Kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam bộ

Bắt đầu từ hôm nay, 5-11, sự kiện “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam bộ năm 2015” chính thức diễn ra tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bắt đầu từ hôm nay, 5-11, sự kiện “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Nam bộ năm 2015” chính thức diễn ra tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ, sự kiện tiếp tục là cầu nối cung - cầu công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, là cơ hội giải quyết nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, phát triển công nghệ từ các tỉnh/thành phố, doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho các địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam bộ.

Năm nay sự kiện có ba nội dung mới: Một là, tìm kiếm lực lượng chuyên gia tư vấn trực tiếp các công nghệ cụ thể do doanh nghiệp đặt hàng. Hai là, giới thiệu công nghệ có định hướng thông qua các hội thảo, tọa đàm tại khu kết nối cung - cầu công nghệ, tập trung vào vấn đề về hạ tầng và đô thị cho khu vực phía Nam. Ba là, liên quan đến kết nối tài chính. Song song đó là các hội thảo chuyên sâu giới thiệu công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn khu vực Nam bộ. Đặc biệt, lần đầu tiên, sự kiện có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế và công nghệ. Họ sẽ cung cấp bức tranh tổng thể cho các doanh nghiệp khi tham gia vào TPP. Từ đó, doanh nghiệp có thể xác định được sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của mình, giúp doanh nghiệp định hướng đổi mới công nghiệp và công tác quản lý. 

Đến nay, hầu hết các địa phương khu vực Nam bộ đã đăng ký tham gia, với quy mô khoảng trên 300 công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu. Riêng TPHCM, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ (RTTC) được giao làm đầu mối phối hợp với các viện, trường và trung tâm tham gia trưng bày, giới thiệu và trình diễn, kết nối cung - cầu trên 20 công nghệ, thiết bị. Ông Trịnh Thái Xiêm, Giám đốc RTTC, cho biết các công nghệ của TPHCM được lựa chọn đều thuộc loại công nghệ mới và công nghệ cao, đã hoàn thiện và đang sẵn sàng chuyển giao. Một số công nghệ và thiết bị tiêu biểu như: Kỹ thuật trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; Thiết bị san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng kỹ thuật laser; Sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu và rau sạch theo quy trình khép kín; Công nghệ sản xuất rượu vang bằng khoai lang tím; Công nghệ xử lý nước thải kết hợp thu hồi protein; Thiết bị lọc nước biển…

Bộ Khoa học - Công nghệ kỳ vọng các công nghệ mới được TPHCM và các địa phương giới thiệu tại sự kiện sẽ đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất về tiếp thu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục