ở đó 6 tháng.
Theo lời kể của Shachar, các thành viên trong kibbutz cùng làm việc, cùng ăn ở những bếp ăn tập thể, chỉ có buổi tối thì ai về nhà nấy. Các cháu nhỏ sẽ đến trường phổ thông hoặc trường mầm non riêng của kibbutz. Mỗi tháng mỗi người chỉ nhận được khoản thu nhập tượng trưng tùy theo khả năng tài chính của mỗi kibbutz, như chỗ cô từng ở thì mỗi tháng cô được khoảng 200 shekel (60 USD) trong khi lương trung bình ở Israel khoảng 1.500 USD. Nhưng bù lại mỗi thành viên ở kibbutz không phải lo gì về việc ăn ở của mình, tất cả đều đã có kibbutz lo. Kể cả chi phí đám cưới, sinh con, học hành đều được chu cấp.
Đối với các kibbutz nằm trên sa mạc, ngoài việc làm trang trại, họ thường xây dựng khách sạn để đón khách du lịch tham quan sa mạc. Và đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể của các kibbutz. Nhưng những kibbutz nằm gần thành phố thì chỉ có thể chăn nuôi và trồng trọt. Đất đai ở Israel thuộc sở hữu nhà nước. Nếu một nhóm người muốn lập kibbutz thì cứ nộp hồ sơ và nhà nước sẽ giao đất đai cho họ canh tác.
Nhớ đến những chỉ trích về phân chia của cải xã hội theo bình quân chủ nghĩa, tôi ngắt lời Shachar: Nhưng nếu với cách phân chia lương cào bằng như vậy, có những người lười lao động thì sao?
- Hiếm có chuyện đó lắm vì mỗi người đều có lòng tự trọng.
- Một cộng đồng lý tưởng như vậy. Tại sao bạn không ở đó luôn - tôi hỏi.
Shachar suy tư rồi trả lời: Kibbutz là nơi tinh thần cộng đồng rất cao, mọi người sống và làm việc hết mình vì nhau, ở đó không ai được có tài sản riêng, nhưng đôi khi mình cảm thấy không có không gian tự do cho mình nữa. Ở kibbutz có một số khó khăn nhất định như mỗi khi có người muốn vào đại học, nếu kibbutz không đủ tiền chu cấp cho tất cả thì hội đồng điều hành sẽ họp và quyết định cấp tiền cho ai học.
- Vậy những người không được cấp tiền thì sao?
- Thì họ sẽ không vào đại học mà ở lại làm việc trong kibbutz. Những năm trước, nhiều thanh niên đã rời kibbutz vì họ muốn có tài sản riêng, muốn được tự quyết định cuộc sống của mình, nhưng quan trọng hơn là thu nhập ở bên ngoài cao hơn trong kibbutz rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có những người sau khi thành đạt, họ lại đưa con cái về sống tại kibbutz để các cháu được hưởng nền giáo dục đặc biệt và rèn luyện trong môi trường cộng đồng.
Và suy nghĩ của người già
Xung quanh thành phố Haifa ở miền Bắc Israel, nơi chúng tôi lưu lại suốt 3 tuần, có rất nhiều kibbutz. Vì vậy tôi quyết định tự đón xe taxi đến thăm kibbutz Yagur theo lời giới thiệu của Shachar. Ra đến ngoại ô Haifa, tôi thấy hai bên đường là những cánh đồng rộng mênh mông đã được cày xới và chờ ngày gieo hạt. Tháng 11, ở Israel bắt đầu mùa mưa và cũng là mùa gieo hạt. Người lái taxi tên Michael nói đó là đất đai của các kibbutz.
Tôi đến nơi vào giờ nghỉ trưa nên không gặp ai ngoài đường. Tôi đi loanh quanh ngó nghiêng các khu chăn nuôi, xưởng cơ khí. Thời kỳ học ở Liên Xô, tôi chưa từng được đến một nông trang tập thể nào, nhưng hương đất từ những cánh đồng mới cày xới, những làn gió thỉnh thoảng hất tung vào không gian mùi khăm khẳm từ khu chăn nuôi hay mùi dầu nhớt từ xưởng máy cày, gợi nhớ những câu chuyện viết về cuộc sống ở các nông trang tập thể của nhà văn Xô Viết Konstantin G.Pautovsky. Xa xa có tiếng trẻ em nô đùa, tôi đoán chắc là trường học của kibbutz. Tự nhiên trong tôi có một cảm giác rất thân quen với nơi này.
Đón tôi là một phụ nữ tên Helen. Tôi giới thiệu mình đến từ Việt Nam, bà mừng rỡ và khoe vừa đi du lịch đến Việt Nam hồi năm ngoái. Helen bảo bà rất vui vì đã đặt chân đến vịnh Hạ Long, nơi vừa được bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Helen gọi điện cho Ariel Tennenbaum, người mà Shachar đã giới thiệu với tôi.
Ông đến và lại đưa tôi đến nhà ông giáo Shimon Rehes đã 72 tuổi. Ông đã sinh ra ở đây và là thầy giáo của bao thế hệ học trò của kibbutz này. Ngôi nhà của ông Solomon nhỏ nhắn và ấm cúng, như vừa đủ cho hai vợ chồng ông và các giá sách cao từ đất lên đến trần nhà.
Vừa giới thiệu mình là người Việt Nam, ông cũng mừng rỡ kêu lên: “Tôi cũng đã từng đến Việt Nam. Đó là một đất nước thật tuyệt vời”. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu tự nhiên như thế. Ông kể cho tôi nghe lịch sử hình thành của các kibbutz. Theo ông, kibbutz đầu tiên hình thành ở Israel từ năm 1909 và hoạt động của kibbutz chính là một dạng hình thái xã hội XHCN. Tôi có phần ngạc nhiên và e rằng ông nhớ lầm nên ngắt lời ông:
- Cháu muốn hỏi ông rằng, nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1917, nhưng có phải hình thái xã hội XHCN đã xuất hiện ở đây từ năm 1909?
- Cháu nói đúng. Kibbutz ra đời trước cả nhà nước Nga Xô Viết. Vì dù nước Nga Xô Viết ra đời năm 1917, nhưng tư tưởng của Karl Mark và XHCN đã lan tỏa ở nước Nga từ những năm đầu thế kỷ 20. Những người lập nên kibbutz đầu tiên chính là những người từng sinh sống ở Nga những năm đầu thế kỷ trước.
Điều thú vị này tôi mới nghe lần đầu và hình như chưa đọc thấy trong tài liệu nào nói về kibbutz.
Tôi hỏi ông:
- Vậy ông có bao giờ nghĩ rằng muốn xây dựng một nước Israel thành một kibbutz thật lớn hay không?
- Đó là điều thật tuyệt vời cháu ạ! Nhưng chắc khó khăn lắm vì người Do Thái có câu ở đâu có 3 người Do Thái thì ở đó có đến 4 ý kiến. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đến 4 - 5 thế hệ nữa điều này có thể sẽ thành sự thật.
Trước khi chia tay với tôi, ông lặp đi lặp lại: Nếu điều đó thành hiện thực thì thật tuyệt vời.
| |
Việt Trung
Bài 3: Chiến tranh và hòa bình
Trước khi lên đường đi Israel, bạn bè và người thân nửa đùa nửa thật: Ở đó đang có chiến tranh, bảo trọng nhé! Đặt chân đến Israel, tôi nhận thấy người dân nơi đây vẫn sinh sống, làm việc bình thường, đời sống khá cao, xã hội phát triển vượt bậc, nói chung là cuộc sống tương đối êm ả. Tuy nhiên, đâu đó vẫn ẩn hiện dấu hiệu của một nền hòa bình nóng.
Hòa bình nóng trên xứ sở Olive
Cái nóng đó tôi nhận thấy trong chuyến tham quan thành phố Haifa ở miền Bắc. Đứng trên núi Carmel cao 300m so với mặt biển, người hướng dẫn viên du lịch chỉ cho chúng tôi xem những chiếc tàu chiến Israel đang chạy trên vịnh Haifa. Cô còn nhấn mạnh rằng trên mỗi chiếc tàu đều có tên lửa sẵn sàng khai hỏa. Từ núi Carmel nhìn về hướng Bắc xa xa thấy một dãy núi trắng xóa. Đó là biên giới giữa Israel và Lebanon.
Năm 2006 cuộc chiến Lebanon bùng nổ trên biên giới giữa Israel và Lebanon, quân đội Israel đưa quân vào Lebanon, làm 1.500 người Lebanon và 42 người Israel thiệt mạng. Cuộc chiến đã chấm dứt nhưng vẫn còn như một bóng ma ám ảnh cuộc sống của người dân hai bên.
Căng thẳng hơn là ở miền Nam, nơi gần dải Gaza thường xuyên có các cuộc bắn pháo qua lại giữa lực lượng Hamas của Palestine với quân đội Israel. Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, mấy tháng trước một cuộc bắn pháo qua lại giữa hai bên khiến một công nhân Thái Lan làm việc trong một trang trại ở miền Nam bị thương nặng. Các công nhân Việt Nam cũng chứng kiến cuộc bắn pháo này nên sau đó xin chuyển lên các nông trại ở miền Bắc. Cuộc sống của người dân ở bên phía Israel đã thấy căng thẳng, huống hồ chi người dân Palestine ở dải Gaza.
Chúng tôi không được phép vào dải Gaza, nhưng tôi nghĩ ai cũng có thể tưởng tượng cảnh thường xuyên bị máy bay Israel pháo kích, bị phong tỏa cả đường không, đường biển lẫn đường bộ, không có viện trợ vì các chuyến hàng viện trợ đều bị Israel ngăn chặn từ Địa Trung Hải, người dân Palestine ở Gaza khốn khó như thế nào.
Tôi nhớ đến bài viết gần đây của Nathan Stuckey, thành viên Phong trào đoàn kết quốc tế vì Gaza. Ông miêu tả trong những ngày ở Gaza hầu như luôn nghe tiếng chiến đấu cơ F16 và máy bay không người lái của Israel ở trên đầu, thành phố đông dân nhưng đường phố luôn vắng vẻ vì mọi người không có việc làm, không có tiền để mua sắm; điện nước rất hạn chế…
Nền hòa bình nóng được nhận thấy rõ nhất tại Jerusalem. Trong chuyến tham quan Jerusalem dành cho các nhà báo quốc tế, chúng tôi có dịp chứng kiến một đoạn bức tường an ninh do Israel xây dựng phân chia Jerusalem thành hai khu vực. Bức tường chạy ngoằn ngoèo, uốn lượn, có những đoạn chạy trên đồi, có những đoạn chạy dọc theo đường cao tốc. Có đoạn xây bằng bê tông, có đoạn chỉ là hàng rào kẽm gai.
Ở những đoạn đường gần ranh giới giữa lãnh thổ Israel và Palestine, luôn có một trạm kiểm soát an ninh, binh lính lăm lăm súng trong tay. Họ được lệnh bắn không cần xét xử nếu nghi ngờ có người muốn đánh bom liều chết. Khi xe chúng tôi dừng lại tại một trạm kiểm soát, hai binh sĩ bước lên xe với súng trong tay đi từ trước ra sau. Chúng tôi cố gắng cười tươi và chào họ, nhưng gương mặt của các binh sĩ này vẫn “lạnh như tiền” khiến tôi có cảm giác lòng nhiệt thành của mình được bày tỏ không đúng lúc. Tại Jerusalem, dù người dân vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng dường như sự căng thẳng vẫn âm ỉ đâu đó.
Không thỏa thuận trước với nhau nhưng cả nhóm nhà báo chúng tôi đều muốn sang Bờ Tây hoặc dải Gaza để tận mắt nhìn thấy cuộc sống người dân Palestine. Rất tiếc vì lý do an ninh, chính quyền Israel không cho phép chúng tôi sang phần lãnh thổ do Palestine kiểm soát. Khi xe chúng tôi chạy ngang qua thành phố Bethlehem thuộc Bờ Tây do Palestine kiểm soát, cả nhóm chúng tôi đều lao ra cửa sổ để cố nhìn xem người dân Palestine sống như thế nào.
Trong những ngày đầu tháng 11, lần đầu tiên trong lịch sử Israel, báo chí nước này thảo luận công khai về mối quan hệ căng thẳng giữa Israel và Iran. Trên các mặt báo liên tục xuất hiện ý kiến của các chuyên gia quân sự lẫn các nhà chính trị về việc nên hay không nên có một cuộc chiến tranh với Iran, vấn đề từ xưa đến nay chỉ được bàn trong nghị trường quốc hội. Bên cạnh đó là cuộc tranh luận gay gắt về việc báo chí có nên đưa vấn đề chiến tranh ra thảo luận công khai như thế không.
Cuộc tranh luận nóng đến nỗi các hãng tin phương Tây sau đó đưa lại những thông tin này với lối viết truyền thống nhấn mạnh các chi tiết giật gân, làm cho thế giới cứ tưởng Israel và Iran sắp đánh nhau đến nơi rồi.
Mặc cho quốc hội và truyền thông bàn thảo ầm ĩ, những người dân Israel mà chúng tôi gặp đều nói: chiến tranh đâu có dễ đến như vậy, chúng tôi đang giải quyết cuộc xung đột dai dẳng nhất trong lịch sử hiện đại đã đủ lắm rồi.
Bài học cho và nhận
Trong chuyến tham quan đến Biển Galilee, người hướng dẫn du lịch kể cho chúng tôi nghe về các dòng chảy của Biển Galilee và Biển Chết. Biển Galilee nhận nước từ các mạch nước trên cao nguyên Golan và từ lòng đất rồi nó cung cấp nước cho sông Jordan. Vì vậy Biển Galilee vẫn sống và dòng nước của nó ngọt ngào. Trong khi Biển Chết chỉ nhận nước từ sông Jordan mà không cung cấp nước cho bất kỳ nơi nào, vì vậy nó đang chết và nước thì mặn đắng. Ông kết luận: Nếu trong cuộc sống, chúng ta biết nhận và cho đi thì cuộc sống mãi vĩnh hằng, nhưng nếu chỉ biết nhận mà không cho thì đó là một cuộc đời đã chết.
Câu chuyện của ông khiến tôi nhớ đến cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel vào năm 2000 tại Trại David của Mỹ dưới sự trung gian hòa giải của Tổng thống Mỹ đương nhiệm lúc bấy giờ Bill Clinton. Trước khi bắt đầu đàm phán, Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã gửi thông điệp đến cả hai phía rằng, trong cuộc đàm phán này hai bên phải biết cho và nhận, nếu bên nào cũng muốn giành trọn phần thắng về mình thì đàm phán không bao giờ thành công. Kết quả cuối cùng cuộc đàm phán đã thất bại. Lời khuyên của ông Kofi Annan đến giờ vẫn còn nguyên giá trị đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.
Mặc cho những chính sách cứng rắn của chính quyền Israel trong tiến trình hòa bình Trung Đông, các tổ chức dân sự của cả hai bên Israel và Palestine vẫn nỗ lực không ngừng tăng cường hợp tác để thúc đẩy hòa bình. Theo thống kê, hiện có ít nhất 24 tổ chức, quỹ, và dự án lớn ủng hộ hòa bình, hợp tác giữa Israel và Palestine cùng hàng trăm hoạt động mỗi năm. Chưa kể hàng trăm website kêu gọi hòa bình.
Thiên nhiên ban cho vùng đất này cây olive, biểu tượng của hòa bình, nhưng hàng ngàn năm nay, đây lại là điểm nóng của các cuộc chiến tranh tôn giáo, sắc tộc và chinh phạt thuộc địa. Cây olive sinh trưởng trên đất cằn khô nhưng cho quả đều đặn và lại là loài cây “sống rất thọ”.
Trong khu vườn olive đầu tiên (hay còn gọi là vườn Gethsemane) bên cạnh khuôn viên Nhà thờ hấp hối trên Núi Olive ở thành cổ Jerusalem, người hướng dẫn viên du lịch chỉ cho chúng tôi xem những cây olive sống đã gần ngàn năm. Gốc rễ của chúng dường như đã mục rỗi nhưng vẫn bám chắc vào đất, những cành mới vẫn vươn lên mạnh mẽ và chồi non vẫn đang sum suê.
Hình ảnh cây olive già cỗi với cành non rung rinh trong nắng gợi cho tôi liên tưởng đến nền hòa bình nơi đây. Trong gian khó hòa bình vẫn đâm chồi nảy lộc, trong chiến tranh nhân loại luôn mong muốn vươn tới hòa bình. Sức sống mãnh liệt của cây olive chính là sức sống mãnh liệt của hòa bình.
Các bạn đồng hành với tôi đến từ nhiều miền đất khác nhau trên thế giới đều nói Israel đã từng trải qua ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, hy vọng người Israel sẽ hiểu được nguyện vọng của nhân dân Palestine, cộng đồng quốc tế hy vọng ngày nào đó Palestine và Israel sẽ chung sống trong hòa bình.
VIỆT TRUNG