Nghị định 68/2011/NĐ-CP ngày 8-8-2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập quy định, bảng kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nằm trong diện kê khai phải được công khai để người dân và cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị, tổ chức biết. Thế nhưng, đến nay chỉ có 42/88 cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM thực hiện việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Công khai cho có
Theo Thanh tra TPHCM, chỉ có 9/42 cơ quan, đơn vị áp dụng việc công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, phần lớn còn lại công khai trong các cuộc họp. Tìm hiểu thực tế tại các cơ quan, đơn vị này, chúng tôi nhận thấy đều thực hiện rất hình thức và chủ yếu là làm cho có để báo cáo theo chỉ đạo của UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 466/TTCP-C.IV ngày 9-3-2012.
Tại Sở QH-KT TPHCM, thay vì niêm yết trên bảng thông báo toàn bộ bảng kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng phải kê khai thì được làm gọn lại trong bảng tổng hợp danh sách cán bộ, công chức với các mục như: Kê khai lần đầu, kê khai lần hai - có biến động, không biến động… Theo bà Nguyễn Hồng Vân, Phó Văn phòng Sở QH-KT TP, do không thể niêm yết toàn bộ bảng kê khai của cán bộ, công chức trong cơ quan nên lãnh đạo sở chọn hình thức công khai bảng tổng hợp danh sách và chỉ nêu cụ thể những biến động tăng hoặc giảm tài sản, thu nhập để mọi người biết.
Việc niêm yết bảng kê khai tài sản, thu nhập tại trụ sở làm việc của cơ quan cũng được thực hiện rất hình thức và phổ biến là công khai… có thời hạn. Có nơi công khai trong 1 - 2 tháng nhưng có nơi chỉ dán lên vài ngày là gỡ xuống và nếu ai muốn tìm hiểu thêm thì gặp lãnh đạo đơn vị để biết. Báo cáo với đoàn thanh tra của Thanh tra TP, lãnh đạo Sở KH-ĐT TP cho biết, toàn bộ bảng kê khai của cán bộ, công chức trong diện phải kê khai được dán công khai ở bảng thông báo đặt trước văn phòng sở. Thế nhưng, chúng tôi đã không tìm được bảng kê khai nào được dán trong các bảng thông báo, bảng tin nội bộ đặt tại trụ sở làm việc của sở.
Bà Trần Thị Việt Hà, Phó Văn phòng Sở KH-ĐT, từ chối cung cấp thông tin về việc niêm yết này và cho biết: “Phải có công văn của Ban Biên tập Báo SGGP nêu rõ muốn biết để làm gì, lãnh đạo sở mới cung cấp (!?)”.
Để giúp người dân và cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị biết được việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, thời gian qua đã có 4 đơn vị gồm UBND quận 6, 11, 12 và Sở TT-TT TP áp dụng hình thức vừa niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, vừa công khai trong cuộc họp. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND quận 12, cách làm này cũng chưa phản ánh được đúng thực chất vì việc công khai chưa phổ biến rộng rãi cho nhiều người biết. Nội dung trong bảng công khai còn chung chung, thiếu cụ thể, người dân muốn theo dõi, giám sát và chất vấn khi phát hiện có gian dối trong kê khai không biết gặp ai để hỏi.
Thực hiện lúng túng
Đó là nhận định của lãnh đạo Thanh tra TP sau đợt thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng năm 2011. Một số nơi như quận 2, 6, 7, huyện Bình Chánh, Sở KH-ĐT… thực hiện còn nhiều sai sót và chưa đúng quy định như không lập giấy giao nhận bản khai; không lập danh sách cán bộ, công chức phải kê khai; tự quy định thời gian công khai và không có cơ quan nào đứng ra trả lời những thắc mắc về tính minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức khi có yêu cầu.
Theo ông Võ Văn Quận, Phó Chánh Thanh tra TP, hiện Thanh tra Chính phủ chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 68 nên nhiều nơi còn lúng túng trong cách làm. Hiện vẫn còn 46/88 cơ quan, đơn vị trực thuộc TP chưa tiến hành việc công khai tài sản, thu nhập. Mặt khác, một số biểu mẫu hướng dẫn kê khai thiếu nhiều nội dung quan trọng như nguồn gốc tài sản có biến động tăng, giảm, tài sản và thu nhập của vợ chồng, cha mẹ, con cái trong gia đình… Việc niêm yết bảng kê khai tại trụ sở nơi làm việc còn hình thức và chưa có cách làm theo đặc thù của từng cơ quan, đơn vị. Chính những mặt còn hạn chế này đã cho thấy đợt kê khai tài sản, thu nhập vừa qua thực hiện trên diện rộng với gần 30.000 đối tượng phải kê khai nhưng không phát hiện được trường hợp nào gian dối, thiếu trung thực hoặc giấu giếm tài sản, thu nhập. Đây là vấn đề cần đặt ra trong thực hiện chủ trương minh bạch hóa tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhằm đấu tranh, phát hiện có hiệu quả những hành vi tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hiện nay.
Hoài Nam