Sau cuộc khủng hoảng nợ công, giờ đây nước Italia đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác: khủng hoảng di sản.
Sự kiện một bức tường dài 12m tại thành phố La Mã Pompeii bị đổ sụp vào cuối tháng 11 đang gây ra một làn sóng tranh luận gay gắt về việc bảo tồn các di sản quý ở Italia. Trước đó, vào đầu tháng 11, 3 tảng vữa lớn của đấu trường Colosseum 2.000 năm tuổi đã bị bong ra. Một phần mái nhà của Domus Aurea (Ngôi nhà vàng) ở Rome cũng sập.
Tại Venice, “Thành phố nổi” này được hình thành bởi 117 hòn đảo ở vùng biển Adriatic của Italy đang dần bị chìm trong nước. Mực nước biển dâng cao đang đe dọa nhấn chìm thành phố được coi là điểm đến lãng mạn nhất thế giới. Trung bình mỗi ngày có tới 50.000 người đang gây nên sự bào mòn ở các phòng trưng bày, nhà thờ và công trình văn hóa, lịch sử. Phòng trưng bày nghệ thuật Uffizi thế kỷ 16 nổi tiếng của thành phố Florence đang bị đánh giá là bẩn thỉu, bốc mùi, nhiều phòng bị dột mỗi khi mưa đến. Thực tế là không chỉ có những di chỉ nổi tiếng ở Venice và Pompeii đang cần được bảo vệ, mà khắp Italia đang có hàng trăm ngàn di sản khác cũng cần được chú ý tới. Báo chí Italia đã gọi các hiện tượng này là khủng hoảng di sản.
Hiện tượng các di sản ở Italia bị bỏ bê dẫn đến hiện tượng xuống cấp nghiêm trọng được cho là hậu quả của việc chính phủ Italia liên tục cắt giảm ngân sách văn hóa vì kinh tế bị suy thoái và trì trệ. Ngân sách sử dụng cho việc tu bổ di sản ở Italia hiện còn khoảng 5 tỷ EUR trong năm nay, bị giảm xuống 2 tỷ EUR so với 2 năm trước. Việc cắt giảm mạnh tay nguồn ngân sách cũng làm giảm số lượng nhân viên bảo vệ các khu di tích. Đây cũng được cho là lý do khiến các kiến trúc cổ xuống cấp nhanh chóng.
Dư luận cũng lên án chính phủ của Thủ tướng Berlusconi đang giao trọng trách bảo tồn các di sản vào những người không có trách nhiệm. Họ đang kêu gọi ông Sandro Bondi, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Italia từ chức vì đưa ra các đề xuất cắt giảm chi phí bảo tồn di sản. Thay vào đó, ông lại dùng ngân sách để sử dụng cho nhiều lễ hội hoành tráng. Maurizio Quagliuolo, thuộc Tổ chức Bảo tồn Herity cho rằng, chính quyền không hiểu rằng tài sản văn hóa không nên bị coi là xa xỉ phẩm khi nền kinh tế gặp khủng hoảng mà là một phần cơ bản cho sự hồi phục.
Là một quốc gia nổi tiếng với 39 di sản được UNESCO công nhận, Italia hiện là nước có nhiều di sản văn hóa nhất thế giới và đây là một danh hiệu mà rất nhiều quốc gia đang mơ ước. Khi các di sản xuống cấp, dư luận lo ngại ngành công nghiệp du lịch của Italia sẽ bị ảnh hưởng, sau khi đã mang về nguồn lợi nhuận không nhỏ, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, tạo hàng triệu việc làm. Vì thế, khi các di tích bị bỏ bê, người dân Italia đã nổi giận thật sự.
Bà Giovanna Melandri, từng giữ cương vị Bộ trưởng Văn hóa từ năm 1998 đến năm 2001, cho rằng việc thiếu kinh phí là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này. Bà cho biết đầu tư cho văn hóa sẽ tạo nên sự thịnh vượng thông qua du lịch, tạo nhiều công ăn việc làm và phong phú tinh thần. Chính phủ Italia phải nhận thức được rằng nếu không nhanh chóng thực hiện những biện pháp triệt để, nhiều di sản sẽ vĩnh viễn mất đi và không bao giờ có thể làm lại được, nguồn lợi nhuận rất lớn thu được từ du lịch cũng sẽ biến mất theo các di sản.
PHƯƠNG NAM (Theo AFP, Reuters)