Kế hoạch hòa bình 6 điểm của Trung Quốc: Syria sẵn sàng hợp tác

Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho biết Damascus sẵn sàng hợp tác theo sáng kiến 6 điểm của Trung Quốc.
Kế hoạch hòa bình 6 điểm của Trung Quốc: Syria sẵn sàng hợp tác

Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho biết Damascus sẵn sàng hợp tác theo sáng kiến 6 điểm của Trung Quốc.

  • Cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng ngay bạo lực

Sáng kiến 6 điểm của Trung Quốc được công bố cuối tuần qua, trong đó kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và tổ chức đối thoại giữa chế độ của Tổng thống Assad và phe đối lập, bác bỏ mọi sự can thiệp từ bên ngoài nhằm thay đổi chế độ ở Syria, song ủng hộ vai trò của Hội đồng Bảo an LHQ trong khuôn khổ Hiến chương LHQ…

Ngày 8-3, ông Kofi Annan, đặc phái viên chung LHQ và Liên đoàn Arập (AL) đã lên tiếng hối thúc phe đối lập ở Syria nỗ lực hợp tác để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Nga cũng hối thúc Chính phủ Syria và phe nổi dậy dừng bạo lực “ngay lập tức”, hỗ trợ các phái viên làm công tác nhân đạo và hòa bình tại nước này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mátxcơva “nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết phải giải quyết các vấn đề nhân đạo khẩn thiết ở Syria”.

Về phần mình, Chính phủ Syria tuyên bố sẵn sàng hợp tác với cơ quan hỗ trợ nhân đạo của LHQ về việc trợ giúp các nạn nhân của các cuộc đụng độ quân sự vẫn đang tiếp diễn giữa lực lượng của chính phủ và phe đối lập nhưng “theo cách thức tôn trọng chủ quyền, nền độc lập của Syria và phải phối hợp với Bộ Ngoại giao nước này”.

Giữa lúc các hoạt động ngoại giao đang được thúc đẩy nhằm ổn định tình hình Syria, Trung Quốc đã quyết định rút công nhân và chuyên gia của mình đang làm việc tại Syria về nước. Hiện tại chỉ còn khoảng 100 công dân Trung Quốc đang ở lại Syria để “bảo vệ các lán trại lao động và các thiết bị”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi công dân nhanh chóng rời khỏi Syria. Bộ Ngoại giao Mỹ còn khuyến cáo công dân nước này trong giai đoạn hiện nay không nên đến Syria. Hãng hàng không lớn nhất của Pháp Air France tuyên bố tạm ngừng các chuyến bay đến Syria vì tình hình đáng lo ngại ở đất nước này.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cùng ngày cáo buộc Chính phủ Libya hỗ trợ một trại huấn luyện cho những kẻ nổi loạn ở Syria, vốn là thủ phạm tấn công các mục tiêu của chính quyền Damascus. Ông cũng cho biết thêm rằng Al-Qaeda đang hiện diện ở Syria và đặt ra vấn đề phải chăng việc “xuất khẩu phong trào nổi dậy” đang biến thành “xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố”.

Mít tinh ủng hộ Tổng thống Assad tại thủ đô Damascus ngày 7-3.

Mít tinh ủng hộ Tổng thống Assad tại thủ đô Damascus ngày 7-3.

  • Mỹ lúng túng về đối sách Syria

Trước thái độ của Nga, Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cùng với việc đa số người dân Syria ủng hộ cải cách hiến pháp để ổn định tình hình đất nước bằng các biện pháp hòa bình, Mỹ và các đồng minh có vẻ lúng túng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 7-3 đã có những tuyên bố cho thấy lần đầu tiên Mỹ có thể hỗ trợ những thiết bị không sát thương cho các nhóm đối lập ở Syria.

Ông Panetta nói rằng “đang xem xét” mọi bước đi dự kiến với các đồng minh quốc tế để ủng hộ những nỗ lực bảo vệ người dân Syria, chấm dứt bạo lực, bảo đảm ổn định khu vực..., trong đó không loại trừ cả những giải pháp quân sự nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh vào thời điểm hiện nay, chính quyền Mỹ đang tập trung vào cách tiếp cận ngoại giao và chính trị hơn là can thiệp quân sự.

Đáp lại lời kêu gọi của nghị sĩ John Mc.Cain đề xuất Mỹ dẫn đầu cuộc không kích Syria, ông Panetta bác bỏ khả năng này và nhắc lại quan điểm của Tổng thống Barack Obama rằng tình hình tại Syria khác với Libya, nơi liên minh do NATO đứng đầu đã thực hiện chiến dịch ném bom năm ngoái giúp lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Gaddafi.

Theo ông Panetta, trường hợp Libya có sự ủng hộ mạnh mẽ trong HĐBA LHQ và AL cho can thiệp quân sự. Còn đối với cuộc khủng hoảng Syria, Trung Quốc và Nga phản đối các biện pháp trừng phạt, trong khi AL cũng không ủng hộ kế hoạch không kích Damascus. Bản thân phe đối lập ở Syria cũng rời rạc với khoảng 100 nhóm nhận là thuộc lực lượng chống đối.

Cũng trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông Leon Panetta nhấn mạnh rằng Nga có “công cụ” cần thiết để gây áp lực với Syria nhưng “không may” Nga đã ủng hộ chính quyền Damascus. Còn Thủ tướng Nga Vladimir Putin trả lời báo chí cho biết Nga chưa thảo luận về khả năng cho Tổng thống Syria Assad tị nạn trong khi Ngoại trưởng Nga tuyên bố Nga sẽ không thay đổi chính sách đối với vấn đề Syria.

Trong một diễn biến khác, ngày 8-3, Thứ trưởng Dầu mỏ Syria Abdo Hussameddin tuyên bố từ chức và sẽ gia nhập phe đối lập. Như vậy, ông Abdo trở thành quan chức cấp cao nhất trong Chính phủ Syria gia nhập hàng ngũ phe đối lập. 

HẠNH CHI (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Trưởng phái bộ nhân đạo Liên hợp quốc tới Syria

>> Nỗ lực ổn định tình hình Syria - Nhiệm vụ bất khả thi?

Tin cùng chuyên mục