Kể chuyện văn hóa qua ảnh

Với ý thức lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã tự trang bị máy móc và mày mò sử dụng để ghi lại những thước phim quý giá.
Kể chuyện văn hóa qua ảnh

Với ý thức lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông đã tự trang bị máy móc và mày mò sử dụng để ghi lại những thước phim quý giá.

Nhìn những cảnh quay, những thước phim do chính đồng bào dân tộc thiểu số bản địa tự sản xuất, ít ai biết rằng tác giả là những người quay phim nghiệp dư, có xuất phát điểm ở những địa bàn xa xôi, héo lánh… thậm chí ở nơi chưa có điện lưới để dùng. Do có cùng sở thích và ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình, nhóm khoảng 20 thành viên ở huyện Đắk G’long đã tự làm quen với máy chụp ảnh, máy quay phim. Và cứ thế, người hiểu biết hơn hướng dẫn lại những kỹ năng, thao tác quay phim, chụp hình cho những người mới cầm máy. Hàng ngày, nhóm đồng sở thích này thường xuyên có mặt tại các thôn, buôn, những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh hoạt, sản xuất để tác nghiệp. Anh Lò Văn Thanh (36 tuổi, dân tộc Thái trú tại thôn 4, xã Đắk R’Măng) tâm sự: “Lúc đầu tiếp cận với máy quay tôi rất bỡ ngỡ. Phải học một thời gian mới biết cách lấy được toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, phỏng vấn... Điều làm tôi hứng thú cầm máy là nhằm lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc cho con cháu đời sau”. Còn anh Giàng A Trang (34 tuổi, người dân tộc Mông, trú tại thôn 5, xã Đắk R’Măng) chia sẻ: “Những buổi đầu làm quen với máy quay phim, khi ấy tôi thấy rất hồi hộp vì không biết mình có làm chủ được công nghệ hay không. Qua nhiều lần sử dụng mới dần quen và sử dụng dễ dàng. Giờ đây mình đã biết cách thay đổi góc quay liên tục để tạo sự đa dạng cho clip”.

Anh Lò Văn Thanh quay phim về những hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương

Xuất hiện ở chợ phiên truyền thống của người Mông với chiếc máy quay phim trên tay, Giàng A Trang làm nhiều dân bản thấy lạ. Lạ vì lâu nay trong làng anh không ai biết quay phim, chụp ảnh và cũng chẳng ai nghĩ đến một ngày có Giàng A Trang biết sử dụng chiếc máy đó. Sau giây phút ngỡ ngàng, nhiều người tạm dừng phiên chợ vui để chạy đến làm “khán giả” quan sát cách Giàng A Trang “tác nghiệp” với những thao tác máy, lấy khung hình, cỡ cảnh rất chuyên nghiệp. Công việc của Giàng A Trang bắt đầu bằng việc chọn một góc máy để lấy toàn cảnh khu chợ, rồi cảnh người dân đi chơi, đi chợ, cảnh mua bán và cả phỏng vấn người dân, người bán hàng… một cách bài bản. Khép lại buổi “tác nghiệp”, một chợ phiên qua góc máy của Giàng A Trang không chỉ sôi nổi, sống động và vui tươi mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống, có cả lời tâm sự, chia sẻ của người dân.

Giàng A Trang tâm sự: “Chiếc máy quay phim thiết thực lắm, giúp mình lưu lại được cảnh sinh hoạt văn hóa độc đáo để lưu giữ cho mình và con cháu. Cái hay là chỉ cần xem sẽ hiểu ngay được câu chuyện chứ không cần giải thích gì thêm”. Vừa bấm chế độ xem hình, Giàng A Trang giới thiệu về buổi tái hiện màn khua luống, đón dâu của người Thái. Từng chùm hình ảnh cứ thế xuất hiện theo diễn tiến của buổi lễ, tiếp đến là các nghi thức đón dâu của họ nhà trai. Một phong tục truyền thống được kể qua từng khung hình, góc máy và cả lời tâm sự của những người trực tiếp tái hiện nghi lễ ấy. Xem xong “câu chuyện” qua hình ảnh có thể hiểu và nhớ một cách dễ dàng nhờ hình ảnh sống động, âm thanh rộn ràng… tạo sự cuốn hút cho người xem.

Kể câu chuyện bằng hình ảnh đã trở thành việc làm thường xuyên của Giàng A Trang. Anh còn lưu giữ những clip ghi lại cuộc sống của người dân, dụng cụ lao động, trang phục, các sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc, những mô hình kinh tế hay để mọi người có thể xem và học hỏi nhau cách làm… Giàng A Trang cho biết: “Để bắt gặp được những hình ảnh đời thường mang tính truyền thống không dễ, nên mỗi khi tình cờ gặp là tôi dành hết thời gian để lưu lại. Tôi muốn ghi lại thật nhiều hình ảnh đời thường với nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc vì lo sau này cuộc sống có đổi thay và những hoạt động này sẽ thay đổi hoặc không còn nữa”.

Hà Linh - Đức Hùng

Tin cùng chuyên mục